Phát huy vai trò khoa học công nghệ trong xây dựng đô thị thông minh, bền vững

Thứ tư, 22/06/2022 15:16
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển nhanh, mạnh của cuộc cách mạng 4.0 tác động tới nhiều quốc gia, khu vực. Phát huy vai trò của khoa học công nghệ, Bình Dương đã và đang đẩy mạnh việc phát triển đô thị thông minh bền vững gắn với chuyển đổi số với nhiều thành tựu bước đầu.

Đẩy mạnh hình thành chính quyền số

Chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số là động lực tăng trưởng quan trọng trong xu thế phát triển mới. Nhận rõ xu thế này, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/5/2022 về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn với các trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, công dân số và xã hội số để làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền hiệu lực, hiệu quả, minh bạch; thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng; thay đổi cách sống, làm việc của người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Đặc biệt, trong tháng 4/2022, tỉnh Bình Dương chính thức đưa Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) vào hoạt động, đồng thời ra mắt Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Bình Dương. Trung tâm giám sát, điều hành thông minh là nơi tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp lãnh đạo giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy, quản lý chất lượng dịch vụ đô thị một cách hiệu quả. IOC sẽ kết nối nền tảng đô thị thông minh qua khối hỗ trợ, điều khiển hiển thị để lấy dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định và được vận hành liên tục không gián đoạn 24/7.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương. Ảnh: binhduong.gov.vn 

Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Bình Dương sẽ tạo môi trường khai thác thông tin và triển khai các ứng dụng tác nghiệp cho cán bộ, đảng viên sử dụng; đồng thời tạo kênh giao tiếp giữa người dân với Đảng và Nhà nước. Các thông tin về lĩnh vực y tế, giáo dục, cung cầu lao động, cơ sở dữ liệu về trẻ em, bảo trợ xã hội; thông tin khoa học, công nghệ, chỉ số tiêu dùng, cung cầu hàng hóa, mặt hàng thiết yếu… cũng được công khai trên cổng thông tin điện tử này.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh: Trung tâm giám sát, điều hành thông minh sẽ phục vụ đắc lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực để từ đó đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc. Việc hình thành thí điểm, đi vào hoạt động của Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) và Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy là một bước kế thừa các kết quả đã đạt được trong việc xây dựng chính quyền số và ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng và Nhà nước trong các giai đoạn vừa qua; đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh bền vững trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh cũng đã đầu tư 2 trung tâm dữ liệu, cung cấp dịch vụ hạ tầng phục vụ kịp thời việc triển khai các nền tảng và ứng dụng dùng chung phục vụ xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh. Bên cạnh đó, các ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ của các cơ quan Nhà nước triển khai theo kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương phiên bản 2.0. Qua đó, 99% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận xử lý trên môi trường điện tử.

Theo dự kiến trong năm 2022, Bình Dương tập trung ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng của tỉnh, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững và hiệu quả hơn, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực châu Á.

Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Trần 

Nhiều thành tựu trong xây dựng thành phố thông minh

Để thích ứng với những yêu cầu mới của thời kỳ kinh tế số, từ năm 2016, Bình Dương đã xây dựng Đề án Thành phố thông minh. Đề án dựa trên mô hình tương tác giữa "ba nhà" là nhà nước, nhà trường (các viện nghiên cứu, trường đại học) và nhà doanh nghiệp để tạo ra môi trường đổi mới sáng tạo và tìm các giải pháp nhằm tăng năng suất lao động, mang thêm tiện ích và cải thiện thu nhập cho người dân, doanh nghiệp.

Đề án "Thành phố thông minh" của Bình Dương gắn rất mạnh mẽ với việc hợp tác với các thành phố và các tập đoàn lớn của quốc tế nên đã tạo ra một "kênh" thu hút đầu tư hiệu quả. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, song tỉnh Bình Dương vẫn thu hút được hơn 2,6 tỷ đô la Mỹ vốn FDI. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bình Dương đã thu hút hơn 2,5 tỷ đô la Mỹ. Lũy kế đến nay, Bình Dương có 4.049 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 39,55 tỷ đô la Mỹ.

Bên cạnh đó, Bình Dương đã chủ động tham gia kết nối sâu rộng vào cộng đồng quốc tế để tìm kiếm những cộng đồng có cùng quan điểm phát triển, nhằm chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Bình Dương trở thành thành viên của Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) nhằm kết nối và học hỏi được nhiều điều từ các thành viên khác trên thế giới; qua đó khẳng định và tiếp tục kiên trì với định hướng mà chính quyền, người dân và doanh nghiệp Bình Dương đã chọn.

Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương với mô hình 5 lớp được đúc kết từ thực tiễn xây dựng và phát triển các đề án trong đề án TP Thông minh Bình Dương, là sự cô đọng của chiến lược phát triển thông minh của Bình Dương. Cụ thể, lớp 1-Quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng, lớp 2-Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, lớp 3-Phát triển kinh tế cân bằng, lớp 4-Chuyển đổi số và Phát triển công nghiệp 4.0 và lớp 5-Phát triển nguồn nhân lực. Mỗi lớp đóng vai trò riêng nhưng có quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, từ đó tổng hòa tạo thành một chiến lược phát triển liên ngành, toàn diện cho Bình Dương trong giai đoạn tiếp theo.

Với những chiến lược đúng đắn và những bước phát triển kiên định, vững chắc trong thời gian qua, việc triển khai những chiến lược đột phá lớn, tiêu biểu là đề án Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương - trọng tâm của đề án Thành phố thông minh trong giai đoạn phát triển sắp tới, Bình Dương đã được ICF vinh danh vào TOP 7 cộng đồng có Chiến lược phát triển Thành phố Thông minh tiêu biểu trên thế giới của năm 2022. Đây là lần thứ bốn lần liên tiếp Bình Dương nằm trong TOP 21 (Smart 21) và là lần thứ 2 lọt vào Top 7 các cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh trên thế giới năm 2022; qua đó, khẳng định sự lựa chọn, hướng tiếp cận của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương là phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Phát biểu tại lễ “Vinh danh TOP 7 ICF năm 2022” tổ chức tại Bình Dương ngày 21/6 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao Bình Dương về cách tiếp cận đột phá có tính tiên phong trong việc xây dựng thành phố thông minh của ICF. Trong đó việc Bình Dương chủ động tham gia và tích hợp vào cộng đồng thế giới thể hiện tính chủ động trong công tác quản trị địa phương nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển đô thị thông minh. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai một số mô hình, cách làm hay trong xây dựng đô thị thông minh như: Vận dụng mô hình 3 nhà hay xây dựng mô hình 5 lớp đặc thù trong Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. Sự phát triển đô thị thông minh đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của Bình Dương với những kết quả ấn tượng.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, cả hệ thống chính trị tỉnh hiện nắm được tư duy phát triển thành phố thông minh thông qua quy hoạch khá bài bản gắn với định hướng kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã tạo hệ sinh thái đủ rộng, một "sân chơi" hấp dẫn thu hút nhà đầu tư; trong đó nhiều nhà đầu tư khó tính cũng bắt đầu quan tâm. Bình Dương xác định tiếp tục đột phá, đưa đề án thành phố thông minh sang một nấc thang phát triển cao hơn, tạo động lực mới đẩy mạnh đà phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp./.

QT (th)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực