Sáng chế khoa học công nghệ góp phần phòng, chống dịch COVID-19

Thứ sáu, 10/09/2021 09:50
(ĐCSVN) - Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong cả nước và trên thế giới, thời gian qua, chung tay cùng Chính phủ trong việc đẩy lùi đại dịch COVID-19, nhiều người dân, học sinh… trong cả nước đã tự mày mò, nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ thiết thực hỗ trợ phòng, chống dịch.

Máy lọc không khí khử khuẩn và máy rửa tay tự động không tiếp xúc góp phần phòng, chống dịch

Để góp phần mang không khí sạch đến mọi nhà, cải thiện chất lượng không gian sống và sức khỏe cộng đồng trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nhóm học sinh tại Hà Nội gồm học sinh Lê Thị Thanh Huyền, Trần Lan Chi lớp 11 D2 (Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy) và học sinh Nguyễn Khánh Linh, Hồ Nguyên An, Nguyễn Quang Minh lớp 8E (Trường Trung học Cơ sở Tô Hoàng) đã thực hiện thành công Đề tài "Mô hình máy khử khuẩn, khử virus, lọc không khí và khử mùi trong lớp học và hộ gia đình".

Đề tài này đã giành giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 năm 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức.

Hệ thống thiết bị có máy khử khuẩn, khử virus, lọc không khí và khử mùi được dùng trong lớp học và hộ gia đình gồm: ống lưới hình trụ, được hàn chắc với vỏ máy, đường kính ống lọc bụi và vỏ máy 190 mm được chế tạo bằng vật liệu SUS 304 (thép không gỉ). Bên trong ống lưới lắp màng lọc bụi không khí. Bên trong vỏ máy lắp quạt hút đẩy không khí công suất 30W, 2 bóng đèn UV phát ozone <0.08 ppm (Ppm là đơn vị đo nồng độ hóa học trong dung dịch nước). Mỗi bóng có công suất 15 W. Mặt ngoài vỏ máy lắp công tắc điện. Các thiết bị tiêu thụ điện có điện áp 220V được kết nối với công tắc điện và phích cắm để kết nối với nguồn điện khi sử dụng.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống được kết nối phích cắm điện với ổ cắm điện có điện áp 220V. Sau đó bật công tắc điện, kiểm tra đảm bảo chắc chắn quạt hút đẩy và 2 bóng đèn UV đã hoạt động. Không khí chưa sạch sẽ được hút qua màng lọc bụi nhờ quạt hút đẩy. Màng lọc thô có tác dụng loại bỏ bụi bẩn to sau đó đến lọc mịn 2.5PM để làm sạch không khí, khi không khí đi qua các lớp lọc để làm sạch bụi bẩn tiếp đến là lớp than hoạt tính dùng để khử mùi trong không khí. Lúc này gió qua quạt là không khí sạch vẫn chưa được tiệt trùng. Sau đó không khí sạch tiếp tục được quạt đẩy qua 2 bóng đèn UV phát ozone <0.08 ppm mỗi bóng có công suất 15W.

Virus, vi khuẩn sẽ bị tia UV, ozone phát ra từ 2 bóng đèn UV phát ozone <0.08 ppm tiêu diệt. Không khí sau khi ra khỏi máy là không khí sạch đã được diệt virus, vi khuẩn … Với chiều cao của quạt cộng với chiều dài của đèn UV thì không khí thổi càng lâu càng sạch. Lượng ozone phát tán trong không khí có tác dụng khử mùi và diệt các loại vi khuẩn, vi sinh vật… gây mùi khó chịu.

Còn tại Quảng Ngãi, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh cùng hai học trò là Võ Duy Huân và Lê Đăng Khoa, Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Thúc Kháng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) vừa sáng chế ra máy rửa tay tự động không tiếp xúc, góp phần phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trong nhà trường.

leftcenterrightdel
 Máy rửa tay tự động không tiếp xúc được mọi người ưa chuộng bởi nhỏ gọn, tiện dụng, hiệu quả khả thi. Ảnh: Ngọc Phước/TTXVN

Sáng chế này đã đạt giải ba Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 6, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức vào tháng 7/2021.

Em Võ Duy Huân chia sẻ, trường em hay sử dụng chai đựng dung dịch rửa tay sát khuẩn có dạng ấn xuống, khi nhiều người chạm trực tiếp vào chai dễ gây lây nhiễm chéo. Ngoài ra, khi đo thân nhiệt, các thầy cô và học sinh đứng rất gần nhau không đảm bảo khoảng cách an toàn. Từ đó, các em đã nảy sinh ý tưởng này để giảm thiểu khả năng lây nhiễm chéo bệnh.

