Tối 8/12, Đại học Quốc gia Hà Nội giao Trung tâm chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp phối hợp cùng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học, Cao đẳng Việt Nam (VNEI), Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam (SYS), Tập đoàn Sunwah, Trung tâm Tiếng Anh DOL IELTS Đình Lực tổ chức vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo Công nghệ (R&D to Start-up) 2024.
|
Đại diện các dự án trình bày ý tưởng trước Ban giám khảo và đông đảo khán giả |
Phát biểu tại vòng chung kết toàn quốc , PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nêu rõ, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh và khẳng định vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST), coi đây là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhằm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đất nước. Quan điểm này tiếp tục được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh. Theo đó, chuyển đổi số và ứng dụng KHCN là động lực mới cho sự phát triển đất nước, là chìa khoá cho phát triển ở bất kỳ lĩnh vực nào.
Trong cuộc cách mạng đó, các cơ sở giáo dục đặc biệt là giáo dục đại học đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và nuôi dưỡng tinh thần ĐMST yêu thích khoa học thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác với doanh nghiệp và phục vụ cộng đồng.
Với mục tiêu thúc đẩy sự sáng tạo KHCN của sinh viên, đội ngũ trí thức trẻ gắn với thực tiễn, thị trường, từ đó khơi nguồn ý tưởng khởi nghiệp, thương mại hóa các nghiên cứu khoa học, sáng chế, giải pháp hữu ích ứng dụng giải quyết các vấn đề của xã hội, doanh nghiệp, cuộc thi đã thu hút 206 dự án với 613 thành viên từ hơn 80 trường đại học và trung học phổ thông trên cả nước tham gia. Các dự án tham gia năm nay tập trung vào những giải pháp công nghệ mới, từ công nghệ vật liệu, môi trường, sinh học, cơ điện tử, đến các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Big Data, IoT trong quản trị doanh nghiệp.
|
Sau 3 giờ tranh tài đầy kịch tính, cuộc thi đã tìm ra các dự án xuất sắc để trao giải |
Vòng chung kết là sự kiện tranh tài trực tiếp của các đội xuất sắc nhất từ ba bảng: bảng THPT, bảng Đại học – Dự án ý tưởng và bảng Đại học – Dự án có sản phẩm. Các đội thi đã phải vượt qua 4 vòng thi cam go, với sự đánh giá kỹ lưỡng từ 30 giám khảo là CEO các doanh nghiệp công nghệ, lãnh đạo ngân hàng, các chuyên gia từ quỹ đầu tư và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Mỗi vòng thi là một thử thách lớn đối với các thí sinh, đòi hỏi các dự án không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo mà còn phải có sự chuẩn bị tỉ mỉ, chuyên nghiệp và sự hiểu biết sâu sắc về thị trường cũng như ứng dụng thực tiễn của sản phẩm, giải pháp.
Sau 3 giờ tranh tài đầy kịch tính, cuộc thi đã gọi tên các dự án để trao giải cao nhất, gồm: Mặt nạ dưỡng da chiết xuất từ rau má và rau diếp cá (bảng THPT), PURE - Bộ sản phẩm mỹ phẩm từ vi tảo và hợp chất tự nhiên (bảng Đại học – Dự án ý tưởng), Đa dạng hóa sản phẩm nấm phát triển trên nền bã thảo dược (bảng Đại học – Dự án có sản phẩm).
PGS.TS Trương Ngọc Kiểm - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi, chia sẻ: "Cuộc thi năm nay được mở rộng quy mô với sự tham gia của học sinh THPT và sinh viên trên toàn quốc. Các dự án tham dự cuộc thi năm nay có nhiều dự án chất lượng, với những giải pháp sáng tạo và có tính ứng dụng cao.
Ông Lê Đình Lực, CEO Hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English cho rằng, những cuộc thi như R&D to Start-up 2024 rất cần thiết cho những bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp bởi không chỉ là sân chơi tạo môi trường để các bạn trẻ giao lưu, học hỏi kiến thức thực tế mà còn tạo điều kiện để những ý tưởng của các bạn trở nên “cứng cáp” hơn, đáp ứng được các đòi hỏi gắt gao của hành trình startup thú vị nhưng cũng không kém phần chông gai...
|