TS.Đỗ Hữu Hoàng đã chia sẻ với phóng viên về điểm mới và những giá trị của công trình nghiên cứu.
Phóng viên (PV): Ông có thể giới thiệu một cách ngắn gọn về những kết quả của công trình nghiên cứu?
TS. Đỗ Hữu Hoàng: Cá chim vây ngắn (Trachinotus ovatus) là đối tượng nuôi biển mới, có nhiều tiềm năng, chúng sinh trưởng nhanh, có chất lượng thịt thơm ngon và giá trị kinh tế cao. Trong nuôi trồng thủy sản, việc sử dụng kháng sinh đã gây nhiều tác hại đến môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, kháng sinh được khuyến cáo không sử dụng trong nuôi trồng thủy sản ở nhiều nước trên thế giới. Nhằm mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hạn chế sử dụng kháng sinh, hội nhập xu thế phát triển nuôi trồng thủy sản trên thế giới, hướng nghiên cứu hiện nay được quan tâm hàng đầu là tìm ra các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường và thay thế được kháng sinh.
|
TS. Đỗ Hữu Hoàng đang lấy mẫu cá. |
Beta-glucan cũng như nhiều chế phẩm sinh học khác được nghiên cứu và chỉ ra có hiệu quả trên cá nuôi như tăng sinh trưởng, tỷ lệ sống, nâng cao sức khỏe, làm tăng năng suất, đặc biệt là không độc hại, không có tác dụng phụ và hiện tại chưa có báo cáo nghiên cứu nào về tác hại của beta-glucan. Nhiều nghiên cứu cho thấy beta-glucan có thể đóng vai trò như một chất kích thích miễn dịch đối với nhiều loài thủy sản.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và xu thế phát triển nuôi trồng trên thế giới và ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã đề xuất nghiên cứu áp dụng beta-glucan trên cá chim vây ngắn thông qua công trình “Bổ sung β-glucan vào thức ăn đã cải thiện được tốc độ tăng trưởng, số lượng vi khuẩn Vibrio, các thông số huyết học và khả năng chống chịu stress của cá chim vây ngắn Trachinotus ovatus Linnaeus”. Nhóm tiến hành thí nghiệm nghiên cứu, đánh giá hiệu quả bổ sung beta-glucan vào thức ăn để đảm bảo sinh trưởng và sức khỏe của cá chim vây ngắn - loài cá có tiềm năng nuôi ở Việt Nam.
Chúng tôi đã thiết lập công thức thức ăn nền có hàm lượng dinh dưỡng phù hợp cho cá chim, đồng thời cũng thích hợp cho việc bổ sung beta-glucan để tiến hành thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu, đã phân tích và tính toán được hàm lượng beta-glucan tối ưu cho tốc độ sinh trưởng cao nhất trên cá chim. Việc bổ sung hàm lượng ít hơn hoặc nhiều hơn hàm lượng beta-glucan thích hợp đều gây lại bất lợi cho sinh trưởng của cá chim. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất.
Nghiên cứu cũng cho thấy, khi bổ sung beta-glucan sẽ cho sản phẩm cá nuôi khỏe và sạch, điều này thể hiện qua hàm lượng vi khuẩn, Vibrio trong ruột cá giảm rõ rệt khi bổ sung thức ăn có beta-glucan.
Một phát hiện khác là khi bổ sung beta-glucan giúp cá tăng khả năng chống chịu khi bị giảm độ mặn. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi vùng nuôi bị giảm độ mặn đột ngột do mưa thì cá vẫn có khả năng chống chịu và sống sót.
PV: Đây có phải là hướng nghiên cứu lần đầu được công bố của Việt Nam không? Những kết quả của công trình có sự khác biệt, điểm mới nào so với các nghiên cứu đã công bố trên thế giới?
TS. Đỗ Hữu Hoàng: Beta-glucan được xem là một trong những chất kích thích miễn dịch đem lại hiệu quả trên nhiều vật nuôi trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ở Việt Nam, việc ứng dụng các chế phẩm sinh học như beta-glucan chưa nhiều, chưa có công trình nghiên cứu beta-glucan trên cá chim vây ngắn. Vì vậy, đậy có thể xem là công trình nghiên cứu đầu tiên áp dụng beta-glucan trên cá chim vây ngắn ở Việt Nam.
Điểm khác biệt so với các công trình nghiên cứu về beta-glucan trên thế giới là công trình nghiên cứu này đã tính toán được hàm lượng beta-glucan bổ sung cần thiết và phù hợp để cá chim vây ngắn đạt tốc độ sinh trưởng cao nhất. Hàm lượng cao hơn hay thấp hơn đều không tốt cho sinh trưởng cá nuôi. Các công trình đã công bố trên thế giới không đánh giá hàm lượng beta-glucan tối ưu sinh trưởng cá nuôi. Đây là công trình đầu tiên công bố hàm lượng bổ sung cần thiết cho cá chim vây ngắn, là một trong những nhân tố đem lại lợi nhuận cho người nuôi trồng. Việc nâng cao tốc độ sinh trưởng còn có thể hiểu là thời gian nuôi để cá đạt kích thước chuẩn sẽ ngắn hơn. Điều này không những đem lại hiệu quả kinh tế, giảm rủi ro do thời gian nuôi dài, còn giảm lượng chất thải ra môi trường do thời gian nuôi ngắn hơn. Vấn đề này được minh chứng qua một thí nghiệm khác, kết quả nghiên cứu này cho thấy hiệu quả sử dụng thức ăn, sử dụng dinh dưỡng, đồng thời với tốc độ sinh trưởng của cá tăng cao khi cho ăn bổ sung beta-glucan. Hệ số sử dụng thức ăn (FCR) của lô cá cho ăn bổ sung beta-glucan giảm rõ rệt so với lô cá cho ăn thức ăn không bổ sung beta-glucan.
PV: Kết quả nghiên cứu của công trình có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
TS. Đỗ Hữu Hoàng: Đối với những nghiên cứu về beta-glucan, thông thường người ta tiến hành với đối tượng là gia súc, gia cầm, nhưng trên đối tượng thủy sản còn khá mới mẻ. Đặc biệt ở Việt Nam, nghiên cứu về beta-glucan trên cá và thủy sản lại càng mới. Công trình của chúng tôi là một trong những công trình mới, đặc biệt trên thế giới chưa có công trình nào nghiên cứu tính toán về hàm lượng beta-glucan tối ưu cho sinh trưởng của cá nuôi. Công trình này có ý nghĩa khoa học và tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn rất cao.
Kế thừa những nghiên cứu này, chúng tôi đã tiến hành các thí nghiệm đánh giá hiệu quả sử dụng dinh dưỡng của cá chim khi bổ sung beta-glucan. Được sự hỗ trợ, đồng hành của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi đang tiến hành một nghiên cứu kết hợp bổ sung beta-glucan và mannan oligosacarit lên sức khỏe, sinh trưởng và biểu hiện gen của cá chim vây ngắn.
Chúng tôi kỳ vọng, kết quả nghiên cứu sẽ làm cơ sở cho các nghiên cứu bổ sung beta-glucan cũng như các chế phẩm sinh học vào thức ăn cá chim vây ngắn và các đối tượng thủy sản. Đồng thời cũng là minh chứng cho sự thành công về nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản - phát triển nguồn lợi bền vững và thân thiện với môi trường. Nghiên cứu này góp phần khuyến khích mở rộng các nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường lên nhiều đối tượng thủy sản ở Việt Nam, giúp nghề nuôi trồng thủy sản phát triển theo xu hướng thân thiện và bền vững để giúp đưa sản phẩm nuôi trồng có giá trị cao ra thị trường thế giới.
Công trình hiện mới chỉ được thực hiện trong quy mô phòng thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và tiềm năng ứng dụng vào thực tế sản xuất cao. Vì vậy, rất cần nguồn kinh phí để mở rộng thí nghiệm ở mức trang trại nhằm đánh giá hiệu quả, đồng thời đề xuất bổ sung beta-glucan vào thức ăn cho cá chim vây ngắn.
PV: Là người được đề cử giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021, ông có thể chia sẻ về ý nghĩa cũng như tác động của Giải thưởng đối với các nhà khoa học trong lĩnh vực này, nhất là các nhà khoa học trẻ?
TS. Đỗ Hữu Hoàng: Giải thưởng Tạ Quang Bửu là nguồn động viên và khích lệ rất lớn đối với tập thể nghiên cứu và cộng đồng khoa học trên cả nước. Giải thưởng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nghiên cứu của các tác giả đoạt giải cũng như tác giả có công trình được đề cử Giải thưởng, đã tiếp thêm động lực, niềm tin và động viên họ tiếp tục say mê nghiên cứu, để chạm đến những thành công khác trong sự nghiệp.
Những năm gần đây, việc tài trợ cho nghiên cứu cơ bản ngày càng được quan tâm, đầu tư dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Bộ KH&CN đã triển khai nhiều phương thức hỗ trợ kinh phí, đầu tư cho các đề tài bằng cơ chế quỹ. Thông qua Quỹ NAFOSTED, các nhà khoa học trẻ có cơ hội được hỗ trợ nghiên cứu khoa học cơ bản, tiệm cận trình độ khu vực và thế giới.
Đối với công trình được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu của chúng tôi, đây là thành quả của một quá trình học tập, nghiên cứu lâu dài. Chúng tôi đã nhận được sự cổ vũ động viên, đóng góp trực tiếp và gián tiếp từ các nhà khoa học, các thầy cô và các đồng nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt có sự tài trợ từ Quỹ NAOSTED. Đó là nguồn động viên rất lớn cho chúng tôi.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Kết quả quan trọng của công trình nghiên cứu: “Bổ sung β-glucan vào thức ăn đã cải thiện được tốc độ tăng trưởng, số lượng vi khuẩn Vibrio, các thông số huyết học và khả năng chống chịu stress của cá chim vây ngắn Trachinotus ovatus Linnaeus, 1758” của nhóm tác giả: Đỗ Hữu Hoàng, Huỳnh Minh Sang và Nguyễn Thị Thanh Thủy (Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) được đăng tải trên Tạp chí Fish & Shellfish Immunology số 54 năm 2016 có chỉ số ảnh hưởng (IF) là 3.298 và được xếp hạng Q1 (vị trí 19 trong tổng số 230 tạp chí quốc tế có uy tín trong lĩnh vực khoa học về nước). Đây là 1 trong 4 công trình được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021.
Mặc dù nghiên cứu này mới thực hiện ở phạm vi phòng thí nghiệm, nhưng do kết quả của công trình có ý nghĩa khoa học và tiềm năng ứng dụng cao nên mức độ tác động của công trình trong lĩnh vực chuyên ngành rất lớn. Số lần được trích dẫn cao: 40 lần theo Scopus và 45 lần theo Google Scholar (có 3 lần tự trích dẫn).
|