KH&CN đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Cách đây 60 năm, Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1970 ngày 17/10/1960 về việc thành lập Ban Kỹ thuật Thanh Hóa, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển ngành KH&CN của tỉnh. Trải qua 60 năm, ngành KH&CN Thanh Hóa đã từng bước phát triển, đóng góp tích cực cho sự nghiệp kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 1986 đến nay, là thời kỳ ngành KH&CN Thanh Hóa tập trung mọi nguồn lực để hiện thực hóa đường lối đổi mới của Đảng về KH&CN trên địa bàn tỉnh, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đưa KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt, là giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sự đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng GRDP của tỉnh thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đã được khẳng định rõ và liên tục tăng trong 10 năm trở lại đây. Theo báo cáo đánh giá của ban chỉ đạo xây dựng Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về phát triển Thanh Hóa, năm 2010 đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP của tỉnh là hơn 9%, đến năm 2015 là hơn 36%; đến năm 2019 là hơn 38% cao nhất trong các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.
|
Áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết... giúp nông dân Thanh Hóa nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. |
Sau 35 năm đổi mới, với trên 800 nhiệm vụ KH&CN được thực hiện, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ: nhiều mô hình sản xuất tiên tiến được xây dựng, nhiều công nghệ, kỹ thuật tiến bộ được chuyển giao vào thực tiễn. Cụ thể:
Lĩnh vực khoa học nông nghiệp: ngành KH&CN Thanh Hóa đã tập trung nghiên cứu ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học vào chọn tạo, nhân giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ sau thu, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch (ước đến năm 2020 giảm còn 12%) và nâng cao giá trị sản phẩm. Tập trung phổ cập công nghệ làm khô lúa và hoa màu sau thu hoạch. Từng bước hiện đại hóa hệ thống kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm chế biến theo công nghệ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ di truyền để chọn lọc giống, tạo giống chất lượng và bảo tồn nguồn gen...
Trong nuôi trồng thủy sản, đã tập trung nghiên cứu và nhân rộng công nghệ sản xuất giống thủy sản chất lượng cao; từng bước chủ động sản xuất giống trên địa bàn (cá rô phi đơn tính, tôm sú, tôm càng xanh, cá chim trắng...); triển khai các mô hình nuôi trồng theo hướng thâm canh, áp dụng công nghệ cao; đẩy mạnh hình thức nuôi lồng, bè trên biển, các mô hình nuôi kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ gắn với áp dụng công nghệ hiện đại. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cấp đông sản phẩm trên biển đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hải sản đánh bắt trên biển.
Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ: nhiều công nghệ mới được nghiên cứu, chuyển giao thành công đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thanh Hóa như: sấy lúa bằng bức xạ hồng ngoại; sấy cói bằng công nghệ tuy nen; sản xuất gốm mỹ nghệ tráng men bằng công nghệ đốt gas kết hợp đốt than; sản xuất gạch không nung Terrazzo; ép thủy lực đa năng và in kỹ thuật số trong sản xuất gạch ốp lát cao cấp; khai thác đá “cắt dây”; sản xuất cát nhân tạo... Đặc biệt, đã nghiên cứu sản xuất thành công nhiều phần mềm ứng dụng phục vụ sản xuất, chế biến thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; tài nguyên môi trường; giao thông vận tải...
Lĩnh vực khoa học y, dược: nhiều thành tựu y học hiện đại đã được nghiên cứu, ứng dụng vào phục vụ công tác khám, điều trị bệnh, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh thuộc top đầu cả nước về lĩnh vực y tế như: ứng dụng kỹ thuật SPECT, MRI, PET/CT; ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm Cyfra 21-1, CEA, SCC, ProGRP trong chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư phổi; chẩn đoán mô bệnh học bằng phương pháp nhuộm Hematoxyline Eosin, nhuộm Giemsa...; ứng dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch điều trị nhồi máu não sớm; ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt thận; kỹ thuật ghép giác mạc, ghép thận; kỹ thuật chuyển phôi ngày 5 trong thụ tinh trong ống nghiệm; triển khai hóa trị liệu, xạ trị điều trị ung thư...
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: các nhiệm vụ KH&CN tập trung vào nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học nhằm cụ thể hoá đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của tỉnh, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nhận thức về quê hương, con người xứ Thanh.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, ngành KH&CN Thanh Hóa còn đạt được nhiều kết quả trong phát triển tiềm lực KH&CN (tiềm lực KH&CN của tỉnh được tăng cường cả về số lượng và chất lượng trên cả 4 yếu tố cơ bản: nhân lực KH&CN, tổ chức KH&CN, cơ sở vật chất cho hoạt động KH&CN, vốn đầu tư cho KH&CN); thị trường KH&CN (toàn tỉnh đã có 27 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, đứng thứ 3 cả nước; có 463 chủ thể được cấp tổng cộng 1.142 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp...); tiêu chuẩn đo lường chất lượng (toàn tỉnh có 43 phòng thử nghiệm, trong đó, 14 phòng thử nghiệm được công nhận VILAS; 4 phòng kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định; 63 cơ quan hành chính của tỉnh, 250/559 UBND cấp xã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2008…).
|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao Giải thưởng KH&CN Thanh Hóa lần thứ Nhất cho các nhóm tác giả. Ảnh: Đỗ Đức
|
Thúc đẩy hơn nữa sự phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ
Với những đóng góp quan trong của ngành KH&CN các cấp trong sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa những năm qua, có thể khẳng định KH&CN đã là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội tỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, với sự diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, những đòi hỏi của quá trình phát triển, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động ngày càng lớn đến sự phát triển của các quốc gia, vùng lãnh thổ, ngành KH&CN Thanh Hoá đang đứng trước những yêu cầu nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bám sát thực tiễn cuộc sống, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Để phát huy vai trò của KH&CN trong sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới, tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập ngành KH&CN Thanh Hóa diễn ra ngày 17/10 vừa qua, các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học đã chỉ ra những phương hướng phát triển nhằm đưa lĩnh vực KH&CN của tỉnh lên tầm cao mới, đóng góp vào sự bứt phá mạnh mẽ của tỉnh, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu của cả nước.
Theo đó, các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học cho rằng, ngành KH&CN tỉnh Thanh Hóa cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khơi dậy sự đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo, hành động mạnh mẽ quyết liệt để thúc đẩy phát triển KH&CN, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực hấp thụ KH&CN của các doanh nghiệp; xây dựng khu công nghệ cao thể thu hút đầu tư...
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đề nghị trong 10 năm tới, ngành khoa học và công nghệ tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh phát triển khoa học và công nghệ, hình thành được nhiều doanh nghiệp số, doanh nghiệp công nghệ thông tin, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, ngành khoa học và công nghệ tỉnh Thanh Hóa cần tập trung hình thành được khu công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao có sản phẩm giá trị cao, thân thiện với môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi, Sở KH&CN cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, đổi mới tư duy theo hướng bám sát thực tiễn cuộc sống, dám nghĩ, dám làm để tham mưu cho tỉnh cơ chế, chính sách vượt trội nhằm nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và từng bước phát triển công nghệ của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao kết quả KH&CN, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị KH&CN công lập; nghiên cứu, xây dựng các chương trình, nhiệm vụ KH&CN trọng tâm, giai đoạn 2021-2025 theo hướng gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị gia tăng; thực hiện tốt công tác phát triển thị trường KH&CN, đảm bảo việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN thực sự gắn liền với sản xuất, kinh doanh, quản lý đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH&CN từng đơn vị, từng doanh nghiệp, từng địa phương. Trong phát triển KH&CN phải coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo.
Ngành KH&CN tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN. Trọng tâm là nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm mà tỉnh có lợi thế nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; làm tốt hơn nữa công tác quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tiếp tục triển khai tốt việc lựa chọn, xét tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa thực sự có ý nghĩa, khuyến khích, động viên các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra các công trình KH&CN có giá trị, ứng dụng đạt hiệu quả cao trong thực tiễn.../.