Máy rửa tay tự động không tiếp xúc có cấu tạo cực kỳ đơn giản, từ sự kết hợp “2 trong 1” các thiết bị đo thân nhiệt tự động và thiết bị phun xịt gel tự động. Đặc biệt, máy hoạt động nhờ hệ thống pin năng lượng mặt trời nên giúp tiết kiệm điện năng, thân thiện với môi trường.

Nguyên lý hoạt động của máy cũng không phức tạp. Máy có bộ phận cảm biến khoảng cách dùng để phát hiện vật cản (bàn tay) từ 3-20 cm nên khi đưa tay vào, nó sẽ truyền tín hiệu để máy bơm chạy, phun gel rửa tay ra và một mạch tạo trễ đóng ngắt theo chu kỳ.

Đồng thời, bộ phận máy đo thân nhiệt có thể đo được nhiệt độ cơ thể trong phạm vi từ 32-43 độ C với sai số cho phép đo nhỏ (chỉ cộng, trừ 0,5 độ C); sử dụng phương pháp đo không tiếp xúc với khoảng cách từ 1-3 cm đối với đối tượng cần đo. Khi người đo tiếp xúc gần với cảm biến nhiệt độ hồng ngoại, lập tức tín hiệu từ cảm biến nhiệt độ chuyển đến bộ vi xử lý trung tâm để xử lý, chuyển tín hiệu tương tự sang tín hiệu số, sau đó hiển thị nhiệt độ trên màn hình OLED. Khi nhiệt độ cơ thể vượt mức 37,5 độ C, còi báo động sẽ phát ra, đèn led màu đỏ phát sáng cảnh báo đối tượng bị sốt hoặc nghi mắc COVID- 19. Nếu nhiệt độ cơ thể bình thường, đèn led màu xanh sẽ sáng. Điểm đáng chú ý nữa là, thời gian đo chỉ trong vài giây đã cho kết quả khá chính xác.

Sử dụng robot hỗ vận chuyển nhu yếu phẩm trong khu cách ly, phong tỏa

Ngày 6/8 vừa qua, Tỉnh đoàn Đồng Nai phối hợp với Trường Đại học Lạc Hồng (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) đã thử nghiệm và đưa vào vận hành robot vận chuyển nhu yếu phẩm trong khu cách ly, khu phong tỏa.

Robot này do Trường Đại học Lạc Hồng cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn viễn thông Chí Thanh chế tạo, có khối lượng 48 kg; dài 1,3 m, rộng 0,9 m và cao 0,8 m. Robot có khả năng vận chuyển 100 kg hàng hóa, nhu yếu phẩm; tốc độ di chuyển 30 m/phút, thời gian hoạt động 4 giờ, phạm vi di chuyển 200 m.

leftcenterrightdel
Người dân trong khu nhà trọ lần lượt ra lấy lương thực cứu trợ từ trên robot.
Ảnh: baodongnai.com.vn 

Robot di chuyển bằng bánh xe, được điều khiển từ xa và hoạt động bằng pin sạc. Phía trên có khay để đựng các nhu yếu phẩm như thực phẩm, thuốc men. Robot này còn có khả năng xịt dung dịch khử khuẩn dung tích khoảng 20 lít.

Ngoài thùng chứa hàng robot còn được trang bị camera và hệ thống loa để thông báo cho người dân trong các khu cách ly, khu phong tỏa ra nhận hàng. Tổng chi phí chế tạo là 60 triệu đồng.

Ông Trần Trọng Đức, giảng viên Khoa Cơ điện – điện tử, Trường đại học Lạc Hồng cho biết, robot được sáng chế ra nhằm đưa vào hoạt động tại các khu phong tỏa, cách ly, bệnh viện dã chiến. Sản phẩm được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro nhiễm bệnh cho các y, bác sĩ, tình nguyện viên phục vụ tại tuyến đầu chống dịch. Trước mắt, robot sẽ được đưa vào sử dụng tại các khu phong tỏa. Robot được điều khiển từ xa, khoảng cách 200m hoặc có thể dài hơn, xa hơn nếu không có vật cản. Hơn nữa, người điều khiển có thể giám sát bằng hệ thống camera từ xa, có thể thu giọng nói trực tiếp để gọi người dân ra nhận hàng và cũng có thể nói chuyện trực tiếp thông qua hệ thống loa với người dân.

Cổng khử khuẩn” phục vụ công tác phòng, chống dịch tại đơn vị quân đội

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong cả nước và trên thế giới, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Thông tin Liên lạc (Nha Trang, Khánh Hòa) đã tích cực nghiên cứu, cho ra nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại đơn vị và ngoài quân đội.

Mới đây, sản phẩm “cổng khử khuẩn” do nhóm 7 thành viên của hai Khoa Viễn thông, Vô tuyến điện cùng bắt tay thực hiện đã hoàn tất, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Cổng khử khuẩn tự động này có thể thay thế con người trong việc phun khử khuẩn phương tiện giao thông tại cổng ra vào của các cơ quan, đơn vị; đặc biệt phù hợp áp dụng tại các công ty, khu công nghiệp với lượng xe ra vào lớn hay các chốt kiểm soát dịch.

Sản phẩm ứng dụng công nghệ nhận diện vật thể, sử dụng sóng siêu âm kết hợp với bộ xử lý trung tâm PLC công nghiệp có chức năng nhận diện chính xác các loại xe cơ giới ra vào cổng và tiến hành phun khử khuẩn.

leftcenterrightdel

Máy được lắp đặt tại giảng đường phục vụ giảng viên, học viên Trường Đại học Thông tin liên lạc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào lớp. (Ảnh: TTXVN) 

Anh Trần Thế Nghiệp, Chủ nhiệm bộ môn Truyền hình -Truyền số liệu, Trường Đại học Thông tin Liên lạc, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Nguyên lý hoạt động của cổng theo cơ chế: Các sensor siêu âm có nhiệm vụ nhận diện, phân loại các phương tiện giao thông đi qua cổng một cách chính xác. Sau đó, bộ vi xử lý trung tâm tiến hành khởi động máy bơm cao áp, thời gian mở van điện tử khống chế các béc phun dung dịch phù hợp với kích thước từng loại phương tiện. Với xe dưới 7 chỗ, hệ thống trung tâm sẽ khởi động 4 béc phun dung dịch khử khuẩn và trên 7 chỗ sẽ mở tối đa công suất 6 béc phun dung dịch. Do đó, việc các cảm biến nhận diện càng chuẩn xác các phương tiện giao thông ra vào cổng sẽ giúp tiết kiệm dung dịch khử khuẩn.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã hoàn tất việc chế tạo và đang ở giai đoạn cuối của hoạt động thử nghiệm; sẽ sớm đưa cổng vào hoạt động thực tế trong thời gian tới.

Trước đó, nhóm nghiên cứu này đã nghiên cứu thành công hai sản phẩm máy đo thân nhiệt không tiếp xúc, sát khuẩn tay tự động và buồng khử khuẩn cho người. Cả hai sản phẩm này đã được đưa vào ứng dụng thực tế, được đánh giá cao trong việc hạn chế sự lây mắc COVID-19 trong quá trình tiếp xúc.

Máy đo thân nhiệt không tiếp xúc, sát khuẩn tay tự động được thiết kế “2 trong 1”, cùng lúc thực hiện hai chức năng: đo thân nhiệt và phun sương dung dịch sát khuẩn tay một cách hoàn toàn tự động, không cần sự can thiệp, tác động từ nhân viên y tế.

Máy này gồm cảm biến được tích hợp trên hệ thống sẽ đo thân nhiệt với độ chính xác rất cao (± 0,2 độ C) ở người tại vị trí vùng trán và báo trả kết quả bằng đèn led, cảnh báo thông tin qua hệ thống âm thanh. Hệ thống phun sương dung dịch sát khuẩn được tích hợp theo cơ chế phun một lượng nước sát khuẩn vừa đủ để sát khuẩn hai tay.

Anh Trần Thế Nghiệp thông tin thêm, sản phẩm này không chỉ phục vụ trong nhà trường mà còn sử dụng tại Binh chủng Thông tin liên lạc và một số đơn vị khác. Các đơn vị sử dụng đều có những đánh giá, phản hồi rất tích cực.

Đối với “buồng khử khuẩn tự động”, sản phẩm này sử dụng công nghệ vi siêu âm tạo ra sương dung dịch đủ ẩm phù hợp cho sát khuẩn, tập trung vào nhóm vi khuẩn bám trên bề mặt như quần áo, giày dép, tóc, khuôn mặt hay đồ dùng mang theo như túi xách nhằm giảm nguy cơ truyền nhiễm của vi khuẩn, virus. Nguyên lý hoạt động dựa trên bộ điều khiển PLC tiêu chuẩn dùng trong công nghiệp có tính ổn định cao với hai chế độ hoạt động cơ bản linh hoạt theo yêu cầu thực tế sử dụng. Chế độ 1 trong trường hợp ít người, hệ thống phun sương được kích hoạt và tự động hoàn tất sau 30 giây và ở chế độ 2 trong trường hợp đông người, hệ thống phun sương dung dịch liên tục.

Lãnh đạo Trường Đại học Thông tin Liên lạc chia sẻ, không chỉ 3 sản phẩm phòng, chống dịch trên, thời gian tới, Nhà trường còn mở rộng nghiên cứu các thiết bị khác. Nhà trường mong muốn, những sản phẩm kỹ thuật này sẽ góp phần tạo nên những giải pháp hoàn chỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đáp ứng yêu cầu thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới ở tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung./

Diệp Chi (tổng hợp)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực