Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới kinh tế số, xã hội số

Thứ sáu, 10/09/2021 08:44
(ĐCSVN) - Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Việt Nam được xác định gắn liền với giải quyết các vấn đề lớn để từ đó, phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số cũng chính là hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số làm cho người dân giàu hơn, hạnh phúc hơn.
Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 được tổ chức trực tuyến 

Với 2 phiên chuyên đề song song có chủ đề "Phát triển Đô thị thông minh" và chủ đề "Chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới phát triển Thương mại điện tử", các diễn giả tham dự hội thảo trực tuyến Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 đã đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hoạt động dịch vụ công trực truyến, phát triển chính phủ số tại Việt Nam, cũng như những giải pháp về phát triển đô thị thông minh, thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số.

Trong giai đoạn 2014-2020, Việt Nam đã duy trì việc tăng hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc liên tục, từ vị trí 99 lên vị trí 86; lọt vào nhóm các nước phát triển có Chính phủ điện tử ở mức cao, thậm chí cao hơn chỉ số trung bình thế giới. Vị trí xếp hạng 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 2 bậc so với năm 2018 là một thành tích đáng khích lệ. Đặc biệt, trong năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã gấp 3 lần so với năm 2019, hoàn thành chỉ tiêu được nêu ra trong Nghị quyết 17 về một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, sau hơn 1 năm triển khai, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp hơn 2.900 thủ tục hành chính của 21 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Hơn 57 triệu hồ sơ đã được xử lý, giúp tiết kiệm ngân sách khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6 trong thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử. Điều này khiến cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư, phát triển đất nước chưa thực sự đạt được sự bứt phá. Ngoài ra, theo các chuyên gia làm tốt cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm khoảng 14.900 tỷ đồng/năm.

Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030. Đây là lần đầu tiên, sau 20 năm triển khai chính phủ điện tử, Việt Nam đã chính thức ban hành một văn bản Chiến lược ở tầm quốc gia với các định hướng lớn về phát triển Chính phủ điện tử. Chiến lược này trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho tất cả các hành động của Việt Nam trong một thập kỷ tới – một thập kỷ Liên hợp quốc đánh giá là Thập kỷ hành động để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. 

Kết quả triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia từ tháng 12/2019. Nguồn:baochinhphu 

Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Việt Nam được xác định là gắn liền với giải quyết các vấn đề lớn để từ đó, phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số cũng chính là hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số làm cho người dân giàu hơn, hạnh phúc hơn. 

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng: Để tiếp tục nâng cao mức độ và hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến có 2 tiêu chí mang tính giải pháp đột phá. Thứ nhất, cần đặt mục tiêu cho mỗi dịch vụ công về số lượng người dùng trực tuyến. Việc duy trì có người dùng trực tuyến sẽ là điều kiện cần thiết để điều chỉnh, hoàn thiện dịch vụ đó hướng tới mục tiêu phục vụ doanh nghiệp, người dân được tốt hơn. Thứ 2, đối với các dịch vụ công trực tuyến đã lên mức độ 4 được tối thiểu 1 năm, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cần đạt tối thiểu 30% trong năm 2021. Có như vậy, dịch vụ công trực tuyến mới thực sự đi vào cuộc sống và phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Theo nhiều chuyên gia, trong giai đoạn tới, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả Chính phủ điện tử, đồng thời tập trung vào các lĩnh vực nhiều tiềm năng như Đô thị thông minh, thương mại điện tử - hai lĩnh vực được kỳ vọng sẽ góp phần thiết thực trong việc ổn định tình hình kinh tế, xã hội giai đoạn hậu COVID-19…

L.Giang (t/h)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực