Phát triển đồng bộ, hiệu quả thị trường khoa học công nghệ

Thứ sáu, 30/09/2022 16:37
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Phát triển mạnh mẽ thị trường công nghệ là một trong những giải pháp chủ yếu thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát triển thị trường công nghệ là một trong những giải pháp chủ yếu thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng 

Thị trường khoa học và công nghệ có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong 10 năm trở lại đây, thị trường khoa học và công nghệ từng bước được hình thành và kiện toàn từ trung ương đến địa phương cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 xác định: Phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ. Kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương. Phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá chuyển giao công nghệ… Ngoài ra, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ nhấn mạnh, việc thúc đẩy phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ để hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã có rất nhiều chủ trương phát triển đất nước bằng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, hiện thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng bởi các tổ chức trung gian, môi giới và cơ sở hạ tầng của thị trường khoa học và công nghệ còn rời rạc, tự phát, chưa liên kết thành mạng lưới để hỗ trợ các dịch vụ trên thị trường. Bên cạnh đó, sự kết nối nguồn lực, liên thông giữa thị trường khoa học và công nghệ trong nước với thị trường khoa học và công nghệ thế giới cũng như với các thị trường khác ở trong nước (đặc biệt là thị trường lao động và thị trường vốn) còn hạn chế.

Trong khi đó, nhu cầu đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay ngày càng cao. Số lượng và chất lượng nguồn cung công nghệ cũng như sự minh bạch thông tin về công nghệ và việc giảm thiểu các chi phí trong giao dịch mua bán công nghệ đang là đòi hỏi cấp bách nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp. Đáng chú ý, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có đủ năng lực để chủ động tìm kiếm và tiếp cận các thông tin về nguồn cung công nghệ cũng như chưa tích lũy đủ các nguồn lực (nhất là nguồn vốn và nhân lực trình độ cao) để tiếp nhập công nghệ mới, công nghệ cao.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cần phải hiểu rõ bản chất đúng nghĩa "thị trường" và xác định thị trường khoa học và công nghệ có 3 vế gồm: Cung - Cầu và công cụ kết nối giữa cung và cầu là môi trường được hiểu là các tổ chức trung gian, các sàn giao dịch...

Hiện cả nước có trên 800 tổ chức trung gian các loại đã được hình thành hoạt động trong thị trường này, trong đó có các sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương; cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin khoa học và công nghệ, nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp; nhiều trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp; các tổ chức thẩm định, giám định công nghệ; các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ…

Thực tế, các vế của thị trường đã đủ nhưng vấn đề tại sao thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển. Điều này có thể lý giải thị trường khoa học và công nghệ chưa tuân thủ quy luật thị trường, nếu thực hiện đúng quy luật thì thị trường sẽ phát triển.

Sơ đồ Thị trường khoa học và công nghệ 

Để các kết quả nghiên cứu có thể tiếp cận nhanh vào thị trường và tạo điều kiện cho các nhà khoa học triển khai ứng dụng và thương mại hóa kết quả khoa học và tài sản trí tuệ, cần phát triển hạ tầng quốc gia cho thị trường khoa học và công nghệ. Trong đó, việc hình thành và vận hành ba sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại ba miền đất nước được xem là tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, nhằm kết nối cung - cầu; thương mại hóa kết quả nghiên cứu; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trưng bày, trình diễn, triển lãm, xúc tiến giao dịch sản phẩm khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, cần đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và cổng thông tin về thị trường khoa học và công nghệ; đầu tư phát triển và ứng dụng các công cụ phân tích, thống kê, xử lý dữ liệu giao dịch công nghệ, quản trị và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, số hóa, tích hợp dữ liệu. Đồng thời, cần thiết lập mạng lưới kết nối và đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu nhân tài người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường khoa học công nghệ Việt Nam.

Người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho hay, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đánh giá nhu cầu công nghệ, khả năng cung ứng, khai thác nguồn tài sản trí tuệ; phân tích xu hướng công nghệ; thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ để tăng năng suất lao động. Nguồn cung, các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến sẽ được hình thành, ưu tiên từ nước phát triển.

Cùng với đó sẽ liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường khoa học công nghệ với thị trường hàng hóa, lao động, tài chính. Doanh nghiệp được hỗ trợ nắm vững tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; thực hiện bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ phục vụ hoạt động thương thảo, giao dịch, mua bán…

Phát triển thị trường khoa học công nghệ đúng nghĩa sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo. Bởi phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ theo hướng đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập là giải pháp quan trọng để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời cũng giúp khoa học và công nghệ gắn kết mật thiết với sản xuất, kinh doanh, chuyển hoá tiến bộ khoa học và công nghệ thành sức sản xuất tiên phong của xã hội trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Lan Phương (tổng hợp)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực