Thúc đẩy hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ

Thứ năm, 02/06/2022 16:24
(ĐCSVN) - Việc hình thành và đưa hoạt động các sàn giao dịch và điểm kết nối cung - cầu công nghệ là một trong những giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ.

Trong thời đại công nghệ 4.0 đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ (KHCN) hiện đại, lành mạnh hóa thị trường KHCN và môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp.

Thời gian qua, để thúc đẩy thị trường KHCN, Bộ KHCN đã nỗ lực và hoàn thiện cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường KHCN và đẩy mạnh việc xây dựng các định chế trung gian. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và cho triển khai các đề án, chương trình quốc gia về KHCN nhằm hỗ trợ các hoạt động khoa học theo cơ chế thị trường; thúc đẩy cung-cầu công nghệ; khuyến khích các hoạt động tư vấn, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ. Bộ KHCN đã chỉ đạo tổ chức triển khai một số Chương trình, Đề án và nhiều sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ như Hội chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), Triển lãm thành tựu KHCN, Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ (TechDemo), Ngày hội khởi nghiệp đổi mói sáng tạo (Techfest) ở nhiều quy mô khác nhau... thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức, cá nhân có liên quan, qua đó góp phần hình thành và từng bước phát triển thị trường KHCN.

leftcenterrightdel
Trưng bày các sản phẩm KHCN tại Sàn giao dịch công nghệ Thừa Thiên Huế. Ảnh: Tường Vi 

Nhằm phát triển thị trường ứng dụng KHCN, tạo cầu nối giữa các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có nhu cầu đổi mới công nghệ và những nhà nghiên cứu, nhà sở hữu công nghệ, từ đó chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, từ năm 2016 đến nay, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KHCN) đã phối hợp với các Sở KHCN tại một số địa phương thành lập nhiều sàn giao dịch công nghệ và điểm kết nối cung - cầu công nghệ, đại diện cho các vùng địa phương trong cả nước. Các sàn giao dịch công nghệ và điểm kết nối bước đầu đã thực hiện hiệu quả trong việc xúc tiến hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ, giúp tăng nhanh giá trị giao dịch hàng hóa KHCN trên thị trường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và thúc đẩy các chủ thể liên quan tham gia vào các hoạt động của thị trường và liên thông thị trường KHCN trong nước với các thị trường KHCN khu vực và thế giới. 

Phát biểu tại Lễ khai trương Sàn giao dịch công nghệ và Điểm kết nối cung cầu công nghệ tại Thừa Thiên Huế diễn ra gần đây, Phó Giám đốc Sở KHCN Thừa Thiên Huế Nguyễn Kim Tùng cho biết, sàn giao dịch công nghệ là tổ chức trung gian của thị trường KHCN nhằm kết nối các bên cung – cầu công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trưng bày, trình diễn, triển lãm, xúc tiến giao dịch các sản phẩm, hàng hóa KHCN, góp phần phát triển thị trường KHCN. Điểm kết nối cung - cầu công nghệ là một trong những giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước, góp phần nâng cao trình độ, năng lực công nghệ của doanh nghiệp, chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thị trường KHCN tại Việt Nam.

Theo đó, Sàn Giao dịch công nghệ và Điểm kết nối cung - cầu công nghệ tại Thừa Thiên Huế có các nhiệm vụ trọng tâm như: Là cầu nối, hỗ trợ ba nhà: Khoa học - Quản lý - Sản xuất kinh doanh liên kết cùng phát triển nhằm thúc đẩy ứng dụng KHCN vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh với chi phí thấp. Là nơi kết nối cung - cầu, tìm hiểu, đặt hàng, giao dịch mua bán, chuyển giao công nghệ, thiết bị. Là công cụ hữu hiệu giúp các tổ chức và cá nhân có thể tìm đối tác, bạn hàng một cách nhanh chóng, giảm chi phí tìm kiếm, quảng cáo, giao dịch, tham gia hội nhập quốc tế. 

