Ứng dụng công nghệ để chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn

Thứ tư, 01/09/2021 14:25
(ĐCSVN) - Để phòng, chống dịch COVID-19, phương châm được đặt ra hiện nay là 5K + Vaccine + công nghệ; trong đó, công nghệ là công cụ hỗ trợ ngành Y tế phòng, chống dịch hiệu quả hơn, đồng thời là phương tiện để người dân chủ động phối hợp với ngành Y tế trong phòng, chống dịch.

TP. Hồ Chí Minh nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin và hỗ trợ người dân trong giai đoạn giãn cách

Dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua diễn biến phức tạp với số lượng ca nhiễm tăng cao, tình trạng sức khỏe bệnh nhân chuyển biến nhanh chóng. Giãn cách kéo dài cũng khiến nhiều người dân gặp khó khăn trong cuộc sống. Điều này đặt ra yêu cầu cho thành phố phải nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin từ người dân, cơ sở y tế và điều phối lực lượng, phương tiện cấp cứu kịp thời. Ứng dụng công nghệ là một trong những giải pháp được thành phố triển khai nhanh chóng để “kết nối”, tiếp cận với người dân.

Với thực tế này, lãnh đạo thành phố chỉ đạo di dời toàn bộ bộ phận Tổng đài 115 về đặt tại Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) để tăng công suất từ 14 đường truyền lên 40 đường truyền và có thể mở rộng hơn khi cần. Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm cấp cứu 115, VNPT thành phố và Công viên phần mềm Quang Trung đã tập trung tối đa nguồn lực kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở vật chất để thiết lập hệ thống Tổng đài cấp cứu 115 dã chiến tại QTSC.

Các tổng đài viên tại Trung tâm cấp cứu 115 dã chiến gồm nhiều lực lượng như sinh viên y khoa, nhân viên xe khách Phương Trang, thanh niên tình nguyện… hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. (Nguồn ảnh: TTXVN) 

Bác sỹ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống được nâng cấp dựa trên những công nghệ sẵn có. Thành phố có hệ thống tổng đài ứng cứu các tình huống khẩn cấp (tích hợp 3 đầu số 113 – 114 – 115); hệ thống quản lý người F0 (thuộc Trung tâm điều hành của Sở Y tế); hệ thống điều phối cấp cứu. Ba hệ thống này đã có sẵn, trong giai đoạn cấp bách này đã được kết nối lại với nhau về dữ liệu, bản đồ, tính năng, điều phối... để hình thành nên Trung tâm cấp cứu 115 dã chiến.

Cùng với đó, thực trạng giãn cách xã hội đã kéo dài, nhiều người dân thành phố gặp khó khăn về đời sống. Sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong chăm lo đời sống người dân đôi khi chưa bao phủ hết, khiến nhiều hộ chưa được hỗ trợ, tiếp cận. Thành phố đã nhanh chóng triển khai tích hợp các kênh vào Cổng thông tin 1022 (Tổng đài 1022) để hỗ trợ, hướng dẫn người dân các vấn đề liên quan đến đời sống.

Với sự tham gia của 86 đơn vị và 625 đầu mối xử lý là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng thành phố, Cổng thông tin 1022 đang tiếp nhận các loại thông tin liên quan đến dịch COVID-19 như: phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm các quy định phòng, chống dịch COVID-19; kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống dịch COVID-19.

Theo ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh , mục tiêu lớn nhất của Cổng thông tin 1022 là giúp đỡ, tạo thuận tiện cho người dân khi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 được các cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời. Thành phố cũng thực hiện giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hướng đến mục tiêu chung “không một người dân nào bị bỏ lại phía sau” trong “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 trên địa bàn.

Thừa Thiên Huế ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát phương tiện giao thông, phòng, chống dịch

 Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Thừa Thiên -Huế đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đối với các phương tiện giao thông lưu thông trên địa bàn tỉnh.

Tại Chốt Kiểm soát dịch COVID-19 ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, các phương tiện giao thông dừng để khai báo y tế theo quy định. từng loại xe lưu thông trên địa bàn tỉnh được cấp các thẻ màu khác nhau. Cụ thể, phương tiện chở khách/hàng hóa từ vùng không có dịch và xe công vụ vào Thừa Thiên - Huế sẽ được cấp phù hiệu màu xanh. Những xe chỉ đi ngang qua, không dừng đón, trả khách hay hàng hóa trên địa bàn tỉnh với thời gian lưu thông không quá 3 giờ, được camera ghi nhận tại điểm đầu vào và điểm đầu ra Thừa Thiên - Huế sẽ được cấp phù hiệu màu vàng. Những phương tiện đến từ vùng dịch sẽ cấp phù hiệu màu đỏ; lái xe được phép điều khiển phương tiện đến nơi giao nhận hàng do chủ doanh nghiệp đăng ký trước với cơ quan chức năng và tuyệt đối không được tiếp xúc với người dân địa phương; cấm dừng, đỗ phương tiện dọc đường hoặc bốc dỡ hàng hóa ngoài địa điểm đã được đăng ký.

Việc bố trí các chốt kiểm soát xe tải chở hàng hóa, xe ô tô chở khách, xe ô tô cá nhân ở hai khu vực nằm cách nhau riêng biệt. Nhờ đó, quá trình thực hiện không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1A. Các phương tiện chỉ dừng tại các chốt khoảng 15 -20 phút là có thể giải quyết xong thủ tục để tiếp tục di chuyển. Điều này tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân; đồng thời, góp phần hạn chế việc lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng cũng như ở các khu công nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Xuân Sơn, nhằm đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đối với các phương tiện lưu thông trên địa bàn tỉnh, địa phương đã áp dụng đồng thời việc kiểm soát dựa vào khai báo y tế, kết hợp với áp dụng kiểm soát bằng công nghệ. Hệ thống camera được lắp đặt trên các tuyến đường và căn cứ vào các loại thẻ để giám sát mức độ tuân thủ quy định của người điều khiển phương tiện giao thông. Nhờ vậy, việc lưu thông của các phương tiện diễn ra thuận tiện, đặc biệt là việc giao nhận hàng hóa tại các nhà máy, khu công nghiệp không bị ách tắc, gián đoạn. Từ khi áp dụng đến nay, hệ thống camera giám sát được hơn 75.000 phương tiện lưu thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế và đã phát hiện hơn 5.000 lượt xe vi phạm.

Bình Thuận ra mắt nền tảng bản đồ số kết nối thông tin nguồn lực phòng, chống dịch

Bản đồ số “Chạm yêu thương” là sản phẩm ứng dụng công nghệ số trong việc kết nối thông tin nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với đầy đủ thông tin về nguồn lực cần hỗ trợ của 124 xã, phường, thị trấn trong tỉnh giúp việc kết nối, hỗ trợ nguồn lực đến các địa phương được nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả hơn.

Ở giai đoạn 1, bản đồ số “Chạm yêu thương” được sử dụng trên nền tảng giao diện trang thông tin điện tử (chamyeuthuong.vn), chính thức hoạt động từ ngày 5/8. 

Bản đồ số có các thông tin nhu cầu tiếp nhận và phân phối được cập nhật chính xác, liên tục. Thông qua bản đồ số này, các địa phương cần hỗ trợ sẽ cập nhật nhu cầu căn cứ theo danh mục hàng hóa đã được liệt kê. Từ đó, các tổ chức, cá nhân, hội nhóm thiện nguyện sẽ truy cập bản đồ số, tìm kiếm và lựa chọn đơn vị phù hợp để hỗ trợ theo danh mục hàng hóa mà địa phương yêu cầu. Sau đó, bản đồ số sẽ thể hiện tình trạng hỗ trợ cũng như mức độ cần thiết của nhu cầu tại địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Bình Thuận Nguyễn Quốc Huy cho biết, bản đồ số “Chạm yêu thương” là một trong những sản phẩm ý nghĩa của chương trình “Chạm những yêu thương” do Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn triển khai. Bản đồ số sẽ giúp cho việc kết nối các nguồn lực xã hội hỗ trợ công tác phòng, chống dịch nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả hơn, rút ngắn khoảng cách giữa người sẵn sàng hỗ trợ với người mong muốn được hỗ trợ.

Thời gian tới, bản đồ số tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện các tiện ích bổ sung (như liên kết mạng xã hội, gọi điện trực tiếp, thông báo đầy, xác thực trực tuyến...) để tiến tới trở thành địa chỉ tin cậy kết nối các nguồn lực hỗ trợ cộng đồng, trọng tâm là người dân, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, yếu thế về cơ hội phát triển và những trường hợp đặc biệt cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng.

Thanh Hóa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát dịch COVID-19

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng trang thông tin chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh và ứng dụng Smart Thanh Hóa, góp phần kiểm soát công tác phòng, chống dịch.

Khi cài đặt ứng dụng Smart Thanh Hóa trên nền tảng di động, người dân có thể theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh của thế giới, trong nước và địa phương; đồng thời cập nhật liên tục các văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh Thanh Hóa về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, người sử dụng có thể nắm được thông tin về lịch sử di chuyển của ca bệnh cũng như các trường hợp liên quan, thông tin vùng cách ly y tế, chốt kiểm soát... không di chuyển đến các điểm nóng, tránh lây nhiễm dịch. Phần mềm này cũng cho phép người dân phản ánh về các trường hợp nghi mắc COVID-19 hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Bên cạnh đó, phần mềm này cũng giúp nhà quản lý tăng cường kiểm soát thông tin mạng để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp đăng tải thông tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận về tình hình dịch trên địa bàn tỉnh; kiểm soát đối với các trường hợp cách ly tại nhà hoặc các điểm cách ly tập trung.

Ông Trần Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh khuyến khích nhiều người cài đặt ứng dụng này, đặc biệt đối với cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, công nhân, người lao động./.

Ngọc Diệp (tổng hợp)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực