Thị trường khoa học - công nghệ đã hình thành và phát triển
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ hằng năm tăng mạnh, bình quân đạt 30%, trên 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tỉ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 20%, tỉ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%. Tỉ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.
|
Nhân viên Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) thử nghiệm định lượng Protein trong vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Trên cả nước hiện có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, trong đó số lượng sàn giao dịch công nghệ có sự phát triển mạnh mẽ. Nếu như trước năm 2015 chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, 1 sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ, 1 sàn giao dịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập.
Cùng với việc phát triển các tổ chức trung gian truyền thống, các tổ chức kiểu mới cũng phát triển mạnh mẽ với 69 cơ sở ươm tạo, 28 chương trình thúc đẩy kinh doanh, loại hình không gian làm việc chung có 186 khu... Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ khu vực viện, trường có xu hướng chuyển biến tích cực. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Điển hình trong giai đoạn 2011-2020, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh có doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng.
Còn theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế. Với thứ hạng này, Việt Nam giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp các quốc gia năm 2020, Việt Nam tăng 13 bậc, lên vị trí thứ 59 trên thế giới, hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, thị trường khoa học và công nghệ đã trải qua hơn 10 năm phát triển với nhiều thách thức nhưng cũng nắm bắt được cơ hội và thành tựu đáng khích lệ. Đặc biệt, việc từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách và triển khai hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn cung - cầu và xây dựng cho các tổ chức trung gian thị trường khoa học và công nghệ.
Thị trường khoa học và công nghệ cũng đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ như tốc độ gia tăng giá trị giao dịch công nghệ bình quân giai đoạn 2011-2020 là 22%. Trong đó, một số ngành tăng trưởng cao, gồm điện, điện tử máy tính ở mức tăng trưởng 46%; ngành chế biến gỗ, giấy (29%), ngành chế biến thực phẩm (28%)...
Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù hành lang pháp lý phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 đã được hoàn thiện với nhiều kết quả nổi bật, song vẫn còn một số tồn tại cần tháo gỡ trong thời gian tới. Cụ thể, những nội dung hỗ trợ quy định trong Nghị định số 76/2018/NĐ-CP chưa được đưa vào các chương trình quốc gia liên quan để hiện thực hóa các cơ chế hỗ trợ.
Còn Nghị định 70/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý tài sản công quy định về xử lý tài sản là kết quả đề tài, dự án sử dụng ngân sách Nhà nước có quy định kết quả nghiên cứu được tạo ra từ ngân sách Nhà nước thì thuộc sở hữu của Nhà nước. Ngoài ra, kinh phí thu được từ việc thương mại hóa hầu hết phải nộp lại cho Nhà nước, chưa khuyến khích các nhà khoa học chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Một vấn đề thách thức nữa là thông tin, thống kê dữ liệu về các giao dịch chuyển giao công nghệ tại các địa phương còn thiếu. Theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ, Hợp đồng chuyển giao công nghệ không bắt buộc phải đăng ký, trừ Hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Quy định này một mặt tạo môi trường thực sự tự do cho các doanh nghiệp trong giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng mặt khác là hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra tại các địa phương khó có thể nắm bắt.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Có thể nói hành lang pháp lý liên quan đến phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến nay tương đối đầy đủ. Đặc biệt, ngày 13/7/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1158/QĐ-TTg ban hành “Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030”, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết: Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang cùng với các bộ, ngành, đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thị trường khoa học và công nghệ, thúc đẩy các giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực cạnh tranh để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường khoa học và công nghệ; cơ chế liên thông thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính và lao động. Bộ đẩy mạnh hợp tác viện nghiên cứu, trường đại học - doanh nghiệp; chính sách thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả chuyên gia khoa học và công nghệ là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam...
|
Các mô hình ứng dụng công nghệ mới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nông nghiệp
(Ảnh: NS) |
Thúc đẩy nguồn cung - cầu và các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ
Thị trường khoa học và công nghệ có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ thể trung tâm trong hoạt động của thị trường, giao dịch và mua bán hàng hóa khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển sản xuất kinh doanh. Thị trường khoa học và công nghệ góp phần nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế, trong đó doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ thể trung tâm trong hoạt động của thị trường, giao dịch và mua bán hàng hóa khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho rằng, để đạt mục tiêu đề ra, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030 tập trung thúc đẩy nguồn cầu của thị trường khoa học và công nghệ thông qua việc điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, năng lực giải mã, hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cầu công nghệ và xuất bản báo cáo phân tích nhu cầu công nghệ của một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Chương trình thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - viện nghiên cứu, trường đại học theo hướng đặt hàng công nghệ hoặc hình thành dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hỗ trợ tổ chức, cá nhân đánh giá, định giá, thẩm định giá công nghệ; tìm kiếm, lựa chọn và tiếp nhận, thử nghiệm công nghệ; khai thác, phát triển tài sản trí tuệ...
Song song với thúc đẩy nguồn cầu, việc phát triển nguồn cung thị trường khoa học và công nghệ cũng đã được quan tâm thúc đẩy, thông qua cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa khoa học và công nghệ trên thị trường. Chương trình tập trung thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng tác động lớn và lan tỏa, trước hết là đối với một số lĩnh vực công nghiệp, ngành hàng xuất khẩu chủ lực; hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; đẩy mạnh hình thành và phát triển một số tổ chức trung gian có vai trò đầu mối, cung cấp các dịch vụ công có tính hệ thống về thị trường khoa học và công nghệ... Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ cũng được tăng cường.
Cùng với đó, đẩy mạnh hình thành và phát triển một số tổ chức trung gian có vai trò đầu mối lồng ghép Chương trình quốc gia với kế hoạch, đề án của từng bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả chuyên gia khoa học và công nghệ là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường khoa học và công nghệ của Việt Nam; xây dựng cơ chế, chính sách liên thông thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính và lao động; đẩy mạnh hợp tác viện, trường - doanh nghiệp; xây dựng các chính sách thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ, ngành đề ra giải pháp nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Ngoài ra, các bộ, ngành, đơn vị sẽ điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, năng lực giải mã, hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cung-cầu công nghệ và xuất bản báo cáo phân tích nhu cầu công nghệ của một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển...
Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030 chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ chức trung gian và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thị trường khoa học và công nghệ...
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, kết nối thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam với thị trường khoa học và công nghệ quốc tế./.