Ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ trong khám, chữa bệnh

Thứ năm, 17/12/2020 15:26
(ĐCSVN) - Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn. Trong những năm tới, nhiều cơ sở y tế trên cả nước sẽ ứng dụng rô-bốt và trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh.

Xu thế chung của thế giới

Phẫu thuật nội soi bằng robot tại Bệnh viện Bình dân. (Ảnh: Thiên Lam) 

Lĩnh vực y tế trên thế giới hiện nay đã có rất nhiều các ứng dụng kỹ thuật số để giúp các cơ sở y tế và các hệ thống y tế hệ thống hoá các ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ứng dụng kỹ thuật số trong y tế rất phong phú, đáp ứng hầu hết các lĩnh vực cụ thể rất đa dạng của y tế.

Đó là: Kho dữ liệu điều tra dân số, thông tin dân số; Đăng ký hộ tịch và thống kê sinh tử;  các ứng dụng cho khách hàng; Hệ thống truyền thông khách hàng; Hồ sơ bệnh án điện tử; Hệ thống ứng phó khẩn cấp; Hệ thống thông tin tài chính và bảo hiểm y tế; Hệ thống thông tin quản lý sức khỏe (HMIS); Hệ thống thông tin nguồn nhân lực;  Hệ thống thông tin nhà thuốc; Hệ thống giám sát dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng; Hồ sơ sức khỏe được chia sẻ và kho thông tin sức khỏe; Điều trị từ xa…

Với tiềm năng và thế mạnh đó, Bộ Y tế cho biết, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế thời gian qua tại Việt Nam đạt nhiều kết quả nổi bật. Hiện nay gần như toàn bộ các bệnh viện đã có phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện, bước đầu triển khai phần mềm truyền tải và lưu trữ hình ảnh (PACS); 99,5% số bệnh viện đã kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) với cơ quan giám định và thanh toán BHYT, phục vụ giám định khám, chữa bệnh BHYT điện tử. Bộ Y tế đã triển khai thành công, có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Một cửa ASEAN. Hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử của bộ được kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ, hơn 20 bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố; công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Hệ thống thông tin quản lý y tế dự phòng, triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng trên cả nước, đã có hơn 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý.

Có thể nói, Bộ Y tế đã sẵn sàng chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hiệu quả sinh động

Ứng dụng công nghệ thông tin mang lại những hiệu quả tích cực, sinh động đối với hoạt động khám chữa bệnh trong cả nước, trong công tác quản lý và phối hợp từ các địa phương, các tuyến, thậm chí cả nước ngoài để mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh.

Là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ, từ nhiều năm trước, khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai, đưa vào sử dụng thẻ Khám chữa bệnh điện tử nhỏ gọn như thẻ ATM với rất nhiều tiện ích cho bệnh nhân. Theo đó chỉ cần sở hữu một thẻ khám chữa bệnh điện tử mua thẻ tại khoa, bệnh nhân sẽ có mã số, mã vạch và mật khẩu để có thể truy cập trang web của Bệnh viện Bạch Mai bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu miễn là có đường truyền Internet. Hiệu quả rõ rệt là mỗi lần đi khám chữa bệnh, bệnh nhân không phải mang nhiều giấy tờ, hồ sơ bệnh án, không phải chờ đợi làm các thủ tục, xét nghiệm, thăm khám lại, mà bác sỹ điều trị vẫn có thể xác định tương đối chính xác phác đồ điều trị bởi mọi thông tin bệnh án như tiền sử bệnh, triệu chứng, kết quả xét nghiệm, đơn thuốc, các chất chống chỉ định cũng như tất cả thông tin liên quan qua các lần khám chữa bệnh, điều trị... đã được lưu giữ tại hệ thống máy tính bệnh viện.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, thời gian chờ khám khi chưa ứng dụng công nghệ trung bình là 30 phút, đến nay đã giảm hơn nửa; thời gian chờ mua thuốc trước là 45 phút nay còn khoảng 10 phút; thời gian làm thủ tục xuất viện trước từ 2- 4 giờ, nay chỉ còn… 15 phút!Việc kê đơn thuốc trước đây nhiều người kêu ca về chữ bác sĩ xấu, khó đọc nay nhờ áp dụng mô hình quản lý bằng công nghệ thông tin mà đơn thuốc được in trên giấy vi tính dễ đọc, lãnh đạo bệnh viện lại dễ dàng quản lý việc kê đơn thuốc nhằm giảm tình trạng các đơn thuốc chưa hợp lý đến tay người bệnh.

Một số sở y tế đã hình thành trung tâm điều hành thông minh: Phú Thọ, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh...Có 8 bệnh viện công bố sử dụng bệnh án điện tử thay bệnh án giấy, 23 bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y học (PACS) không in phim.

Triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa”, đã kết nối 1.000 điểm cầu tư vấn khám, chữa bệnh từ xa trên cả nước, có sự tham gia của một số cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, trong đó có một số bệnh viện của nước bạn Lào và Cam-pu-chia  đã đăng ký làm bệnh viện tuyến dưới của bệnh viện lớn của Việt Nam.

Về triển khai ứng dụng rô-bốt trong y tế được ứng dụng tại một số bệnh viện lớn. Rô-bốt phẫu thuật nội soi Da Vinci, rô-bốt phẫu thuật cột sống Renaissance, rô-bốt phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty và rô-bốt phẫu thuật thần kinh Rosa.Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ngành y tế lần đầu tiên đã thí điểm “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư tại một số bệnh viện.

 Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ ứng dụng IBM WFO vào điều trị ung thư.
(Ảnh: Quang Minh)

Hướng phát triển

Theo PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, trong thời gian tới, công tác phát triển công nghệ y tế, hình thành hệ thống y tế thông minh với 3 trụ cột chính là: Hệ thống phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe thông minh, Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh và Hệ thống quản trị y tế thông minh sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, chất lượng dịch vụ y tế tại Việt Nam, tăng sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ y tế, hướng đến nền y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn cần phải khắc phục như: kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế trong ngành còn gặp nhiều khó khăn; chưa ban hành được quy định giá thành công nghệ thông tin được tính vào giá thành dịch vụ khám chữa bệnh nên thiếu kinh phí hoặc không bảo đảm kinh phí đầu tư, duy trì; chưa có chính sách đãi ngộ tốt cho cán bộ làm công tác công nghệ trong ngành y tế nên chưa thu hút được cán bộ có chuyên môn giỏi làm công nghệ y tế.

Bộ Y tế sẽ  tập trung đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ trong bệnh viện; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn, các tài liệu chuyên môn về y tế điện tử nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý và thúc đẩy ứng dụng công nghệ ngành Y tế; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung gắn liền với mã định danh, làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin, khả năng tích hợp giữa hệ thống trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để bệnh viện chủ động hoàn thiện hệ thống thông tin bệnh viện; triển khai bệnh án điện tử kết nối liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử…

P. Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực