Ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng

Thứ sáu, 29/07/2022 16:04
(ĐCSVN) - Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua qua, nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó, việc sử dụng camera tích hợp AI giám sát cháy rừng, bảo vệ rừng được coi là một giải pháp hiệu quả.

Cà Mau: “Mắt thần” giám sát, phát hiện sớm cháy rừng tại U Minh Hạ

Tại Cà Mau, Hệ thống camera chuyên dụng đã được lắp đặt ở miệt rừng U Minh Hạ, hỗ trợ tích cực cho lực lượng chuyên trách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2022.

Hệ thống camera thử nghiệm được lắp đặt trên độ cao 26m tại các chòi quan sát ở Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt và Phân khu Hành chính dịch vụ của Vườn quốc gia U Minh Hạ. Camera gồm 4 mắt, trong đó có 2 mắt quét nhiệt và 2 mắt ghi hình ảnh.

Nhờ tính năng xoay được 360 độ nên các camera hỗ trợ giám sát cả ngày lẫn đêm với tầm nhìn lên đến 5km, phạm vi quan sát khoảng 2.500 ha rừng. Với độ phân giải 4K, hình ảnh ghi nhận từ hệ thống “mắt thần” ở U Minh Hạ có thể phóng to chi tiết khu vực từ 30-40 lần để chụp ảnh, ghi hình, quan sát được các vật thể, vệt khói ở khu vực xa, phát hiện các đám cháy rừng ngay khi mới bắt đầu. Khi có cháy, hệ thống camera sẽ phát âm thanh báo động và truyền hình ảnh về máy chủ đặt tại trung tâm điều khiển qua màn hình tivi hoặc smartphone của từng cá nhân đang làm nhiệm vụ canh lửa mùa khô. Lực lượng ứng trực khi đó sẽ kiểm tra vị trí thực tế để xác định có phải là đám cháy không, nếu có cháy sẽ thông báo kịp thời cho lãnh đạo đơn vị điều động phương tiện, lực lượng đến hiện trường ứng cứu, dập lửa.

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, trong tổng số hơn 40.000 ha rừng tràm và rừng trên cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, đến nay đã có gần 3.000 ha cảnh báo cháy ở cấp độ III (nguy cơ cháy lớn) và gần 500 ha báo cháy ở cấp độ IV (cấp nguy hiểm, nguy cơ xảy ra cháy bất kỳ thời điểm nào). Các khu vực báo cháy cấp độ IV tập trung chủ yếu ở lâm phần xã Trần Hợi và Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời.

Riêng tại Vườn quốc gia U Minh Hạ, trong tổng số hơn 8.000 ha rừng tại đây, hiện có hơn 1.200 ha báo cháy cấp độ III.

Quảng Bình: Camera tích hợp AI giám sát cháy rừng, bảo vệ đường dây truyền tải điện

Nhằm phòng chống cháy rừng, bảo đảm an toàn lưới điện, Truyền tải điện Quảng bình cũng đã đề xuất Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) cho lắp đặt 13 camera tích hợp AI trên những vị trí cột cao để giám sát, bảo vệ đường dây.

Truyền tải điện Quảng Bình được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành lưới điện truyền tải quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, các tuyến đường dây 220 - 500 kV đi dọc theo dãy Trường Sơn, xa khu dân cư và có nhiều cánh rừng trồng và tự nhiên nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng về mùa khô.

Ảnh minh họa. 

Toàn bộ đường dây 220 - 500 kV Truyền tải điện Quảng Bình quản lý và vận hành đi qua 6 huyện thị với 42 xã, phường, lâm nông trường có rừng; hành lang lưới điện chủ yếu nằm trên diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp, đi qua vùng đồi núi dọc theo dãy Trường Sơn, nơi có nhiều nguy cơ xâm hại gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý vận hành an toàn của lưới điện, trong đó có việc khai hoang, đốt thực bì từ tập quán canh tác của người dân dọc tuyến đường dây sau khi phát dọn, khai thác keo, tràm, thu hoạch rừng trồng; tổ chức đốt không có kiểm soát, không thu dọn… gây cháy lan đe dọa đến sự cố đường dây.

Việc lắp đặt các camera tích hợp AI trên các vị trí cột cao để giám sát cháy rừng và các hiện tượng bất thường đã phát huy tác dụng, hiệu quả giúp đơn vị sớm phát hiện đám cháy để khống chế, các hiện tượng xâm hại để ngăn chặn nhằm đảm bảo vận hành an toàn lưới điện cũng như bảo vệ rừng, tiết kiệm được nhân công kiểm tra đường dây trong mùa nắng nóng và mưa bão. Đáng chú ý như, ngày 18/5/2022, camera giám sát đường dây tại vị trí 047 của đường dây 220 kV mạch 2 Đồng Hới - Đông Hà phát hiện đám cháy về phía Đông Bắc cách vị trí đặt camera 940 m. Địa điểm xảy ra đám cháy nằm về phía Đông đường dây 220 kV mạch 1 Đồng Hới - BT1 cách khoảng cột 044 - 045 khoảng cách 400 m; song song với khoảng cột trên là khoảng cột 1146 - 1147 đường dây 500 kV mạch 1 Vũng Áng - Đà Nẵng và khoảng cột 574 - 575 đường dây 500 kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh.

Sau khi nhận được thông tin cảnh báo qua phần mềm Telegram trên điện thoại thông minh, Đội truyền tải điện Đồng Hới đã huy động nhân lực đơn vị cùng các phương tiện dập lửa như: Chổi sắt, can nhựa gùi nước, xẻng đa năng đã tập trung tại vị trí có đám cháy để dập lửa. Đồng thời, đơn vị cũng đã liên hệ với đơn vị hợp đồng bảo vệ là UBND xã Lương Ninh để bố trí lực lượng cùng phối hợp khống chế đám cháy, không cho cháy lan vào hành lang lưới điện, cũng như những cánh rừng trồng của các hộ dân xung quanh.

Hà Nội: Sớm nhân rộng hệ thống camera giám sát để quản lý tốt diện tích rừng Thủ đô

Huyện Sóc Sơn  (Hà Nội) có hơn 4.500ha rừng, chủ yếu là rừng thông, bạch đàn có thảm thực bì dày khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Do vậy, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội vừa thí điểm lắp đặt ở đây hệ thống camera giám sát rừng nhằm nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng và cảnh báo sớm cháy rừng. Sau thời gian thí điểm tại Sóc Sơn, Chi cục sẽ nhân rộng công nghệ này trên địa bàn các huyện, thị xã có rừng còn lại để quản lý tốt diện tích rừng hiện có của Thủ đô.

Camera được lắp đặt tại 6 vị trí thuận lợi, dễ kiểm soát, như: Đồi sim Hàm Lợn (xã Nam Sơn), núi Sóc (xã Phù Linh), khu sinh thái Thiên Phú Lâm (xã Minh Phú), đường 35 (xã Quang Tiến)… Hệ thống camera có độ phân giải cao, tính năng xoay 360 độ, hỗ trợ giám sát rừng 24/24 giờ trong phạm vi bán kính 10km. Khi camera phát hiện các vệt khói, điểm phát lửa sẽ tự động phân tích truyền dữ liệu về máy tính chủ để cảnh báo cho lực lượng kiểm lâm triển khai phương án xử lý.

Qua giai đoạn chạy thử đã cho thấy những hiệu quả bước đầu trong công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn huyện. Hệ thống này hoạt động 24/24 giờ và truyền hình ảnh về màn hình lớn đặt tại Chi cục Kiểm lâm hoặc qua điện thoại thông minh, máy tính bảng của từng cán bộ kiểm lâm có kết nối internet. Khi phát hiện cháy rừng, việc xác định vị trí, loại rừng, công tác huy động lực lượng tham gia chữa cháy được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.

Được biết, sắp tới, khi hệ thống đi vào hoạt động chính thức, dữ liệu giám sát sẽ được tích hợp vào trung tâm điều hành và giám sát thông minh của Sở NN&PTNT và UBND thành phố. Qua đó, tạo thuận lợi cho lãnh đạo thành phố và Sở chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa hanh khô./.

Lam Vũ (tổng hợp)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực