|
Hệ thống giám sát động đất tại Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần. (Ảnh: BL) |
Huyện Kon Plông và khu vực lân cận xảy ra động đất thường xuyên
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), từ ngày 01/01/2024 đến 5/12/2024, Viện đã ghi nhận được 463 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,4 đến 5,0 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam. Trong số này có 59 trận động đất có độ lớn M ≥ 3.5 đã được thông báo đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng theo Quy chế của Chính phủ. Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra 427 trận động đất có độ lớn trên 2.5, với trận lớn nhất M=5.0 diễn ra ngày 28/07/2024.
Số liệu quan trắc động đất cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần suất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần tới vài trăm trận trên năm. Nguyên nhân được xác định là động đất kích thích liên quan đến việc tích nước hồ chứa.
Theo Viện Vật lý địa cầu, hiện tượng động đất kích thích này cũng đã xảy ra ở các hồ đập thủy điện khác như Hòa Bình, Sơn La, Sông Tranh 2, A Lưới… Vấn đề nghiên cứu động đất kích thích ở Việt Nam hầu như không được tiến hành cho đến khi có biểu hiện của động đất kích thích đã xảy ra tại đập thuỷ điện Hoà Bình năm 1989. Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu đang duy trì mạng trạm quan trắc động đất địa phương tại các hồ đập thuộc bậc thang thủy điện sông Đà, thủy điện Sông Tranh 2, ĐăkđRinh và Thượng Kon Tum và dự án điện hạt nhân tại Đồng Nai.
Số liệu quan trắc động đất là nguồn số liệu đầu vào quan trọng phục vụ công tác quản lý vận hành các đập thủy điện. Ngoài ra, Viện Vật lý địa cầu cũng đã thiết lập mạng trạm quan trắc động đất để đánh giá nguy hiểm động đất phục vụ Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai.
Vận hành gần 100 trạm quan trắc động đất trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, hiện Viện Vật lý địa cầu đang vận hành gần 100 trạm quan trắc động đất trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam gồm hệ thống quan trắc quốc gia và hệ thống quan trắc động đất địa phương.
Thời gian qua, Trung tâm báo tin động đất đã ghi nhận được hàng nghìn trận động đất không chỉ ở trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam, mà còn các trận động đất trong khu vực và trên thế giới. Thông tin các trận động đất có độ lớn M≥3.5 được cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời góp phần trong công tác ứng phó, giảm nhẹ thiên tai động đất, sóng thần cho quốc gia và khu vực. Thông tin các trận động đất có độ lớn M≥1.0 được cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời góp phần trong công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, an sinh xã hội và vận hành an toàn các công trình thủy điện, công trình trọng điểm trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.
Ông Xuân Anh cho biết, chuỗi trận động đất đã gây nhà cửa rung lắc mạnh, nhiều nhà bị nứt và làm cho người dân hoang mang lo sợ không chỉ ở khu vực tỉnh Kon Tum mà còn lan sang các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Gia Lai, Đà Nẵng. Thậm chí rung lắc còn được cảm nhận thấy ở các thành phố rất xa như TP. Hồ Chí Minh, Phnôm Pênh (Campuchia) (nguồn Cục Khảo sát địa chất Mỹ - USGS).
Trận động đất được đánh giá gây rung động mạnh nhất là cấp VI – VII theo thang MSK-64 trong vùng chấn tâm. Trong thời gian này, đoàn công tác Viện Vật lý địa cầu đã thực hiện tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về động đất và phòng chống động đất ở khu vực tâm chấn (các xã vùng tâm chấn như Đắk Tăng, Măng Bút, Đắk Nên, Đắk Rinh, Măng Cành) và một số địa điểm bị tác động của động đất khu vực gần tâm chấn khác.
Ông Xuân Anh cho biết thêm, Viện Vật lý địa cầu đã tổ chức các cuộc tọa đàm đối thoại trực tiếp với bà con tại địa bàn, giải thích làm sáng tỏ hơn các nội dung trong tài liệu tuyên truyền, nghe chia sẻ của bà con để đánh giá hiệu quả của một số hội thảo tuyên truyền về động đất năm 2022. Qua đó kịp thời bổ sung, giải thích, hướng dẫn người dân các kỹ năng ứng phó trong các tình huống mới, thực tế người dân đã trải qua trong động đất ngày 28/4/2024./.