TP. Hồ Chí Minh: Chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững

Thứ năm, 15/10/2020 14:28
(ĐCSVN) – Với việc thực hiện chuyển đổi số, TP Hồ Chí Minh hướng tới thể hiện tinh thần là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới; phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cùng với xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững trong thời đại mới với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 TP Hồ Chí Minh - thành phố lớn, năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước - xác định chương trình chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định trong chiến lược phát triển TP từ nay đến năm 2030. Việc chuyển đổi số tốt sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, góp phần xây dựng đô thị thông minh và thịnh vượng.

Trung tâm điều hành giao thông thông minh ở TP Hồ Chí Minh. (Nguồn: hcmcpv.org.vn) 

Đến 2030, TP trở thành đô thị thông minh

Thực hiện lộ trình chuyển đổi số, theo thông tin tại Hội nghị công bố Chương trình Chuyển đổi số và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP, TP đặt ra tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số là đến năm 2030, TP trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp (DN) số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. 

Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và DN hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Thông tin của người dân, DN được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu TP. Kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ người dân và DN có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.

Mục tiêu cơ bản đến 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%. Tỷ lệ người dân và DN có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.

TP xác định sẽ tập trung vào 10 lĩnh vực trọng tâm phát triển kinh tế số là: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nhân lực. Cùng với đó, TP sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số tại các DN, đặc biệt DN công nghệ thông tin và truyền thông trong tiên phong nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ số.

Thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển bền vững

Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số, TP Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện. Theo đó, thời gian gần đây tại TP đã diễn ra nhiều chương trình, sự kiện thể hiện quyết tâm của TP trong thực hiện chương trình Chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, dựa trên hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với việc tổ chức công bố Chương trình Chuyển đổi số và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP, TP Hồ Chí Minh đang tiến hành xây dựng kế hoạch số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính quyền. Các hồ sơ điện tử về dịch vụ công được quản lý bằng các hệ thống quản lý hồ sơ. Các loại văn bản hành chính cần được hỗ trợ khai thác, sử dụng bởi các hệ thống khai phá văn bản. Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống thu thập và tổ chức lưu trữ các báo cáo của thành phố cùng đơn vị trực thuộc; xây dựng hệ thống tự động phân tích văn bản báo cáo và đưa ra các nhận định, thống kê phục vụ sự chỉ đạo, điều hành nhanh chóng, kịp thời. Tiếp tục hoàn thiện nền tảng xử lý dữ liệu giúp hoàn thiện hơn quy trình tích hợp, xử lý dữ liệu hiện có, hướng đến xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở của thành phố. Đây có thể là những bước đi đầu tiên quan trọng và sáng tạo trong chiến lược chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh.

Vừa qua UBND TP cũng hợp tác cùng Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội – Viettel triển khai và ra mắt Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh. Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh hướng đến 2 mục tiêu là tạo ra không gian để người dân TP tham quan, trải nghiệm các sản phẩm, công nghệ số, chính quyền điện tử, đô thị thông minh qua đó nhìn được bức tranh tổng thể về quá trình chuyển đổi số và cảm nhận được những dịch vụ công, quyền lợi người dân sẽ được thụ hưởng trong tương lai khi chính quyền TP đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong quá trình xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. Đồng thời tạo ra khu vực cho các DN công nghệ trên địa bàn TP trình diễn các sản phẩm, công nghệ số phục vụ Chương trình chuyển đổi số của TP. 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TP là nền tảng để TP từng bước hình thành và phát triển Trung tâm Chuyển đổi số TP. Trong tương lai, TP sẽ xây dựng và phát triển Trung tâm Chuyển đổi số TP với nhiệm vụ và chức năng quan trọng, đặc biệt là có thể thay đổi tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số thông qua việc để người dân và DN được trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ, tiện ích do chuyển đổi số mang lại. Từ đó, tăng cường sự tham gia của người dân và DN trong việc giám sát, góp ý cho chính quyền TP hoàn thiện Chính quyền số hướng đến xây dựng TP trở thành đô thị thông minh.

Chính quyền Thành phố cam kết thực hiện vai trò kiến tạo, hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng thông tin, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp công nghệ số trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo và cho ra đời các sản phẩm số phục vụ quá trình phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành của Thành phố.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tổ chức công bố chương trình chuyển đổi số nhằm tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trên địa bàn. Ảnh: hcmcpv.org.vn 

Cùng với đó, Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) đã công bố chương trình chuyển đổi số nhằm tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trên địa bàn TP tiếp cận với các gói giải pháp chuyển đổi số phù hợp. Chương trình với mục tiêu lớn nhất là làm sao thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy những ứng dụng do chính các DN công nghệ thông tin tại TP phát triển cho cộng đồng DN. Từ đó, từng bước xây dựng nền kinh tế số, dần chuyển đổi DN kinh doanh theo hình thức truyền thống sang các kinh doanh trên nền tảng số. Chương trình bước đầu hỗ trợ miễn phí sáu tháng đầu tiên cho 300 DN sử dụng ứng dụng chuyển đổi số X-Starter, X-SME, giảm 20% trong sáu tháng tiếp theo. Bên cạnh đó sẽ tổ chức các chương trình hội thảo nâng cao nhận thức của DN về chuyển đổi số…. Qua đó, giúp DN vừa và nhỏ tiếp cận giải pháp chuyển đổi số, nâng cao sức cạnh tranh cho DN mình.

TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên công bố đề án xây dựng đô thị thông minh, đồng thời cũng là địa phương đầu tiên công bố đề án chuyển đổi số. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho điều này phản ánh nỗ lực, khao khát của TP là chọn con đường phát triển bằng phát huy trí tuệ của mình, phát huy sức mạnh của công nghệ thông tin, truyền thông, của trí tuệ nhân tạo. Với những định hướng phát triển một cách vững chắc theo hướng kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ là nền tảng để TP giữ vững vai trò là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao./.

AD (th)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực