Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Thứ hai, 19/10/2020 14:44
(ĐCSVN) - Để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, việc ứng dụng khoa học công nghệ là hướng đi tất yếu cả trước mắt và lâu dài.

Hiệu quả từ việc ứng dụng khoa học công nghệ

Sản xuất nông nghiệp hiệu quả ngày càng cao nhờ ứng dụng khoa học công nghệ.

( Ảnh: N.T).

Với ưu thế về nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình như: sản xuất giống, nuôi trồng một số sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, sản phẩm hữu cơ... đem lại hiệu quả rõ rệt. Lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản có bước phát triển đáng kể theo các nhiệm vụ, chương trình của tỉnh đầu tư như xây dựng các mô hình sản xuất cá giống, mô hình chăn nuôi tiên tiến theo quy mô cộng đồng và quy mô hộ gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điều đáng mừng là nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

10 năm qua (2010-2020) , việc ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất tại Gia Lai có nhiều bước tiến khả quan cho ngành nông nghiệp. Cùng với việc tập trung đầu tư cho công tác giống, nhằm tuyển chọn giống mới bổ sung vào tập đoàn giống vật nuôi, cây trồng chủ lực của tỉnh hoặc bản địa có ưu thế lớn về năng suất, chất lượng hoặc giá trị bảo tồn nguồn gen, tỉnh Gia Lai cũng đã đầu tư mạnh cho nội dung nâng cao kỹ thuật canh tác cây trồng, vật nuôi. Những năm trở lại đây, nguồn cây dược liệu cũng được phát hiện và nhân rộng các mô hình canh tác với hiệu quả bước đầu khả quan. Với điều kiện khí hậu và điều kiện lập địa khá đặc trưng nên Gia Lai đã hình thành một nguồn tài nguyên sinh vật khá phong phú và đa dạng, trong đó có các loài cây dược liệu rất giá trị về dược tính, giá trị kinh tế và xuất khẩu. Hiện Gia Lai có khoảng 573 loài cây dược liệu được sử dụng làm dược liệu, trong đó có 21 loài cây dược liệu được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam, có 12 loài thuộc Danh mục thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và có 35 loài cây dược liệu mới, chưa thấy có trong các tài liệu trước đây.

Bên cạnh đó, Gia Lai đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ phát triển các mô hình nuôi cá nước ngọt bằng lồng bè theo quy mô cộng đồng và quy mô hộ gia đình đối với một số loại giống cá có giá trị kinh tế rất cao như: Cá tầm, cá chình, cá lăng nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo được công ăn việc làm và tận dụng được nguồn nước sẵn có tại địa phương nên đem lại lợi ích khá cao.

Vấn đề về sở hữu trí tuệ phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp luôn được tỉnh quan tâm. Các đơn vị chuyên môn rất tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tiến hành tạo lập, đăng ký, bảo hộ và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý liên quan đến các sản phẩm thế mạnh, các đặc sản địa phương như: Gạo Phú Thiện, rau An Khê, rau An sơn-Đak Pơ, chôm chôm Ia Grai, chè Bàu Cạn, mật nhân Kbang, mật ong Gia Lai, khoai lang Lệ Cần, bò một nắng – muối kiến vàng Krông Pa...

Tiếp nối  những thành công,  Gia Lai đã triển khai xây dựng đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xác định được thế mạnh của từng vùng có thể sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các địa điểm để xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; loại hình tổ chức sản xuất là hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trong 4 năm qua còn gặp khó khăn như: chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình chưa thực sự rõ nét nên một số kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng nhưng chưa được nhân rộng; nguồn nhân lực nghiên cứu, tập quán sản xuất, tư tưởng sản xuất còn nhỏ lẻ nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong việc đổi mới công nghệ, đầu tư cho khoa học công nghệ.

Tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hồ tiêu được cấp chứng nhận VietGAP.  (Ảnh: N.S)

Để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, ngành nông nghiệp Gia Lai cần hình thành và phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ) làm hạt nhân thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.  Đồng thời, ngành cần nâng cao hiệu quả trong tổ chức sản xuất, tăng cường các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Ngoài ra, Gia Lai cũng cần có quy hoạch và định hướng để hình thành một "Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận". Trong đó, cần xác định mục tiêu tổng thể của Chương trình và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn phát triển, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng và lợi thế của tỉnh. Tuy nhiên, không nên áp dụng đồng bộ, phải linh động cách làm vì mỗi vùng có điều kiện khác nhau, đối tượng tiếp nhận công nghệ khác nhau sẽ có kết quả khác nhau.

Trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai cần tập trung đầu tư nguồn lực cho sự phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ điều kiện về năng lực để tiếp nhận và vận hành công nghệ. Đồng thời, tỉnh cần giúp người nông dân tiếp cận dần với những yêu cầu kỹ thuật canh tác, mức đầu tư, trình độ quản lý cao hơn để dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người dân. Đặc biệt là công tác tìm đầu ra cho sản phẩm, cần ổn định thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Hiện nay sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp chứng nhận đang phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm cùng loại được sản xuất theo phương thức truyền thống, đây cũng là yếu tố cần được đánh giá hết sức cẩn trọng để giảm thiệt hại sau này.

 Được biết, ngành khoa học công nghệ Gia Lai được UBND tỉnh phê duyệt triển khai 25 đề tài, dự án cấp tỉnh; 9 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Sau khi đánh giá, nghiệm thu, các đề tài, dự án được Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan chủ trì và các ngành liên quan tiến hành bàn giao cho các địa phương, đơn vị để ứng dụng vào sản xuất, đời sống.

 

X.Thu
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực