STI - Sẵn sàng hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong về KHCN và ĐMST

Thứ năm, 21/11/2024 23:12
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và cơ sở vật chất hiện đại, Viện Chiến lược Công nghệ và đổi mới sáng tạo sẵn sàng hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong về khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain đến năm 2030, ngày 24/10/2024 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký quyết định số A-2719 thành lập Viện Chiến lược Công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) nhằm huy động nguồn lực tư nhân để cùng Đảng và Chính phủ thực hiện các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Một hoạt động của Viện Chiến lược Công nghệ và đổi mới sáng tạo thu hút nhiều người quan tâm

STI có 6 mục tiêu và sứ mệnh chính đó là: Hoạch định chiến lược và chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghiên cứu xu hướng công nghệ để định hướng phát triển các ngành kinh tế trọng điểm; Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và doanh nghiệp khoa học công nghệ; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Cung cấp dịch vụ tư vấn chính sách và thông tin khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao; Đào tạo, nâng cao năng lực nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên, Viện trưởng Viện Chiến lược Công nghệ và đổi mới sáng tạo cho biết: “Giáo dục sẽ quyết định sự phát triển của một quốc gia, vì vậy mục tiêu của STI hướng đến việc trở thành một trung tâm đầu ngành về nghiên cứu, đào tạo, phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain và Fintech tại Việt Nam. STI cũng sẽ phổ cập kiến thức về Blockchain, hướng tới sự phát triển bền vững nhưng vẫn mang tính chất đột phá bởi tính xu hướng về công nghệ trong thời đại mới. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mới như Blockchain, Fintech hiện nay thường chưa hiểu rõ về pháp lý, chưa có định hướng chiến lược rõ ràng, thiếu kinh nghiệm trong việc vận hành và cách tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư trong nước cũng như quốc tế do đó, STI hợp tác toàn diện cùng Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam Singapore (VNS Capital) cũng như các đối tác giúp các startup trong lĩnh vực công nghệ Blockchain, Fintech, AI,…. có định hướng chiến lược bài bản cũng như có nguồn vốn để phát triển hiệu quả tại thị trường Việt Nam và vươn ra thế giới".

Với những nền tảng đã có từ các hoạt động trước đó của các thành viên trong Hội đồng quản lý, mỗi năm, STI sẽ tổ chức và phối hợp tổ chức hàng trăm chương trình đào tạo, hội thảo, toạ đàm về công nghệ, Blockchain, Fintech cho những người làm nghề, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ và hàng chục chương trình hội nghị dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam và cả thị trường quốc tế. 

Để đạt được các mục tiêu trên, STI xác định tập trung mở rộng đội ngũ giảng viên chuyên môn lên 50 người, đồng thời thường xuyên tư vấn phát triển các dự án về công nghệ, xây dựng chiến lược kinh doanh, thúc đẩy mở rộng phát triển quan hệ bền vững giữa các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư phi tập trung và doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ Blockchain. 

Ngoài ra, Viện cũng sẽ phối hợp với các trường đại học tổ chức các khóa đào tạo, chương trình tập huấn cấp chứng chỉ dành cho các sinh viên, các nhà làm việc chuyên môn và các startup, thúc đẩy phát triển các nền tảng học trực tuyến mở (MOOC - Massive Open Online Course) về Blockchain. 

"STI sẽ huy động nguồn lực tư nhân để cùng Đảng và Chính phủ thực hiện các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu về blockchain vào năm 2030 theo Chiến lược quốc gia", Viện trưởng Nguyễn Trung Kiên khẳng định.

Những năm gần đây, công nghệ Blockchain và Fintech đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu trên toàn cầu. Theo báo cáo của Markets and Markets, thị trường blockchain toàn cầu dự kiến đạt 39,7 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 67,3% giai đoạn 2020-2025. Còn theo Statista, doanh thu của thị trường fintech toàn cầu ước tính đạt 188 tỷ USD vào năm 2024, tăng gấp đôi so với mức 112 tỷ USD của năm 2019. 

Tại Việt Nam, Chính phủ đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của Blockchain và Fintech trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Nhiều chính sách, văn bản pháp lý đã được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của công nghệ mới. Điển hình như Quyết định 2117/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ" và Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhờ đó, hệ sinh thái blockchain và fintech tại Việt Nam đang từng bước hình thành và phát triển, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như FPT, VNG, Napas, Viettel Pay, MoMo,...

Ngày 22/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1236/QĐ/TTg về "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain đến năm 2030". Đây là dấu mốc quan trọng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng blockchain vào thực tiễn, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về phát triển blockchain vào năm 2030. Chiến lược đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: (1) Hoàn thiện khung pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; (2) Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, phát triển sản phẩm, dịch vụ dựa trên blockchain; (3) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (4) Thúc đẩy hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ; (5) Truyền thông nâng cao nhận thức xã hội. Để triển khai chiến lược, Chính phủ dự kiến huy động khoảng 4.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa khác trong giai đoạn tới năm 2030. 

Tuấn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực