Thúc đẩy cung cầu kết quả nghiên cứu các sản phẩm công nghệ và thiết bị

Thứ sáu, 04/11/2022 10:01
(ĐCSVN) - Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, các sản phẩm công nghệ và thiết bị tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, các sản phẩm, công nghệ và thiết bị từ các viện trường, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ”.
Quang cảnh Hội thảo “Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, các sản phẩm, công nghệ và thiết bị từ các viện, trường, doanh nghiệp" diễn ra tại Cần Thơ.   

Hiện nay, thị trường KH&CN của Cần Thơ từng bước hình thành và phát triển rõ nét trên cơ sở phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật KH&CN, với hệ thống hơn 60 tổ chức KH&CN đang hoạt động, 14 tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, 2 mạng lưới liên kết, 2 quỹ đầu tư và phát triển khởi nghiệp, 6 không gian hỗ trợ khởi nghiệp, không gian làm việc chung, điểm kết nối cung cầu công nghệ tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ trực tuyến (catex.vn).

Ngoài ra, Cần Thơ cũng đầu tư, xây dựng mới một số cơ sở vật chất - kỹ thuật, phòng thí nghiệm không chỉ phục vụ nhu cầu của thành phố mà còn hỗ trợ cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được đầu tư trở thành đơn vị dịch vụ về hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng hàng đầu của khu vực; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đóng vai trò đầu mối trong nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới triển khai vào sản xuất và đời sống; Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực nông, thủy sản, cơ khí TP Cần Thơ và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển thị trường khoa học và công nghệ nói chung và hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ của Thành phố vẫn còn nhiều điểm nghẽn như sự liên kết giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp chưa chặt chẽ, số lượng các sản phẩm có khả năng thương mại hóa còn ít so với số lượng các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học hoàn thành; khả năng đáp ứng về công nghệ, tài chính và các dịch vụ đi kèm chưa cao. Các doanh nghiệp hiện nay vẫn khó tiếp cận với các sản phẩm thương mại hóa do thông tin chưa được giới thiệu rộng rãi trên các kênh hoặc mức độ phổ biến của các kênh không cao. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại hóa sản phẩm, công nghệ, thiết bị vướng phải rào cản về chính sách, cơ chế hỗ trợ của nhà nước đối với các đối tượng thương mại hóa. Đó là những khó khăn, rào cản hạn chế phát triển thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.

Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu nhận định còn nhiều rào cản về chính sách, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng thương mại hóa cả bên cung là các viện, trường, cơ quan nghiên cứu và chuyên gia sản phẩm công nghệ và cầu là các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm, tiếp nhận các sản phẩm công nghệ. Sản phẩm công nghệ cần được thương mại hóa còn ít so với số lượng các đề tài, dự án nghiên cứu và khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường chưa cao. Các đại biểu cho rằng dù chuyển đổi số đang được đẩy mạnh, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với các sản phẩm thương mại hóa do các thông tin chưa được giới thiệu rộng rãi trên các kênh, hoặc mức độ phổ biến của các kênh không cao.

Để cung và cầu sản phẩm, công nghệ, thiết bị “gặp nhau”, PGS.TS Nguyễn Phú Son, Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ đưa ra 4 giải pháp: Tổng kết đánh hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tăng cường dấn thân tiếp cận với doanh nghiệp, nông dân; nghiên cứu thị trường định kỳ và thường xuyên; tăng cường liên kết chặt chẽ với các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp.

Còn theo bà Đỗ Thị Lương, Giám đốc Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, TP Cần Thơ nói riêng và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung cần tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu về thương mại hóa, xúc tiến thương mại các sản phẩm, công nghệ thông qua các kênh trực tuyến, trực tiếp, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá tạo sự lan tỏa, nâng cao nhận thức về vai trò thương mại hóa cũng như để các doanh nghiệp tiếp cận thông tin về sản phẩm, công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong việc thương mại hóa các sản phẩm...

Các sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ được trưng bày tại Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2022 diễn ra tại Cần Thơ. 

Khẳng định thị trường khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố được đánh giá có điều kiện tốt nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long về tiềm năng khoa học và công nghệ (nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất). Trên  địa bàn thành phố có khoảng 73 đơn vị có hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với 7.455 người có hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong đó, có những đơn vị hàng đầu của quốc gia và khu vực như: Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Trường Đại học Y dược Cần Thơ, Trường Đại học Nam Cần Thơ… Đây là nền tảng để thành phố Cần Thơ đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ cũng như hoạt động thương mại hóa sản phẩm, công nghệ, thiết bị.

Cũng theo bà Trần Hoài Phương, cuối năm 2021, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố đến năm 2030; đồng thời hình thành và phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

Nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, các sản phẩm, công nghệ và thiết bị từ các viện, trường, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, các đại biểu cho rằng cần tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu về thương mại hóa, xúc tiến thương mại các sản phẩm, nghiên cứu trên các kênh online, offline, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá tạo sự lan tỏa, nâng cao nhận thức về vai trò thương mại hóa cũng như để các doanh nghiệp tiếp cận thông tin về sản phẩm, công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong việc thương mại hóa sản phẩm. Bên cạnh đó cần tăng cường liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp và các viện, trường, đơn vị nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm thương mại hóa với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra cần có các chính sách, chương trình hỗ trợ, khuyến khách doanh nghiệp nhận chuyển giao và ứng dụng các kết quả nghiên cứu./.

Châu Anh (tổng hợp)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực