Bến Tre: Nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã phê duyệt triển khai thực hiện 92 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có 75 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh và 17 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như khoa học nông nghiệp, kỹ thuật công nghiệp, xã hội nhân văn, y tế, giáo dục, khoa học tự nhiên. Đa số các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi nghiệm thu đều được chuyển giao cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh để tổ chức tuyên truyền, triển khai nhân rộng kết quả.
|
Sản phẩm bưởi da xanh của Bến Tre đã xây dựng được thương hiệu ngày càng phát triển trên thị trường. Ảnh: baodongkhoi.vn
|
Đáng chú ý, trong lĩnh vực nông nghiệp, kỹ thuật công nghiệp đã có nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ được mở rộng diện tích tại chỗ và nhân rộng sang các vùng lân cận. Nhiều sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu ngày càng phát triển mạnh trên thị trường. Đối với lĩnh vực xã hội nhân văn, y tế, giáo dục, nhiều đề tài đã được xuất bản thành sách là nguồn tài liệu quý để các cơ quan, đơn vị khai thác sử dụng. Các nghiên cứu đã cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn cho việc đưa ra những chủ trương định hướng, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc định hướng xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2020 -2025.
Ngoài ra, tỉnh Bến Tre phối hợp quản lý và triển khai 9 nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Hỗ trợ chuyển giao và tiếp nhận 8 quy trình công nghệ chăn nuôi và vỗ béo cho bò hướng thịt nhập nội và bò lai; quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến, bảo quản cỏ cho bò; phối hợp nghiên cứu tạo ra chế phẩm sinh học cải tạo và xử lý đất bị nhiễm mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhằm phục hồi cây sầu riêng và cây ăn quả bị ảnh hưởng của nước mặn do biến đổi khí hậu…
Theo UBND tỉnh Bến Tre, thời gian tới, tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ sâu rộng trên tất cả các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2021-2025, Bến Tre phấn đấu tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 25%; giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35%; giá trị sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ trên thị trường tăng bình quân 22%/năm và chiếm tỷ trọng 8,5% GRDP. Tỉnh đăng ký bảo bộ quyền sở hữu công nghiệp cho 80% sản phẩm đặc thù, sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh…
Kiên Giang: Tiến bộ khoa học công nghệ giúp tăng giá trị hàng hóa nông sản
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tế sản xuất, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang nhấn mạnh: Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ là nhân tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ một nền sản xuất nông nghiệp mang tính truyền thống sang nền nông nghiệp mang tính thị trường, sản xuất hàng hóa. Các chương trình, đề tài nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng khoa học và công nghệ trong thời gian qua vào thực tế sản xuất hiệu quả đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng tính cạnh tranh và giá trị của sản phẩm hàng hóa nông sản.
Điển hình như các dự án “Xây dựng mô hình phát triển bền vững nghề nuôi cá mú, cá bóp trong lồng bè trên vùng biển quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải”, dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi sò huyết trong điều kiện biến đổi khí hậu ven biển vùng U Minh Thượng”, “Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý thí điểm nuôi sò huyết ven biển tại hai huyện An Biên và An Minh”.
Từ kết quả nghiên cứu của đề tài này, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đã triển khai mô hình nuôi sò huyết trong ao và nuôi trong kênh xen rừng phòng hộ theo hình thức quản lý cộng đồng của hai Tổ hợp tác ấp Bần A, xã Thuận Hòa (An Minh) và ấp Xẻo Quao A, xã Nam Thái A (An Biên) đạt kết quả khá tốt. Năng suất thu hoạch so huyết 1,2 - 1,5 tấn/ha/vụ; chi phí sản xuất của các mô hình 22 - 23 triệu đồng/ha/vụ, thấp hơn kết quả khảo sát, nghiên cứu đề tài và tỷ suất lợi nhuận cao hơn 1,1 - 1,5 lần so với kết quả khảo sát, nghiên cứu đề tài.
Nam Định: 85% nhiệm vụ khoa học công nghệ sau nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định, 5 năm qua, lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội địa phương. Từ năm 2015 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức quản lý và triển khai thực hiện trên 113 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (trong đó có 9 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc chương trình nông thôn, miền núi) với tổng kinh phí là 61 tỷ 052 triệu đồng. Trong đó trên 85% nhiệm vụ sau khi nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn.
|
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Nam Định ứng dụng công nghệ khí canh để tạo giống khoai tây sạch. Ảnh: La Duy |
Bám sát mục tiêu xây dựng nông thôn mới có cơ cấu kinh tế hợp lý, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ đã được triển khai sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực tác động đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn như: nghiên cứu giải pháp xây dựng nông thôn mới bền vững; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông sản và bảo vệ môi trường nông thôn.
Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nghiên cứu thực trạng phát triển các mô hình tổ chức sản xuất tại huyện Hải Hậu từ đó đề xuất các giải pháp phát triển các mô hình tổ chức sản xuất hợp lý ở nông thôn, củng cố vững chắc các tiêu chí nông thôn mới của huyện Hải Hậu; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm xây dựng bền vững nông thôn mới tỉnh Nam Định.
Trong nghiên cứu ứng dụng, Sở Khoa học và Công nghệ đã lựa chọn nhiệm vụ khoa học giải quyết những khó khăn trong sản xuất của địa phương như: Thực hiện 2 đề án về giống lúa và giống khoai tây sạch bệnh; tiếp nhận công nghệ nuôi lợn siêu nạc theo phương thức công nghiệp, mỗi năm đã cung cấp hàng nghìn cặp lợn giống bố mẹ, trên 5.000 con giống để nuôi lợn thịt cho các trang trại; hỗ trợ chuyển giao dây chuyền công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi cho Công ty Vina HTC tại Cụm công nghiệp An Xá; công nghệ sản xuất nhân tạo các loại giống thuỷ sản: ngao, tôm chân trắng, cua biển, cá chình, cá lăng, cá vược, cá Hồng Mỹ...
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực triển khai các đề án, dự án hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao, đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại, phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong đó, Sở tập trung vào 2 đề án lớn là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Qua đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ tài chính cho hơn 50 tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa; trên 200 doanh nghiệp áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến; 191 đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn, hợp quy... Thông qua “Đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ”, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm truyền thống của địa phương như: Nhãn hiệu chứng nhận “Bánh nhãn Hải Hậu”; nhãn hiệu tập thể “Cơ khí Xuân Tiến”; nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định”./.