Tạo đột phát trong phát triển kinh tế số

Thứ sáu, 08/07/2022 10:23
(ĐCSVN) - Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
leftcenterrightdel
Tuần lễ chuyển đổi số vùng thể hiện khát vọng và sự tự tin Hậu Giang sẽ là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ. Ảnh: Phùng Dũng 

* Thúc đẩy ứng dụng các công nghệ số mới

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được nhiều địa phương trong đó có tỉnh Hậu Giang đặt ở mức ưu tiên cao trong các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh.

Theo đó, nhiều giải pháp trọng tâm đã được tỉnh triển khai như tổ chức các tổ công nghệ số cộng đồng đến từng ấp, khu vực, đảm bảo hoạt động hiệu quả, thiết thực, được đào tạo về kỹ năng số để phổ biến, hướng dẫn, trợ giúp người dân sử dụng công nghệ số và các nền tảng số được đề ra. Tăng cường hợp tác giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có nền tảng số trong việc nghiên cứu, phát triển các nền tảng số chất lượng cao, thu hút nguồn lực, tri thức, chuyển giao công nghệ số về tỉnh, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kỹ năng số cho người dân thông qua việc sử dụng nền tảng số.

Đồng thời thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bản sao số, chuỗi khối, thực tế ảo/thực tế tăng cường, dữ liệu lớn, kết hợp với các công nghệ mở, mã nguồn mở để phát triển các nền tảng số phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt, tỉnh xây dựng các doanh nghiệp chuyển đổi số điển hình, các mô hình mẫu, ứng dụng mẫu chuyển đổi số phù hợp đặc trưng của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, sau đó nhân rộng nhanh đến các địa phương, đơn vị có quy mô, tính chất tương tự.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã hoàn thành một số nội dung chuyển đổi số, đồng thời đạt được một số kết quả bước đầu trong công cuộc chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, như: Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, Cổng Dịch vụ công trực tuyến, Ứng dụng di động Hậu Giang, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý điều hành của 3 cấp chính quyền. Qua đó tạo môi trường giao tiếp khoa học và hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước với nhau cũng như, giữa người dân và doanh nghiệp với chính quyền. Góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng mức độ hài lòng của người dân với chính quyền đồng thời, tăng chỉ số về cải cách hành chính và chuyển đổi số của tỉnh.

Hiện tỉnh đang tiếp tục nỗ lực, khẩn trương triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh nhằm tạo ra sự đột phát trong phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhằm đạt mục tiêu cơ bản đến năm 2025 có tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50% và tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

leftcenterrightdel
Phòng điều khiển và giám sát hạ tầng đô thị thông minh tại trụ sở UBND TP. Bến Tre 

Góp phần cho sự phát triển kinh tế-xã hội

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, việc phát triển công nghệ thông minh cũng được xem là giải pháp hiện đại để khơi thông tiềm năng trên tất cả các lĩnh vực. Chính vì vậy, phát triển công nghệ thông minh không thể tách rời mà phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương.

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, Đề án Chuyển đổi số, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tiến trình xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây được xem là những bước đi vững chắc để triển khai chương trình chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thực hiện chương trình chuyển đổi số, tỉnh Bến Tre đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Hiện tỉnh đã triển khai các mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã với kết quả đạt được khá tốt; là 1 trong 23 tỉnh, thành phố trong cả nước cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Bến Tre cũng là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên trên cả nước tích hợp thành công dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công của tỉnh. Dịch vụ này đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, hệ thống hội nghị trực tuyến ở Bến Tre đã được khai thác, sử dụng hiệu quả từ tỉnh đến huyện, xã./.

TL (t/h)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực