Tài sản trí tuệ - nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội

Thứ sáu, 16/07/2021 16:53
(ĐCSVN) - Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, tài sản trí tuệ đã trở thành nguồn lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh dư địa phát triển của nền kinh tế dựa vào tài nguyên thô và lao động giá rẻ đang ngày càng thu hẹp.

Xác định vai trò quan trọng của tài sản trí tuệ (TSTT) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách đã được Đảng, Chính phủ ban hành nhằm thúc đẩy việc tạo dựng, quản lý và phát triển TSTT như: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;  Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày  22/8/2019 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Đáng chú ý, Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2011 - 2020 đã được phê duyệt tại các Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 6/12/2010 và số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng chính phủ.

Thực hiện Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2011 - 2020, các bộ, ban, ngành đã tích cực triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.

Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ

Các hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng duy trì liên tục và thường xuyên đổi mới phương thức thực hiện. Nếu như trong giai đoạn 2011-2015, công tác tuyên truyền chủ yếu được thực hiện theo phương thức truyền thống, phổ cập kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ, thì sang giai đoạn 2016-2020, công tác này đã được triển khai với chiều sâu về nội dung, ứng dụng công nghệ số và truyền thông đa phương tiện. Kết quả đã có hơn 5.000 số phát sóng truyền hình; 1.500 bài báo, phóng sự; 1000 bài đăng trên mạng xã hội; 100 cuộc giao lưu trực tuyến và tọa đàm; 200 hội thảo, hội nghị khoa học đã được tổ chức

Các hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng
duy trì liên tục và thường xuyên. 

Cũng trong giai đoạn này, các Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức các lớp ngắn hạn phổ biến các kiến thức chung về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp và người dân với 750 lớp đào tạo cơ bản cho 42.000 lượt tham gia Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tiêu biểu, duy trì các khóa tập huấn, đào tạo Quản trị viên TSTT. Đối với các chương trình ở Trung ương trong giai đoạn này đã tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho 2.000 người từ các nhóm chủ thể khác nhau như doanh nghiệp, nhà khoa học, cán bộ thực thi, và các tổ chức, cá nhân làm công tác văn hóa nghệ thuật.

Các hoạt động tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ đã góp phần tăng lượng đơn sở hữu công nghiệp nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ từ 10-12%/năm. Cụ thể như: đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích tăng từ 494 đơn (năm 2011) lên 1.505 đơn (năm 2020); đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tăng từ 1.200 đơn (năm 2011) lên 1.999 đơn (năm 2020); đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tăng từ 22.402 đơn (năm 2011) lên 47.293 đơn (năm 2020).

 Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ

Bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực địa phương và sản phẩm OCOP là một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2020. Trong giai đoạn này, có 1.148 sản phẩm đã được hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể. Có thể kể đến nhiều mô hình điểm, điển hình đáng ghi nhận trong thời gian qua như: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh tới cấp xã trong công tác xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La; lồng ghép hiệu quả giữa sở hữu trí tuệ và sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh; phát triển tài sản trí tuệ gắn với khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống kinh đô Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế; sở hữu trí tuệ với chống biến đổi khí hậu của các tỉnh Tây Nam Bộ; định vị thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” của tỉnh Lâm Đồng và rất nhiều địa phương tiêu biểu khác…

Đặc biệt, mới đây, ngày 12/3/2021, vải thiều Bắc Giang, sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, sự kiện quan trọng này đã đánh dấu bước tiến lớn, thiết lập một thành tựu mới trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực quốc gia.

Việc Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn cũng minh chứng cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam đã chuyển mình; khẳng định doanh nghiệp và người dân Việt Nam có đủ năng lực, sẵn sàng sản xuất ra các sản phẩm theo tiêu chuẩn của những quốc gia “khó tính” trên thế giới.

Bên cạnh việc hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực địa phương và sản phẩm OCOP, hoạt động hỗ trợ bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ cũng được chú trọng.

Trong khuôn khổ của Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2011 - 2020, Tập đoàn Dệt may, Hiệp hội Da giầy, Tập đoàn DABACO và nhiều doanh nghiệp khác đã được hỗ trợ triển khai các biện pháp quản trị TSTT và nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Các địa phương đã hỗ trợ cho gần 10.000 lượt doanh nghiệp, một số địa phương triển khai rất hiệu quả các hoạt động này như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hà Tĩnh, Bình Dương, Quảng Ninh...

Các sản phẩm OCOP đang được ngày càng ưa chuộng. (Ảnh: HNV) 

Hoạt động hỗ trợ bảo hộ, áp dụng sáng chế cũng có nhiều dấu ấn đáng ghi nhận. Chương trình phối hợp với các đơn vị tiến hành tư vấn hỗ trợ cao năng lực về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo cho đội ngũ cán bộ của các tổ chức khoa học và công nghệ và doanh nghiệp; thúc đẩy việc sử dụng, khai thác thông tin sáng chế để tránh trùng lặp trong nghiên cứu. Trong khuôn khổ Chương trình, có 71 sáng chế, giải pháp hữu ích được hỗ trợ áp dụng vào thực tiễn đời sống, khai thác thương mại.

 Mục tiêu đến năm 2030

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay, công tác bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT nói chung và Chương trình phát triển TSTT nói riêng vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, các chủ thể Việt Nam chủ yếu là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chưa có nhiều đơn đăng ký sáng chế. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mặc dù khá sôi động, nhưng chúng ta chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao. Đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn về quản trị TSTT, quản lý và phát triển TSTT chưa được phát triển như kỳ vọng cả về số lượng và chất lượng…

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại; tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

Chương trình tập trung vào các nội dung: Tăng cường các hoạt động tạo ra TSTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.

Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 đề ra mục tiêu cho từng giai đoạn. Trong đó, đến năm 2025, 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; tối thiểu 40% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Đến năm 2030, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%; tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8 - 10%/năm.

Với lộ trình, mục tiêu cụ thể, Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 sẽ mở ra hướng đi mới, khai thác tối đa hiệu quả TSTT của các chủ thể, góp phần đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội./.

Diên An
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực