Mong muốn đưa nhiều sản phẩm cải thiện sức khỏe tới người tiêu dùng
Trong giai đoạn 2010-2020 tập thể nữ khoa học của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên đã chủ trì 29 trong tổng số 58 đề tài, dự án cấp nhà nước thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia về khoa học công nghệ, kinh tế kỹ thuật và kinh tế - xã hội; 30 trong tổng số 57 đề tài cấp bộ và hàng trăm đề tài cấp cơ sở. Kết quả nghiên cứu từ các đề tài này tạo cơ sở khoa học cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực hóa học, hóa dược, nông nghiệp, vật liệu và môi trường… Năm 2020, các nhà khoa học nữ ở Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã được trao Giải thưởng Kovalevskaia nhờ sự say mê tìm tòi, nghiên cứu các chất mang hoạt tính sinh học có nguồn gốc thiên nhiên (thực vật, sinh vật biển, vi sinh vật). Các công trình nghiên cứu này đã được ứng dụng vào thực tế, đưa nhiều sản phẩm cải thiện sức khỏe tới người tiêu dùng.
|
Tập thể các nhà khoa học nữ Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên. Nguồn ảnh: Báo Nhân Dân |
Nhiều đề tài, dự án do các nhóm nghiên cứu của đội ngũ các nhà khoa học nữ thực hiện trong lĩnh vực xử lý môi trường đã được áp dụng ở rất nhiều địa bàn trên cả nước, như: nghiên cứu mức độ và các mô hình, biện pháp hạn chế phát thải khí nhà kính trong sản xuất cà phê tại tỉnh Đắk Lắk; tải lượng cacbon và phát thải khí chứa cacbon từ hệ thống sông Hồng, đánh giá nguy cơ gây phì dưỡng môi trường nước lưu vực sông Hồng; chuyển giao công nghệ giảm thiểu khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước Đông Nam Á…
Từng là cán bộ giảng dạy Bộ môn Dị ứng – Miễn dịch (Đại học Y Hà Nội), sau khi tham gia chương trình đào tạo khoa học tại Mỹ thì Giáo sư, Tiến sỹ Lê Mai Hương lại chọn Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên để giữ niềm đam mê nghiên cứu. Xuất phát từ nhu cầu thực tế và từ sở thích cá nhân, bà bắt đầu gắn bó với các loại nấm dược liệu từ năm 2000. Giáo sư, Tiến sỹ Lê Mai Hương cho biết, sau khi nghiên cứu sâu, bà phát hiện ra trong các loại nấm có rất nhiều thành phần dinh dưỡng mà người dân không biết để dùng.
“Các sản phẩm khoa học của Việt Nam nghiên cứu không hề thua kém các sản phẩm đến từ nước ngoài. Đặc biệt, nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam dồi dào, phong phú, giá thành rẻ mà lại tốt. Đây là lợi thế mà nước ngoài không có được”, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Mai Hương chia sẻ.
Quan điểm nghiên cứu khoa học của Giáo sư, Tiến sỹ Lê Mai Hương và các nhà khoa học nữ ở đây là công trình nghiên cứu phải có thành quả thực tế, phục vụ cuộc sống, sản phẩm phải được người dân đón nhận và tin dùng.
Với mục tiêu đó, đội ngũ cán bộ nữ của Viện không chỉ thành công khi đem lại nhiều sản phẩm thiết thực cho người dân, mà còn có nhiều uy tín trong giới khoa học vì xuất bản nhiều công trình có uy tín trong nước và thế giới. Trong 5 năm gần đây tập thể các nhà khoa học nữ đã công bố gần 300 công trình khoa học, trong đó có trên 150 bài báo quốc tế, 208 bài báo quốc gia và hàng chục báo cáo ở các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Nhiều bằng phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích với sự tham gia của các nhà khoa học nữ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận.
“Duyên nợ” với các khu sinh quyển ở xứ Nghệ
Ở tuổi 34, Tiến sĩ Lê Thị Hương giảng viên chuyên ngành Thực vật học hiện đang công tác tại Viện Sư phạm tự nhiên, Đại học Vinh là một trong hai giảng viên trẻ tuổi nhất vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư.
Từ năm thứ 2, ngành Sư phạm Sinh học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương bắt đầu học đến môn Thực vật học và chị nhận thấy đây là môn học thú vị bởi thế giới thực vật thật đa dạng, có nhiều giá trị sử dụng. Dần dần trong quá trình làm thí nghiệm, chị thấy thích môn học này và dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu.
|
PGS. TS Lê Thị Hương và các học trò. Nguồn ảnh: Báo Nghệ An |
Đến thời điểm này Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương đã có hơn 100 đề tài, bài báo được công bố, trong đó có 70 bài báo quốc tế và 30 bài báo được đăng trên tạp chí quốc gia. Nhiều công trình nghiên cứu của chị gắn với những cánh rừng ở dải đất miền Trung, đặc biệt là xứ Nghệ. “Tận dụng khoảng thời gian cuối tuần, tôi lại lên các huyện miền núi để làm việc. Tôi chọn Nghệ An bởi ở đây có một khu dự trữ sinh quyển miền Tây với rừng quốc gia Pù Mát, hai khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và Pù Huồng. Hơn nữa, vị trí địa lý của Nghệ An cũng rất đặc biệt với một bên giáp Thanh Hóa, một bên giáp Lào và giáp biển Đông nên tính đa dạng thực vật rất cao. Riêng ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt do mới chính thức thành lập từ năm 2013 nên việc nghiên cứu về hệ thực vật chưa nhiều và từ năm 2017 tôi dành thời gian rất nhiều cho vùng đất này”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương chia sẻ.
Trong quá trình nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương nhận thấy các khu bảo tồn thiên nhiên tính đa dạng rất cao nhưng còn nhiều điều chưa được khám phá. Đơn cử như chị phát hiện được 3 loại trà hoa vàng là trà hoa vàng Nghệ An, trà hoa vàng Pù Hoạt và trà hoa vàng Pù Khạng. Đây là sản vật có giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác trà hoa vàng chủ yếu mới xuất phát từ người dân nhưng chưa có hệ thống và khai thác còn lẫn lộn. “Vì thế, khi đánh giá chất lượng chúng ta chưa phân biệt được từng loại. Đó là lý do vì sao giá trị kinh tế của trà hoa vàng Nghệ An chưa cao như các tỉnh khác. Từ thực tế này, trong quá trình nghiên cứu mong muốn của chúng tôi không chỉ là phát hiện được nhiều loại trà hoa vàng mà còn phải đánh giá được trong các loại hoa vàng loại nào là có chất lượng tốt nhất và có thể phát triển thành thương hiệu”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương phân tích.
Hiện nay, xu hướng của nghiên cứu khoa học là phải ứng dụng được vào trong thực tế và đây cũng là hướng trong tương lai của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương khi đi sâu vào đánh giá giá trị thực tiễn của của tài nguyên thực vật, các loại sản xuất thuốc, dược liệu, tinh dầu và trong công nghệ thực phẩm… để có thể tạo ra các sản phẩm có giá trị sử dụng cao.
Nhà khoa học trẻ gửi trọn đam mê vào cây sắn
Với nhiều cống hiến cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là các công trình nghiên cứu phát triển giống sắn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên. Tiến sỹ Nguyễn Thị Trúc Mai (sinh năm 1987, cư trú tại xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, Phú Yên), hiện là Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Xuân, vinh dự được tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông”.
|
Tiến sỹ Nguyễn Thị Trúc Mai nhận Bằng khen và biểu trưng tại Lễ tôn vinh "Nhà Khoa học của nhà nông lần thứ ba - năm 2020" . Nguồn ảnh: TTXVN |
Chia sẻ về “cơ duyên” gắn bó với nông nghiệp, Tiến sĩ Mai bộc bạch: “Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nông học ở Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, tôi về nhận công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Xuân, phụ trách lĩnh vực trồng trọt. Nhiều lần trực tiếp đi cơ sở, tiếp xúc với nông dân, lắng nghe những âu lo, trăn trở của nông dân, với trách nhiệm của người làm công tác nông nghiệp, tôi đã ấp ủ ý tưởng phải tìm ra kỹ thuật canh tác, giống cây trồng mới giúp nông dân chuyển đổi, sản xuất hiệu quả”.
Chị Trúc Mai nhận thấy cây sắn khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và là cây trồng chính của đa số người dân vùng núi Phú Yên. Tuy nhiên, đất ở nhiều vùng bị bạc màu, nông dân chưa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng và giá trị cây sắn mang lại chưa cao. Có nông hộ còn cho rằng sắn là "cây phá đất", chỉ cứu đói chứ không phải cây làm giàu. Từ những câu chuyện của người nông dân đến những trải nghiệm thực tế khiến Tiến sỹ Mai ngày đêm trăn trở và quyết tâm sẽ nghiên cứu kỹ về cây sắn.
Từ kết quả nghiên cứu, giữa năm 2014, Tiến sỹ Trúc Mai đưa giống sắn mới trồng khảo nghiệm với quy mô 4 ha tại một số vùng của Phú Yên cho năng suất cao, ít bị sâu bệnh. Chị cũng đã chuyển giao kỹ thuật trồng cho cán bộ nông nghiệp, nông dân các địa phương, chỉ sau 3 năm, diện tích trồng giống sắn KM419 tại Phú Yên đã lên hơn 500 ha; bội thu năng suất từ 6-8 tấn/ha so với giống cũ. Giống sắn mới được Tiến sỹ Mai lai tạo có nhiều ưu điểm như: thời gian sinh trưởng ngắn, thân thẳng, tán gọn, dễ trồng dày, ít nhiễm bệnh, dẫn đầu về năng suất và các chỉ tiêu về hàm lượng tinh bột, chịu hạn và lưu giữ giống tốt. Chị cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu biện pháp kỹ thuật thâm canh rải vụ sắn tối ưu cho giống sắn KM419; quy trình kỹ thuật canh tác sắn thích hợp với điều kiện sinh thái ở Phú Yên nhằm phát huy hết năng suất và hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Với nhiều ưu điểm, KM419 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống mới và hiện là giống sắn thương mại tốt nhất trong bộ giống sắn hiện có của Việt Nam, chiếm 42% diện tích sắn cả nước. Tại Phú Yên, niên vụ 2019-2020, KM419 là giống chủ lực, chiếm gần 80% diện tích sản xuất sắn toàn tỉnh, được trồng nhiều tại các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tây Hòa và Phú Hòa. Hiện nay, KM419 cùng các giống sắn bổ sung triển vọng KM444, KM440, KM397 do Tiến sỹ Mai nghiên cứu lai tạo, đã góp phần xây dựng vùng nguyên liệu sắn bền vững, ổn định cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn của Phú Yên.
Ngoài ra, giống sắn lai KM419 đã được Tiến sỹ Mai nghiên cứu kỹ, chia sẻ kinh nghiệm trồng, kỹ thuật thâm canh rải vụ để nông dân có nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy với giá thành ổn định, không thu hoạch ồ ạt (dẫn đến khó khăn về đầu ra mỗi khi đến vụ như các năm trước), năng suất cao, giá thành ổn định nên bà con trong xã hầu hết đã chuyển sang trồng giống sắn lai KM419.
Với những đóng góp cho ngành nông nghiệp, Tiến sỹ Nguyễn Thị Trúc Mai vinh dự nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen, vinh dự được tôn vinh là "Nhà khoa học của nhà nông" lần 3 năm 2020, vì đã nghiên cứu thành công giống sắn có hàm lượng tinh bột cao và kỹ thuật thâm canh, góp phần tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến, nâng cao hiệu quả, giá trị ngành Nông nghiệp chế biến nông sản của tỉnh Phú Yên./.