Đà Nẵng: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin (CNTT) được xem là 1 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn được Đà Nẵng ưu tiên phát triển. Những năm gần đây, thành phố tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, xem đây là động lực để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến tạo dựng nền kinh tế bền vững, có hàm lượng chất xám lớn.
Hướng đến mục tiêu ngành công nghiệp CNTT đóng góp 15% vào GRDP thành phố, Đà Nẵng đang đầu tư và thu hút đầu tư vào 6 khu công nghệ cao, khu CNTT và công viên phần mềm nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
|
Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng. Ảnh: baodautu.vn |
Trong đó, Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) đã được lấp đầy hoàn toàn, thu hút 75 doanh nghiệp đến đầu tư và đặt văn phòng làm việc, trong đó có 23 doanh nghiệp FDI. Khu CNTT tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cũng đã khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 3-2019.
Hiện tại, nơi đây đang đầu tư xây dựng dự án Nhà máy do Công ty CP Trung Nam Electronics Manufacturing Services (TNEMS) làm chủ đầu tư gồm 5 nhà máy sản xuất với quy mô 2 tầng, lắp ráp linh kiện điện tử, được thiết kế bởi các chuyên gia về kiến trúc ở thung lũng Silicon (Mỹ). Ngoài ra, Khu Công viên phần mềm số 2 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công xây dựng trong thời gian sớm nhất.
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, các doanh nghiệp CNTT vào Đà Nẵng được hưởng một số chính sách ưu đãi. Tại các khu CNTT tập trung, các doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất tùy dự án, quy mô đầu tư với thời gian ưu đãi 5-10 năm; hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi đối với sản phẩm và dịch vụ CNTT; giảm 100% trong 2 năm đầu tiên và 50% trong 3 năm tiếp theo đối với chi phí sử dụng hạ tầng cho hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, vườn ươm doanh nghiệp CNTT; giảm 50% trong 2 năm đầu tiên chi phí sử dụng hạ tầng sản xuất các dự án sản phẩm điện tử, sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và CNTT.
Các doanh nghiệp CNTT ngoài khu CNTT tập trung cũng được hưởng một số ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, theo Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, thời gian qua, thành phố đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông đồng bộ, hoàn thành các cơ sở dữ liệu, xây dựng kho dữ liệu dùng chung và cổng dữ liệu mở, phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) để giúp doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Việc xây dựng đô thị thông minh của Đà Nẵng cũng tạo nền tảng cho ngành CNTT, phục vụ chiến lược phát triển CNTT gắn liền với nền kinh tế số.
Quảng Trị: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Đến đầu tháng 10/2020, tỉnh Quảng Trị đã thu hút được 10 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với số vốn trên 860 tỷ đồng. Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM-Quảng Trị tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ là dự án nông nghiệp công nghệ cao có số vốn đầu tư lớn nhất ở tỉnh Quảng Trị với 371 tỷ đồng. Dự án do Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu nông sản FAM đầu tư, được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt quy hoạch xây dựng tháng 12/2019.
|
Trồng rau sạch trong nhà kính ở Hải Lăng, Quảng Trị. Ảnh: Trần Tuyền |
Dự án có quy mô 200 ha sản xuất các loại trái cây thanh long, chanh leo, dưa lưới đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn thông qua ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa, cơ giới hóa để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời bảo quản, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp theo công nghệ mới và tiên tiến.
Trong lĩnh vực trồng trọt còn có dự án sản xuất rau, củ quả công nghệ cao trên vùng cát ven biển ở xã Vĩnh Tú thuộc huyện Vĩnh Linh, do Công ty cổ phần Khoáng sản Quảng Trị đầu tư với số vốn 120 tỷ đồng. Mỗi năm dự án sản xuất trên 2.880 tấn các loại củ quả như: măng tây, ớt, hành, củ cải, cà tím, mướp đắng, thanh long ruột đỏ.
Các dự án nông nghiệp công nghệ cao còn lại đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn, gà. Điển hình là dự án phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong do doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tổng hợp Phước Trình đầu tư với số vốn trên 45 tỷ đồng. Dự án chăn nuôi 250 con lợn nái sinh sản và 1.200 con lợn thương phẩm kết hợp chăn nuôi gia cầm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ là một trong những ưu tiên của tỉnh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 4 vùng nông nghiệp công nghệ cao, đến năm 2030 là 10 vùng chuyên sản xuất dược liệu, rau củ, trái cây và lúa tâp trung ở các huyện: Cam Lộ, Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa.
Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Quảng Trị ưu tiên nguồn lực để xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; ban hành cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ kinh phí và đẩy mạnh xúc tiến liên kết với các doanh nghiệp đầu tư để sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.
Huế: Ưu tiên xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp 4.0
Trong năm 2020 tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu thu hút được 20 dự án với tổng vốn khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó đặc biệt ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến đầu tư lĩnh vực công nghiệp 4.0, như: Công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ sinh học…
|
Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: mt.gov.vn |
Theo đó, các lĩnh vực kêu gọi đầu tư, gồm: Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch, dịch vụ du lịch, bất động sản; hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan; công nghiệp sản xuất; kêu gọi đầu tư cho các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội (khám chữa bệnh, công nghiệp dược và vắc xin, sinh phẩm), giáo dục đào tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác trong chuỗi giá trị của Khu vực Đông Nam Á, Châu Á Thái Bình Dương.
Đặc biệt, tỉnh ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực liên quan công nghiệp 4.0, như: Công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa khai thác các giá trị văn hóa, di sản của cố đô Huế, công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ sinh học và một số ngành liên quan khác phù hợp định hướng phát triển của tỉnh.
Để đạt được chỉ tiêu nêu trên, trong kế hoạch đã đưa ra các nhiệm cụ thể, gồm: Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư đối với thị trường trong nước, ngoài nước; Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư; Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư; Đào tạo tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; Chuẩn bị điều kiện sẵn sàng về tiếp cận đất đai để triển khai các dự án trọng điểm..../.