Ứng dụng công nghệ đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử

Thứ tư, 13/07/2022 14:40
(ĐCSVN) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng chính quyền điện tử, thời gian qua, nhiều địa phương đã và đang triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Những lợi ích căn bản mà chính quyền điện tử đã mang lại, đó là: Làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan và chính quyền các cấp; tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước được nâng lên.

Người dân và doanh nghiệp được các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tối đa doanh nghiệp và người dân phải đến trực tiếp các cơ quan chính quyền khi thực hiện các thủ tục hành chính. Thông qua hệ thống các ý kiến góp ý, phản hồi của người dân, doanh nghiệp các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức, các quy trình nghiệp vụ,... để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tiết kiệm thời gian và chi phí trong thực hiện nhiệm vụ.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng chính quyền điện tử, thời gian qua, nhiều địa phương đã và đang triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ để đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh An Giang và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tham quan Trung tâm IOC tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo

Trung tâm IOC - Bước đi tiên phong của chính quyền điện tử

Giải pháp ứng dụng công nghệ để xây dựng chính quyền điện tử tại nhiều địa phương trong thời gian qua là việc xây dựng và đưa vào vận hành các Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Đây được coi là hệ thống nền tảng cốt lõi quan trọng, kiểu mẫu, góp phần nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành của các tỉnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Theo đó, IOC là một hệ thống công nghệ thông tin bao gồm cơ sở hạ tầng, phần cứng, phần mềm có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị. IOC sẽ phục vụ đắc lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực. Từ đó, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc.

Thời gian qua, nhiều Trung tâm IOC các tỉnh Long An, Quảng Ngãi, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu… đã được đầu tư đưa vào vận hành. Gần đây nhất, UBND tỉnh An Giang vừa phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức ra mắt và đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang.

Trong giai đoạn thử nghiệm, Trung tâm điều hành thông minh tỉnh An Giang tích hợp 10 lĩnh vực gồm phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội, giải quyết thủ tục hành chính, quản lý văn bản điện tử, giáo dục, y tế, du lịch, lưu trú, hệ thống camera an ninh, giám sát thông tin mạng xã hội và tiếp nhận phản ánh của người dân. 

Trong thời gian tới, IOC tỉnh An Giang sẽ là nền tảng kết nối toàn bộ hạ tầng thông tin số, tích hợp và xử lý các luồng thông tin từ các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, hình thành những hệ thống thông tin và tập trung hóa dữ liệu toàn tỉnh phát triển hoàn thiện Trung tâm tích hợp dữ liệu; cùng với các cơ sở dữ liệu có sẵn và các cơ sở dữ liệu sẽ đầu tư thêm được tích hợp, phân tích và khai thác tạo ra "bức tranh số" phản ánh toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh được nhanh chóng và đạt hiệu quả cao.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trung tâm là khởi đầu cho một quá trình xây dựng, phát triển lâu dài trong tiến trình phát triển đô thị thông minh, xây dựng chính quyền số của tỉnh. Các tính năng, dịch vụ của IOC cũng sẽ giúp tăng tính tương tác giữa người dân với chính quyền, góp phần cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử

Hà Nội đang đặc biệt chú trọng thúc đẩy việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Thời gian vừa qua, TP đã đẩy mạnh nhiều giải pháp để ứng dụng công nghệ thông tin và điều hành, giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, phát triển chính quyền điện tử hướng tới mục tiêu hình thành chính quyền số TP Hà Nội tương tác, minh bạch, hoạt động hiệu quả.

Công an TP Hà Nội hướng dẫn người dân thao tác thủ tục cấp hộ chiếu trên môi trường điện tử. Ảnh: VGP/Minh Anh 

TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng TP. Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Kế hoạch hướng tới mục tiêu hoàn thành xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số TP. Hà Nội hoạt động minh bạch, hiệu quả, cung cấp các dịch vụ của cơ quan nhà nước dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Theo Kế hoạch, TP. Hà Nội tập trung vào hoàn thiện cơ chế chính sách về xây dựng, phát triển, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử phù hợp với định hướng của Chính phủ và hướng dẫn của bộ, ngành. Đồng thời đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, cụ thể: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hoá trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thoả thuận, phù hợp tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương…

Tỉnh thái Bình cũng đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực quan trọng, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử với mục tiêu nâng cao mức độ hài lòng của người dân, bảo đảm tính công bằng, chuẩn mực trong quản lý nhà nước. Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình, hiện nay Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đã được đầu tư nhiều máy chủ có cấu hình cao, thiết bị mạng, thiết bị tường lửa lớp mạng, thiết bị và phần mềm bảo mật nên cơ bản đáp ứng để cài đặt, triển khai các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

Thái Bình cũng đã hoàn thành xây dựng hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh, đã kết nối chia sẻ các hệ thống thông tin, cơ sơ dữ liệu của tỉnh thông qua hệ thống LGSP và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (NGSP) của Quốc gia. Bên cạnh đó, 100% cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ, kết nối mạng diện rộng của tỉnh và kết nối internet tốc độ cao. Ngay từ năm 2018, tỉnh Thái Bình đã thực hiện xây dựng Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh để chia sẻ, khai thác phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước.

Hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị đang triển khai bước đầu quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, tạo tiền đề cho chuyển đổi số đem lại những hiệu ứng tích cực. Ngành y tế đưa vào sử dụng sổ sức khỏe điện tử, phần mềm về quản lý F0 tại nhà, hay như các ứng dụng về quản lý dịch tễ, khai báo y tế, nền tảng tiêm chủng trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong lĩnh vực giáo dục, đang triển khai nhiều công nghệ mới phục vụ giảng dạy như phần mềm quản lý thư viện, phần mềm thiết kế bài giảng điện tử Elearning, phần mềm quản lý ngân hàng đề thi… Trong lĩnh vực giao thông vận tải, từ hơn một năm nay, tỉnh Thái Bình đưa vào vận hành hệ thống camera thông minh giám sát giao thông, kết hợp hỗ trợ công tác an ninh, trật tự tại thành phố Thái Bình và năm cửa ngõ ra vào tỉnh...

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình Đỗ Như Lâm: Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các cơ quan, đơn vị, các lĩnh vực, ngành nghề sẽ thúc đẩy quá trình xây dựng chính quyền điện tử một cách nhanh chóng và đồng bộ. Đây chính là nền tảng vững chắc cho việc chuyển đổi số trong tương lai ở địa phương./.

Lam Yến (th)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực