Xây dựng đô thị thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Thứ hai, 12/10/2020 10:51
(ĐCSVN) - Đô thị thông minh là một hệ thống hữu cơ tổng thể được kết nối từ nhiều hệ thống thành phần với hệ thống trí tuệ nhân tạo xử lý thông minh, gồm mạng viễn thông số, hệ thống nhúng thông minh, các cảm biến và phần mềm để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên...

Nhằm ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp, nhiều địa phương trong cả nước đã nỗ lực xây dựng đô thị thông minh giúp cung cấp các dịch vụ công, kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp để nâng cao cuộc sống; tạo môi trường thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các ứng dụng cho thành phố thông minh. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: baotintuc.vn

*Tây Ninh: Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh đi vào hoạt động từ 3/7/2020

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Tây Ninh gồm các dịch vụ phản ánh hiện trường: Người dân có thể phản ánh mọi vấn đề bất cập của đô thị thông qua ứng dụng trên thiết bị di động 1022 Tây Ninh, giúp chính quyền đô thị tiếp nhận, giải quyết các bất cập nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Cho phép người dân theo dõi kết quả xử lý phản ánh của mình một cách công khai và minh bạch. Hệ thống giám sát, điều hành giao thông và an ninh, trật tự công cộng, hệ thống này sử dụng các cảm biến camera giúp giám sát tình hình an ninh trật tự, hỗ trợ điều hành và xử lý các tình huống đảm bảo an ninh trật tự của địa phương. Dịch vụ giám sát dịch vụ hành chính công, dịch vụ này thống kê, báo cáo kết quả thực hiện công tác giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, ngoài ra còn thống kê, theo dõi các nội dung vi phạm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hành chính công. Hệ thống báo cáo thông tin kinh tế, xã hội, tập hợp và thống kê các số liệu kinh tế, xã hội của tỉnh, hỗ trợ cho lãnh đạo UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội. Nguồn dữ liệu sẽ được tích hợp, chia sẻ với các ngành tài chính, kế hoạch - đầu tư, thuế, hải quan. Dịch vụ cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh, cảnh báo được hình thành từ các cơ quan chuyên môn đến chính quyền và người dân qua điện thoại thông minh. Dịch vụ giám sát môi trường, các thiết bị cảm biến môi trường được lắp đặt ở các khu sông, suối, các khu công nghiệp ... Dữ liệu từ thiết bị cảm biến chuyển về sẽ được hệ thống phần mềm tổng hợp, phân tích tình hình ô nhiễm môi trường, không khí, môi trường nước...

Cổng thông tin du lịch tỉnh Tây Ninh tại địa chỉ https://dulich.tayninh.gov.vn, có đầy đủ các tính năng hữu ích cho du khách, đơn vị kinh doanh du lịch và cơ quan quản lý nhà nước. Du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin về địa điểm du lịch, các địa điểm lưu trú, các địa điểm ăn uống, sự kiện nổi bật, dịch vụ y tế, ngân hàng .... Cổng này còn có các tính năng cho phép du khách đặt phòng khách sạn trước, đặt bàn trước tại các nhà hàng quán ăn hoặc tạo một lịch trình du lịch cho riêng mình.

Ngoài ra các đơn vị kinh doanh du lịch được đăng ký trên cổng sẽ dễ dàng quản lý tình hình kinh doanh tại phần quản trị. Người dùng có thể sử dụng ứng dụng Tây Ninh Tourism bằng thiết bị điện thoại thông minh trên cả hai nền tảng iOS và Android.

Sau khi đưa vào khai thác những dịch vụ cơ bản phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị có liên quan phải góp sức bổ sung số liệu vào cơ sở dữ liệu tập trung; thường xuyên kiểm tra, đối chiếu số liệu, khai thác số liệu để sử dụng vào thực tế, phát hiện các sai sót để hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh.

Để người dân quan tâm, sử dụng nhiều hơn các dịch vụ đô thị thông minh, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là cán bộ, công chức, viên chức đang thực thi công vụ phải thường xuyên cập nhật, hiệu chỉnh số liệu và làm tốt việc tiếp nhận, xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân đối với chính quyền.

*Hòa Bình: Xây dựng Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Ngày 28/9, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh khẳng định: Việc xây dựng Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Hòa Bình nhằm phục vụ cho sự hình thành đô thị thông minh tỉnh Hòa Bình tiên tiến, kiểu mẫu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, thúc đẩy nền kinh tế-xã hội phát triển bền vững. Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, thực hiện tốt công tác tổ chức quản lý, đảm bảo việc vận hành của Trung tâm, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận chức năng, cơ quan liên quan trong việc sử dụng dữ liệu được phân tích từ hệ thống phần mềm, xử lý triệt để các yêu cầu phối hợp nghiệp vụ, khai thác hiệu quả tối đa tính năng hệ thống cung cấp. Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, UBND thành phố Hòa Bình căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công thực hiện đánh giá chất lượng, hiệu quả của điều hành Trung tâm, nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nhất. Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị, sau khi chuyển giao hệ thống cho UBND tỉnh Hòa Bình quản lý và vận hành, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong quá trình vận hành, sử dụng, khai thác các nền tảng phần mềm của Trung tâm.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và Tập đoàn VNPT nhấn nút khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Nguồn ảnh: nhandan.com.vn 

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hòa Bình, thời gian qua, Sở đã phối hợp Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và VNPT Hòa Bình hoàn thành một số nội dung như: Sửa chữa, cải tạo Trung tâm giám sát, điều hành IOC đạt tiêu chuẩn, trang bị thiết bị phụ trợ đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; lắp đặt hệ thống hiển thị màn hình ghép tại trung tâm; lắp đặt hệ thống phụ trợ và công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động của Trung tâm IOC; bố trí hạ tầng với 15 máy chủ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu IDC của Tập đoàn VNPT (đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier 3) và 1 máy chủ tại VNPT Hòa Bình, hệ thống đường truyền internet tốc độ cao tại IDC, VNPT Hòa Bình và Trung tâm giám sát, điều hành IOC đảm bảo hoạt động của hệ thống; thực hiện khảo sát, phân tích, đánh giá nhu cầu quản lý, điều hành của UBND tỉnh Hòa Bình để thực hiện thu thập số liệu, kết nối dữ liệu từ các phần mềm riêng lẻ vào hệ thống phần mềm IOC từ đó tổng hợp, thiết kế các bảng hiển thị (Dashboard) giúp lãnh đạo tỉnh dễ dàng theo dõi, phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định; xây dựng hệ thống phần mềm lõi vận hành IOC, chuẩn hóa và tích hợp dữ liệu cơ bản cho 4 phân hệ dịch vụ thí điểm quản lý bao gồm các lĩnh vực: điều hành chỉ tiêu, sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống điều hành chỉ tiêu ngân sách, hệ thống điều hành y tế, hệ thống điều hành giáo dục, hệ thống tương tác chính quyền với người dân trên địa bàn thành phố Hòa Bình.

*Bắc Giang: Kết hợp xây dựng chính quyền điện tử với xây dựng đô thị thông minh

Bắc Giang đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với kinh phí thực hiện dự kiến trên 1.400 tỷ đồng, huy động từ nhiều nguồn: ngân sách Nhà nước, xã hội hóa...

Đề án ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thông minh; xây dựng các Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) của UBND tỉnh và các ngành y tế, giáo dục, công an và thành phố Bắc Giang; xây dựng, tích hợp các ứng dụng phục vụ việc quản lý điều hành; xây dựng các ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng hạ tầng dữ liệu của tỉnh, đồng thời ưu tiên tích hợp các cơ sở dữ liệu hiện có của các ngành: kế hoạch - tài chính, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công an tỉnh... vào Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2022, tỉnh Bắc Giang bước đầu xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, an toàn, đáp ứng yêu cầu triển khai đô thị thông minh, chính quyền điện tử; xây dựng, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các ứng dụng, dịch vụ thông minh trong các ngành, lĩnh vực: Kế hoạch, đầu tư, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông, tài nguyên môi trường, du lịch, lao động, nông nghiệp, công nghiệp… để phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang sẽ xây dựng hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh tại các khu vực trọng yếu trên địa bàn; phát triển hệ thống điều hành thông minh ngành giáo dục, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành giáo dục tập trung và các ứng dụng thông minh nâng cao hoạt động dạy và học, từng bước xây dựng kho học liệu số dùng chung toàn ngành; phát triển hệ thống y tế thông minh để nâng cao hiệu quả trong việc khám chữa bệnh, nâng cao công tác quản lý; phát triển hệ thống thông tin quản lý về tài nguyên môi trường để người dân có thể giám sát môi trường sống tốt hơn; tạo lập và số hóa cơ sở dữ liệu đất đai của các huyện, thành phố trong tỉnh nhằm phục vụ công tác quản lý đất đai và cung cấp được thông tin đất đai cho người dân và doanh nghiệp; phát triển hệ thống điều hành giao thông thông minh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành giao thông để nâng cao năng lực quản lý chỉ đạo, điều hành giao thông của tỉnh; xây dựng thí điểm mô hình đô thị thông minh tại thành phố Bắc Giang.

Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Bắc Giang xây dựng hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu triển khai đô thị thông minh, chuyển đổi số, chính quyền điện tử, chính quyền số; tiếp tục phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các ứng dụng, dịch vụ thông minh trong các ngành, lĩnh vực: kế hoạch, đầu tư, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông, tài nguyên môi trường, du lịch, lao động, nông nghiệp, công nghiệp…

Thành phố Bắc Giang – trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Bắc Giang, đã triển khai một số ứng dụng giao thông thông minh, mang lại tiện ích cao. Trong đó, nổi bật là việc thí điểm lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự tại các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn như: Hùng Vương, Hoàng Văn Thụ…; các địa điểm công cộng thường tụ tập đông người; các tuyến đường vào cửa ngõ thành phố… đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, tạo thuận lợi trong quản lý hệ thống đèn tín hiệu, tổ chức giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông./.

Thanh Bình (tổng hợp)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực