Bảo đảm an toàn thông tin cho báo chí, truyền thông

Thứ tư, 23/10/2024 18:40
(ĐCSVN) - Các cơ quan báo chí với tài nguyên thông tin quan trọng, trong đó có những cơ quan thông tin chủ lực của quốc gia đều có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.

Ngày 23/10, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo “Bảo đảm an toàn thông tin cho công tác báo chí, truyền thông”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam nhấn mạnh: Tại Việt Nam hiện nay, đa số cơ quan báo chí đều hoạt động trên môi trường mạng, thực hiện loại hình điện tử. Nhiều cơ quan báo chí với tài nguyên thông tin quan trọng, trong đó có những thông tin chủ lực của quốc gia đều có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Đối tượng bị tấn công có thể là hệ thống thông tin, người dùng cuối trong hệ thống như cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập viên, phóng viên cơ quan báo chí, truyền thông.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. 

Vì vậy, hội thảo lần này nhằm giúp cán bộ các cơ quan báo chí truyền thông nhận thức được tầm quan trọng của bảo đảm an toàn thông tin và thêm kỹ năng cần thiết để phòng tránh các nguy cơ trên môi trường mạng.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục an toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Trên thực tế, các cơ quan báo chí, truyền thông ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ để sản xuất, lưu trữ và phân phối nội dung.

Một điểm yếu là các cơ quan báo chí dựa vào các thiết bị truyền thông được kết nối có ngưỡng bảo mật thấp. Sự chuyển đổi sang các nền tảng kỹ thuật số đồng thời mang lại tính linh hoạt và khả năng mở rộng nâng cao, cũng khiến ngành này phải đối mặt với nhiều mối đe dọa mạng hơn…

Một khía cạnh quan trọng khác cần xem xét là lượng dữ liệu khổng lồ mà các cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang xử lý. Ngoài nội dung, các cơ quan báo chí, truyền thông còn thu thập và lưu trữ rất nhiều dữ liệu người dùng, từ sở thích xem đến thông tin cá nhân và thanh toán. Dữ liệu này, nếu không được bảo vệ đầy đủ, có thể là mỏ vàng, dẫn đến những vi phạm có thể gây hậu quả nghiêm trọng về tài chính và danh tiếng.

Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục an toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ tại hội thảo.

Tại hội thảo, chia sẻ về kinh nghiệm và các biện pháp phòng ngừa, ứng cứu, đại diện Báo Vietnamnet cho hay, cơ quan báo chí cần có cơ chế kiểm soát, xác thực, giám sát người dùng, người vận hành, người quản trị các hệ thống thông tin; giám sát, kiểm tra thiết bị đầu cuối để bảo đảm an toàn thông tin tác nghiệp; sao lưu dữ liệu dự phòng đầy đủ và tuân thủ các quy định; nâng cao ý thức người dùng trong cơ quan về an toàn thông tin.

Xác định rõ các kịch bản khi có sự cố về an toàn thông tin; xác định dùng nội lực, trang bị đủ máy móc, nguồn lực, chuyên môn về kiến thức an ninh mạng; phối kết hợp, ứng cứu từ các đơn vị quản lý nhà nước về an toàn thông tin, doanh nghiệp có đủ năng lực để có các biện pháp phù hợp.

Tại hội thảo, đại diện đơn vị truyền thông cũng như chuyên gia an toàn thông tin đã chia sẻ về nguy cơ mất an toàn thông tin trên không gian mạng hiện nay rất cao. Con người đóng góp 95% khả năng rò rỉ dữ liệu, tuy nhiên rất ít người biết bảo vệ mình khi online.

Trước những nguy cơ như vậy, giới chuyên gia khuyến cáo, các cơ quan báo chí đồng thời phải thực hiện 2 trách nhiệm và sứ mệnh lớn, đó là: Tự bảo vệ cơ quan, tổ chức khỏi tấn công mạng, rủi ro an toàn thông tin mạng; truyền thông, nâng cao nhận thức cho xã hội về an toàn thông tin mạng, góp phần xây dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh, rộng khắp.

Bên cạnh đó, mỗi người cần nhìn nhận an toàn thông tin không chỉ là trách nhiệm của một số ít cơ quan chuyên trách hay doanh nghiệp an toàn thông tin mạng, mà mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều phải chịu trách nhiệm bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin của mình, coi đây là tài sản vô giá và cần phải bảo vệ. Đây là một quá trình liên tục và chúng ta phải cùng nhau hợp tác để đối phó với những mối đe dọa ngày càng phức tạp.

Đồng thời cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan báo chí, truyền thông và các bộ, ngành, địa phương. Sự phối hợp này không chỉ mở ra cơ hội chia sẻ thông tin mà còn giúp chúng ta tăng cường khả năng đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả đối với các mối đe dọa. Cơ quan báo chí truyền thông cần thể hiện trách nhiệm cũng như phát huy thế mạnh, vai trò của mình trong việc nâng cao năng lực an toàn thông tin báo chí; song hành cùng nhà nước trong tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho cộng đồng./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực