Cần phải nhận thức rằng, khoa học công nghệ (KHCN) là một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế thị trường, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. KHCN không chỉ là nền tảng, mà còn là kết quả, minh chứng hiện thân của một đất nước phát triển, của một đất nước công nghệ hiện đại.
Với mục đích đổi mới mô hình tăng trưởng, mô hình phát triển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, thì con đường và giải pháp phải làm, là phát triển KHCN. KHCN cần được phát triển, cần được ứng dụng trong mọi hoạt động của nền kinh tế, của xã hội, cả trong sản xuất kinh doanh, trong văn hóa, giáo dục, trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, trong hoạt động đối ngoại, trong giữ gìn an ninh quốc phòng và bảo vệ đất nước.
Nhà nước tiếp tục nhất quán chủ trương KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhà nước đã có những chủ trương, ban hành nhiều chính sách phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của đất nước để phát triển KHCN, để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng. Dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng trình Đại hội lần thứ XIII không chỉ nêu những phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ phát triển KHCN, mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng KHCN, phát triển đội ngũ trí thức trong giai đoạn 2020 – 2030, đồng thời là quyết tâm, hành động cụ thể để phát triển KHCN, nhằm xây dựng và phát huy vai trò độ ngũ trí thức Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu chung của đất nước, mục tiêu và phương hướng phát triển KHCN, cần phải đề ra và triển khai quyết liệt một cách đồng bộ các giải pháp.
|
KHCN không chỉ là nền tảng, mà còn là kết quả, minh chứng hiện thân của một đất nước phát triển, của một đất nước công nghệ hiện đại . Ảnh minh họa. |
Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển KHCN
Tạo lập và vận hành chính sách phát triển thị trường KHCN là thể hiện thái độ, trách nhiệm và những hành động ứng xử của nhà nước với những quá trình xây dựng và phát triển thị trường KHCN, bao gồm hệ thống các chính sách hướng tới mục tiêu tạo động lực khuyến khích thị trường KHCN phát triển thỏa mãn nhu cầu KHCN trình độ cao của nhân dân và yêu cầu phát triển đất nước. Do đó, cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển KHCN, thể chế ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục, hoàn thiện hệ thống giáo dục, gắn kết giáo dục và đào tạo với nghiên cứu khoa học, với triển khai kết quả nghiên cứu khoa học.
Cùng với đó, cần thực hiện chủ trương phân cấp và trao quyền tự chủ, tự quản lý, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN, các cơ sở đào tạo trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và các chức danh khoa học trên cơ sở các tiêu chuẩn của nhà nước; trong việc sử dụng nhân lực và tài chính theo nhu cầu của đơn vị. Trên cơ sở phân cấp, các tổ chức KHCN cần chủ động xây dựng và triển khai chính sách tài chính, tổ chức, huy động và sử dụng nguồn lực, có chính sách chăm lo, động viên, khích lệ và sử dụng có hiệu quả đội ngũ trí thức ở mọi độ tuổi có trình độ cao, có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết và có đủ sức khỏe cần thiết cho từng loại công việc, từng loại nghề nghiệp, từng loại hoạt động khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phổ biến và triển khai các kết quả nghiên cứu KHCN.
Đồng thời, đổi mới hơn nữa cơ chế và quy trình giao và đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Đối với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nên thực hiện nhiều hơn theo cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm KHCN cuối cùng theo kết quả đầu ra. Đổi mới cách thức đánh giá và nghiêm thu kết quả nghiên cứu; giảm bớt tối đa thủ tục hành chính trong hoạt động KHCN. Cần có cơ chế và phương thức giúp doanh nghiệp xác lập một cách có hệ thống về quyền sở hữu, sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học có sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời xác định quyền sở hữu các dự án nghiên cứu liên quan đến việc xử lý hai loại tài sản hữu hình và vô hình, tạo cơ sở để các tổ chức KHCN tiếp tục phát triển, thương mại hóa, tạo điều kiện cho các tổ chức này phát huy thế mạnh, từ đó có thể tự chủ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Song song đó, Nhà nước cần ban hành chính sách tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đóng góp các nguồn tài chính cho phát triển thị trường KHCN, tạo cơ chế tài chính hợp lý cho thị trường KHCN, đảm bảo chất lượng và hiệu quả phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia. Cần phải sử dụng có hiệu quả các công cụ tài chính nhằm tác động đến thị trường KHCN, đó là chi ngân sách nhà nước (đầu tư, đặt hàng), thuế, phí, ưu đãi thuế, tín dụng, lãi suất, quỹ đầu tư, quỹ chuyên dùng. Sử dụng các công cụ tài chính hướng tới mục tiêu rõ ràng nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường KHCN. Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước để xây dựng các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao KHCN hiện đại, các khu công nghệ cao quốc gia, xây dựng và một số trường đại học trọng điểm quốc gia theo mô hình tiên tiến trên thế giới phục vụ hoạt động sáng tạo của trí thức trong và ngoài nước, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Chú trọng xây dựng đội ngũ trí thức và phát triển nguồn nhân lực cao
|
Nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa chính sách sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Ảnh minh họa. |
Con người là yếu tố then chốt để phát triển khoa học công nghệ. Do đó, cần có chính sách và tăng nguồn lực để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ trí thức. Xây dựng và triển khai Chiến lược, Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 cần rà soát, xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; vị trí việc làm, định mức lao động, chế độ làm việc; nội dung và hình thức thi, xét nâng hạng chức danh nghề nghiệp. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn, trí thức người dân tộc thiểu số và trí thức nữ. Sử dụng hiệu quả đội ngũ sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh học tập và nghiên cứu ở nước ngoài.
Tạo lập môi trường cho hoạt động KHCN và phát huy vai trò của trí thức. Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động KHCN, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ. Bảo đảm vấn đề tự do học thuật của đội ngũ trí thức tại các cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu. Tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền kiểu dáng công nghiệp nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức, doanh nhân khi chuyển giao phát minh, sáng chế và khuyến khích đội ngũ trí thức gia tăng sự cống hiến.
Cùng với đó là chú trọng phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức có chất lượng, có năng lực sáng tạo; xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hóa, đạo đức, có khát vọng làm giàu, có năng lực kinh doanh và quản trị kinh doanh. Cần nhận thức đầy đủ vai trò vị trí, trách nhiệm và sự đóng góp của độ ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân vào đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới cơ cấu kinh tế. Trong không ít trường hợp, các nhà trí thức cũng đồng thời là doanh nhân, ngược lại các doanh nhân, doanh nhân trong nhiều nghề nghiệp cũng là những trí thức có tâm thế và năng lực nghiên cứu sáng tạo.
Nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa chính sách sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, tôn vinh các doanh nhân, các nhà công thương. Trong kinh tế thị trường ở Việt nam, các nhà trí thức, các nhà công thương không chỉ sáng tạo ra sản phẩm trí tuệ, sản phẩm vật chất cho xã hội, biết làm giàu, mà còn góp phần tích cực kiến quốc và thực hiện các trách nhiệm xã hội. Cơ chế, chính sách của nhà nước cần hoàn thiện, đổi mới để đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân có điều kiện hoạt động và phát triển nghề nghiệp, phát triển năng lực sáng tạo bằng chính công sức, lao động, trình độ, tài năng, phẩm chất và uy tín của mình và tổ chức khoa học, tổ chức nghề nghiệp.
Đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện làm việc, sinh hoạt, quan tâm đổi mới các chính sách ưu đãi đối với đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân làm việc ở các vùng khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật… Các tổ chức KHCN, các tổ chức nghề nghiệp cần xây dựng cơ chế hoạt động, tổ chức các diễn đàn để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế – xã hội.
Cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ đối với những trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có năng lực quản trị, điều hành, có khả năng chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho Việt nam. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở KHCN, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, nghệ thuật,… ở trong nước hợp tác, trao đổi với chuyên gia, thu hút trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài. Tạo điều kiện thuận lợi để trí thức Việt kiều sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Tăng cường biểu dương, khen thưởng các tổ chức và cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích trong vận động xây dựng cộng đồng, đóng góp xây dựng đất nước.
Nhà nước cần dành sự quan tâm đặc biệt và tăng cường đầu tư phát triển nâng cao vị thế của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt nam (VUSTA). Cần đảm bảo để VUSTA là tổ chức tập hợp, là diễn đàn, mái nhà chung của trí thức Việt Nam. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ trí thức. Nhà nước cần quan tâm và hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp tập hợp, tổ chức hoạt động và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, phát triển nghề nghiệp, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân./.