Ứng dụng công nghệ thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn

Thứ sáu, 08/10/2021 14:38
(ĐCSVN) – Du lịch nông thôn ở nước ta có tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch này hiện nay cần có những giải pháp chuyển đổi số một cách phù hợp, các sản phẩm công nghệ hỗ trợ tối đa cho người nông dân nhằm đưa sản phẩm nông nghiệp nông thôn tới thị trường khách du lịch.

Du lịch nông thôn đang trên đà phát triển 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, tiềm năng phát triển du lịch nông thôn tại Việt Nam là rất lớn. Nhiều địa phương đã có mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để nâng cao đời sống, thu nhập người dân nông thôn, đặc biệt là Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… Các mô hình không chỉ đem lại kinh tế mà bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, an sinh xã hội ở các địa phương.

Hiện có 3 loại hình du lịch nông thôn, đó là du lịch canh nông, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Với những tiềm năng, thế mạnh, các hợp tác xã, các chủ trang trại tại địa phương đã có ý tưởng liên kết các trang trại xây dựng thành tour du lịch cộng đồng với nhiều mô hình hấp dẫn, như du lịch trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông dân, du lịch sinh thái, câu cá... Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng xây dựng các tour du lịch nông nghiệp, đưa khách tới những khu vực sản xuất nông nghiệp có không gian, cảnh quan, môi trường văn hóa mang đặc trưng của vùng nông thôn Việt Nam.

Làng nghề dệt lụa Hồng Tiến - Nha Xá, một địa chỉ du lịch trải nghiệm nổi tiếng của xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên (Hà Nam). (Ảnh: TN/CPV) 

Trong khi đó, sản phẩm du lịch cộng đồng ở nước ta cũng rất phong phú, đa dạng như: Du lịch văn hóa tại cộng đồng, du lịch làng nghề thủ công mỹ nghệ, du lịch trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại cộng đồng... Còn loại hình du lịch sinh thái đã phát triển tại một số địa phương, chủ yếu tập trung ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động du lịch nông thôn đã đóng góp tích cực cho cả ngành du lịch và khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển. Cụ thể, du lịch nông thôn góp phần tạo ra bản sắc, tính độc đáo của điểm đến và sản phẩm du lịch Việt Nam tạo ra tour tuyến mới, mở rộng không gian du lịch. Bên cạnh đó, du lịch nông thôn phát triển đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương như góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đồng thời còn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM bền vững.

Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.

Phát triển du lịch nông thôn - cần đầu tư cho phát triển công nghệ

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon Asset, hiện nay mô hình du lịch nông nghiệp – nông thôn Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh, tuy nhiên, phần lớn là do người dân địa phương tham gia và phát triển sản phẩm dịch vụ liên quan đến du lịch. Họ chưa có đủ điều kiện tiếp cận công nghệ mới để ứng dụng quảng bá sản phẩm của mình. Trong khi đó, các nền tảng quảng bá du lịch nông nghiệp – nông thôn lại không kết nối được với nhau. Chính bởi vậy cần xây dựng một nền tảng chung, kết nối tất cả điểm lẻ tẻ này, cộng với ứng dụng công nghệ thực tế ảo và các ứng dụng du lịch thì mới hỗ trợ tốt cho quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Phát triển nông nghiệp gắn du lịch cộng đồng đang mang lại hiệu quả cao. (Ảnh: HNV) 

Từ sự khác biệt tính chất giữa nông thôn và đô thị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt khẳng định, cần có những giải pháp chuyển đổi số một cách phù hợp, các sản phẩm công nghệ phải hỗ trợ tối đa cho người nông dân một cách thuận tiện, dễ hiểu, dễ làm nhất. “Để tránh việc trùng lặp của các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số cần chọn lựa những mô hình, trào lưu mới. Đồng thời, du lịch nông nghiệp nông thôn cần tận dụng nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để địa phương có thể phát triển ngành Du lịch nông thôn bản địa” - Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, ứng dụng công nghệ số là công cụ, giải pháp kết nối nhanh nhất sản phẩm nông nghiệp nông thôn tới thị trường khách du lịch. Theo ông Nguyễn Lê Phúc, phần lớn điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn nước ta có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, chủ yếu do các hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác khai thác nên hạn chế về năng lực, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ còn thấp... so với các ngành và lĩnh vực khác. Do đó cần có sự hỗ trợ tích cực của nhà nước, của các chuyên gia để chuyển đổi số ở khu vực nông thôn đi vào thực chất, hiệu quả. Phải làm sao để thực hiện các kết nối và xây dựng các ứng dụng để bà con nông dân ở những vùng nông thôn, vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận công nghệ số, tiếp cận thị trường du lịch dễ dàng nhất.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, vừa qua Tổng cục Du lịch đã xây dựng các nền tảng số để hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và khách du lịch, người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ, thực hiện giao dịch thương mại điện tử như Trang vàng Du lịch Việt Nam, website Sản vật Việt Nam... Phát triển ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn để phục vụ du khách đi du lịch an toàn trong bối cảnh mới. Theo ông Nguyễn Lê Phúc, xây dựng các ứng dụng công nghệ cho du lịch nông thôn cần có sự gắn kết với tổng thể du lịch Việt Nam, với khu vực đô thị và trung tâm gửi khách. Từ đó tạo ra mạng lưới sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn khách du lịch, hỗ trợ cho khai thác hiệu quả du lịch nông thôn.

Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút khu vực tư nhân đầu tư cho phát triển công nghệ nói chung và ứng dụng công nghệ phát triển du lịch ở nông thôn nói riêng, thu hút lực lượng thanh niên nông thôn được đào tạo về công nghệ, du lịch trở lại phục vụ quê hương./.

Thanh Hà
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực