* Khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và gia tăng giá trị sản phẩm
Có thể thấy dấu ấn của khoa học và công nghệ góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, như: Ngành trồng trọt đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như: VietGAP, Global GAP... Đồng thời, tham gia hỗ trợ theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm quốc gia chủ lực, sản phẩm trọng điểm của địa phương (OCOP) từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến, bảo quản, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao.
|
Đoàn Việt Nam nhận giải thưởng gạo ngon nhất thế giới tại Philippines
Nguồn ảnh: tuoitre.vn
|
Trình độ khoa học và công nghệ của nền nông nghiệp cũng được nâng cao, công tác đào tạo nghề cho nông dân được đẩy mạnh, xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, cách làm sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Sự sáng tạo không chỉ ở một lĩnh vực, một chỉ tiêu mà hầu hết các lĩnh vực đều có những gương điển hình tiêu biểu, cách làm hay và trải rộng trên nhiều địa phương. Bên cạnh đó, còn có nhiều mô hình điển hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trên khắp cả nước trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực tạo nên sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và ảnh hưởng đến môi trường nông thôn, diễn biến thời tiết đang ngày càng phức tạp, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng lớn và nghiêm trọng hơn, do vậy, yêu cầu của ngành khoa học và công nghệ trong phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn ngày càng quan trọng. Khoa học và Công nghệ đang có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, quản lý sản xuất, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời, đưa các tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo hướng đi mới để thay đổi cách thức tổ chức sản xuất.
Điển hình, nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất mà tỷ trọng gạo chất lượng cao của Việt Nam chiếm trên 80% gạo xuất khẩu, giúp nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm 2019. Đặc biệt, tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Phi-lip-pin, giống gạo ST25 của Việt Nam được công nhận là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019’. ST25 là giống gạo có các đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn, hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo có mùi dứa. Ưu điểm của ST25 là giống cao sản, có thể trồng từ hai đến ba vụ một năm.
Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường, theo đó, ngành chăn nuôi cũng đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng. Trước diễn biến nhanh chóng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tìm giải pháp để kiềm chế, ngăn chặn bệnh dịch; nghiên cứu sản xuất vắc-xin; đặc điểm bệnh lý sinh học dịch tễ; đánh giá hoạt tính kháng virus của một số chế phẩm tự nhiên; giải pháp an toàn sinh học; xử lý môi trường; giải pháp quản lý... để giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Công nghệ chế biến thủy sản ngày càng được đầu tư hiện đại để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế như: Ứng dụng hệ thống thiết bị cấp đông nhanh trực tiếp bằng chất tải lạnh lỏng ứng dụng trong chế biến một số loại thủy sản với tính năng vượt trội về chất lượng và hiệu quả so với công nghệ cấp đông truyền thống.
Những mô hình khoa học công nghệ xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao
Là một quốc gia có lợi thế so sánh đặc biệt về nông nghiệp trên nhiều khía cạnh về tài nguyên thiên nhiên (đất đai, khí hậu, địa hình…) và truyền thống sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, Việt Nam đã trải qua 30 năm đổi mới thành công. Khu vực nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo ổn định kinh tế xã hội. Đó là đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho gần 70% dân cư, là nhân tố quyết định xóa đói giảm nghèo… Trong đó Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nên nhiều mô hình vượt trội trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, vừa bảo vệ được môi trường
|
Nông dân An Giang đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại. Ảnh: TTXVN |
Về lĩnh vực thủy lợi có các mô hình nổi bật như: Gia tăng mực nước ngầm trong đồi cát từ 2,5-4m phục vụ nước tưới và nước sinh hoạt; giảm giá thành đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác công trình nước sạch, thủy lợi nội đồng; tiết kiệm nước tưới 20- 30%, đồng thời tăng năng suất cây trồng trên 10%; giúp nhiều địa phương chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tăng hiệu quả 5-7 lần; cải thiện điều kiện môi trường, bảo vệ đất chống bạc màu, xói mòn, giảm phát thải 1,5 tấn CO2 /vụ/ha lúa, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.
Về lĩnh vực môi trường nông thôn có các mô hình: Tổ chức quản lý tổng hợp chất thải ở xã xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp, cho hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt. Nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp tự nguyện phí vệ sinh môi trường của người dân được nâng cao, doanh thu phí vệ sinh môi trường ở các xã tăng gấp 2 đến 3,5 lần, tạo điều kiện ổn định công việc và tăng thêm thu nhập cho công nhân thu gom rác 30-70%. Nhờ đó, tỷ lệ rác thải được thu gom, chế biến thành phân hữu cơ, khí biogas, chế phẩm vi sinh tăng 147%; tỷ lệ rác thải được xử lý bằng lò đốt tăng 220%; tỷ lệ rác thải phải chôn lấp giảm từ 45% xuống còn 20%. Mô hình đã trình diễn các giải pháp công nghệ, tổ chức quản lý môi trường phù hợp với điều kiện cấp xã, có thể mở rộng ứng dụng cho các xã.
Đã có nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp – nông dân trong sản xuất nông, lâm, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình đã giúp tăng năng suất cây trồng 30-35% đối với rau màu, 10-15% đối với lúa, tăng thu nhập cho người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133 - 500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất. Nông dân ở nhiều địa phương đã được hưởng lợi từ các mô hình này. Trong đó một số mô hình có hiệu quả tiêu biểu ở một số vùng như mô hình chuyển đổi từ ngô, lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu ở Hà Giang, đạt 133 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm cho người dân và tăng thu nhập cho người dân tham gia dự án từ 35-40 triệu đồng/người/năm. Các mô hình liên kết ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè xanh chất lượng cao ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang đã tăng năng suất chè gần 30%; tăng giá trị sản phẩm chè chế biến 20-26,2%; tăng thu nhập của một ha gần 30% so với đối chứng.
Mô hình liên kết ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật và quản lý trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sắn nhằm tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo cho đồng bào dân tộc miền núi, đạt trung bình năng suất từ 35-40 tấn/ha cao hơn so với mô hình canh tác giống cũ từ 15 đến 20 tấn/ha. Hiệu quả thu nhập trung bình đạt từ 52,5 đến 60 triệu đồng/ha./.