Sàn Giao dịch công nghệ và Điểm kết nối cung - cầu công nghệ giới thiệu, trưng bày công nghệ, thiết bị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, các công nghệ, thiết bị trong nước và ngoài nước, giúp giảm đáng kể chi phí quảng cáo tiếp thị cho các đơn vị, tăng cường khả năng lựa chọn các công nghệ thích hợp và tiếp cận nhanh chóng với các đối tác trong nước và thế giới. Các tổ chức, cá nhân có thể tìm đối tác, bạn hàng mua và bán công nghệ, thiết bị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong và ngoài nước, tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng, trao đổi trực tuyến với các chuyên gia KHCN về các lĩnh vực quan tâm. Qua đó, hỗ trợ các đơn vị cập nhật thông tin mới nhất về KHCN, các kết quả nghiên cứu KHCN trong và ngoài nước thuộc mọi lĩnh vực, thị trường công nghệ, đối tác, các chuyên gia tư vấn, văn bản pháp quy, các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ.

leftcenterrightdel

Giới thiệu máy tách hạt điều cải tiến tại Sàn giao dịch công nghệ Bình Phước, sáng 30/5.
Ảnh: Hà An. 

Nằm trong kế hoạch kết nối giữa các nhà khoa học với nhà sản xuất, góp phần ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại hóa sản phẩm công nghệ và thiết bị, kết quả nghiên cứu KHCN, giúp cho hoạt động này trở nên hiệu quả, tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, tỉnh Bình Phước cũng vừa khai trương Sàn giao dịch công nghệ ngày 30/5. Theo Sở KHCN tỉnh Bình Phước, Sàn giao dịch công nghệ sẽ tạo môi trường, công cụ thuận lợi giúp các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động hợp tác, phối hợp trong xúc tiến, phát triển thị trường công nghệ giữa tỉnh Bình Phước với các địa phương khác.

Sàn giao dịch được vận hành, duy trì hoạt động bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. Hiện nay, sàn giao dịch trực tuyến đã có hơn 6.000 công nghệ và thiết bị chào bán; gần 1.000 nhà cung ứng, 934 tổ chức chuyên gia tư vấn. Sàn giao dịch trực tiếp được xây dựng tại Trung tâm KHCN tỉnh Bình Phước (đóng tại thành phố Đồng Xoài) với diện tích 200 m2, gồm một số phòng chức năng trưng bày, giới thiệu công nghệ, thiết bị và các sản phẩm được làm ra từ những thiết bị công nghệ tiên tiến…

Bà Bùi Thị Minh Thúy, Giám đốc Sở KHCN Bình Phước, cho biết, thông qua sàn giao dịch công nghệ sẽ hỗ trợ giới thiệu các sản phẩm, sáng chế chủ lực của tỉnh đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, sản phẩm của doanh nghiệp, kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách. Hoạt động nhằm thu hút sự quan tâm của người dân, viện trường, doanh nghiệp... từng bước hình thành và phát triển thị trường KHCN của tỉnh.

Có thể thấy, việc hình thành và đưa vào hoạt động các sàn giao dịch công nghệ và điểm kết nối cung – cầu công nghệ là một trong những giải pháp để phát triển các loại hình tổ chức trung gian của thị trường KHCN, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, xúc tiến chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp, chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. 

Theo thống kê, trên cả nước đã có 14 điểm kết nối cung - cầu công nghệ và hơn 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương thực hiện việc kết nối, xúc tiến hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ đến các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước. Các điểm kết nối này cùng với các tổ chức trung gian của thị trường KHCN đã giúp cho nhiều sản phẩm KHCN được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, là đầu mối liên kết chặt chẽ giữa khối nghiên cứu và doanh nghiệp, cầu nối để huy động các nguồn đầu tư, xã hội hóa trong ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đồng thời kết nối mua, bán công nghệ, đẩy mạnh quá trình thương mại hóa sản phẩm công nghệ, thiết bị... góp phần phát triển thị trường KHCN của Việt Nam./.

VA
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực