Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối

Thứ bảy, 06/08/2022 16:19
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối và khuyến nghị cho Việt Nam” nhằm trao đổi, thảo luận, đưa ra những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ việc ứng dụng blockchain vào các lĩnh vực cụ thể; tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm quản lý từ các quốc gia đã đi trước về công nghệ blockchain trên thế giới.

Ngày 5/8, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối và khuyến nghị cho Việt Nam”.

Hội thảo diễn ra dưới sự điều hành của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến. Tham gia Hội thảo có các bộ, ban, ngành của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số, blockchain và đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thụy Sỹ, Singapore, Campuchia, các tổ chức tài chính quốc tế khác.

Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối và khuyến nghị cho Việt Nam” do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 5/8. (Ảnh: BT)

Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, đưa ra những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ việc ứng dụng blockchain vào các lĩnh vực cụ thể. Qua đó, tạo diễn đàn tiếp nhận những ý kiến, đề xuất chủ trương, khuôn khổ pháp lý dành cho công nghệ blockchain, đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công nghệ blockchain, cũng như lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm quản lý từ các quốc gia đã đi trước về công nghệ blockchain trên thế giới.

Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến nêu rõ, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã nhận ra tiềm năng của công nghệ blockchain và tìm cách áp dụng vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vận tải, logistics, y tế, giáo dục…

Trước làn sóng bùng nổ của công nghệ toàn cầu, với chính sách ngày càng thuận lợi, mức độ quan tâm của doanh nghiệp ngày càng tăng, thị trường blockchain Việt Nam dự báo tiếp tục tích cực. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam với sự nhạy bén nắm bắt xu hướng mới đã xây dựng được tên tuổi của mình trong lĩnh vực cung cấp nền tảng ứng dụng blockchain.

Với mục tiêu Việt Nam không bị chậm nhịp so với sự phát triển về công nghệ của nhiều nước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên nhấn mạnh đến chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.Văn kiện nhấn mạnh cần “phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”, đồng thời đặt ra yêu cầu đổi mới tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng tới mục tiêu: “đến năm 2025, kinh tế số đóng góp khoảng 20% GDP, năm 2030 khoảng 30% GDP”.

Tại Hội thảo, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản trình bày tham luận chia sẻ về “Kinh nghiệm quản lý thị trường tiền mã hóa tại Nhật Bản”; Đại diện Đại sứ quán Mỹ có bài tham luận về “Tầm quan trọng của chuỗi khối”, nêu quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ về chuỗi khối. Các tổ chức tài chính quốc tế tại Việt Nam cũng đã có những nhận định về tiềm năng phát triển của thị trường kinh tế số của Việt Nam trong thời gian tới. Qua đó, đánh giá cao vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc quản lý, hướng dẫn và định hướng phát triển kinh tế số, blockchain.

Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam, trình bày tham luận “Pháp lý về tài sản số ở quốc tế và Việt Nam”. (Ảnh:hangthat.thuonghieucongluan.com.vn)

Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, với tham luận “Pháp lý về tài sản số ở quốc tế và Việt Nam”, đã đưa ra những nhận định, phương án tối ưu hóa quá trình chuyển đổi số để nâng cao tính pháp lý, bảo mật tài sản của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi khối. Đề tài của Tiến sĩ Trần Quý được các thành viên tham gia Hội thảo đánh giá cao về tình khả thi. Sau khi được thẩm định bởi các cơ quan chuyên ngành, đây có thể sẽ là khung nền tảng pháp lý cốt lõi để các doanh nghiệp tham chiếu, vận dụng vào quá trình hội nhập nền kinh tế số, blockchain toàn cầu.

Ngay sau Hội thảo, những ý kiến, tham luận của các đại biểu sẽ được tổng hợp báo cáo Ủy ban Đối ngoại Quốc hội để tìm ra những mô hình quản lý tốt, phương án tối ưu để áp dụng vào thực tiễn; đồng thời đây cũng sẽ là cơ sở để Ủy ban Đối ngoại tham mưu cho Quốc hội về các chính sách kinh tế đối ngoại, kinh tế số./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực