Điện hạt nhân là giải pháp quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng ​

Thứ năm, 17/10/2024 20:01
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo ông Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh.
 Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN phát biểu tại họp báo. Ảnh: BL

 Chiều 17/10, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức họp báo thường kỳ Quý III/2024.

Chỉ số PII 2024 sẽ được công bố vào cuối năm 2024

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN cho biết: Trong Quý III năm 2024, Bộ KH&CN đã chú trọng xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), cụ thể: Hoàn thiện và trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và các năm tiếp theo. Hiện nay, Bộ đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị này.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các luật chuyên ngành như: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hồ sơ đề nghị xây dựng Luật KH,CN&ĐMST; hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Trình Chính phủ và Thủ tướng ban hành: Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 09/7/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; Quyết định số 709/QĐ-TTg ngày 24/7/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quyết định số 1118/QĐ-TTg ngày 07/10/2024 về thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch phát triển năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1054/QĐ-TTg ngày 29/9/2024 thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội.

Trong lĩnh vực quản lý, Bộ cũng đã ban hành theo thẩm quyền: Thông tư số 05/2024/TT-BKHCN ngày 09/7/2024 về quy định quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp thiết của địa phương, sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia; Thông tư số 06/2024/TT-BKHCN ngày 30/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Bộ đã ban hành Khung chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024 và bộ Tài liệu hướng dẫn cho các địa phương về PII năm 2024. Tổ chức Hội thảo hướng dẫn thu thập và cung cấp cơ sở dữ liệu, hồ sơ minh chứng phục vụ tính toán Chỉ số PII năm 2024. Dự kiến Chỉ số PII 2024 sẽ được công bố vào cuối năm 2024.

Bộ KH&CN cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan, địa phương nhằm thúc đẩy KH,CN&ĐMST đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của đất nước và các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo Bộ đã tham gia Đoàn công tác Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV tại các địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh; làm việc với UBND các tỉnh Bình Định và Hà Tĩnh để đánh giá kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST tại địa phương giai đoạn 2022 - 2024; đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy hoạt động này phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; làm việc với UBND thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai và kiểm tra tiến độ Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân; Làm việc với tỉnh Quảng Ngãi nhằm thảo luận về kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST và đề xuất giải pháp phát triển tỉnh dựa trên KH,Cn&ĐMST.

Trong Quý IV/2024, Bộ KH&CN tập trung hoàn thiện các dự án luật chuyên ngành, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) và hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các văn bản, đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ và các văn bản pháp luật trong thẩm quyền của Bộ trưởng; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đến năm 2025 và 2030, cùng với các chương trình ứng dụng công nghệ tại địa phương; tổ chức các sự kiện lớn như Techfest Việt Nam 2024 tại Hải Phòng, Hội nghị giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ tại Quảng Bình, Lễ trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia; Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 của ngành KH&CN.

 Điện hạt nhân là giải pháp quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng

 Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ KH&CN đã trả lời nhiều câu hỏi báo chí quan tâm thuộc lĩnh vực Bộ quản lý như: Phát triển chất bán dẫn; Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc nguồn gốc sản phẩm quốc gia; sửa đổi Nghị định 76 của Chính phủ về chuyển giao công nghệ; cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN…

Ông Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phát biểu tại họp báo. Ảnh: BL 

 Trả lời câu hỏi của báo chí về quan điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với việc nghiên cứu xu hướng phát triển điện hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ông Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho hay, trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và cân bằng CO₂ theo các cam kết tại COP26 và COP28, chuyển đổi xanh trong cơ cấu nguồn điện là rất cần thiết.

 Trong đó, xu thế của nhiều nước hiện nay là phát triển điện hạt nhân kết hợp cùng với năng lượng tái tạo. Điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong phụ tải nền, tạo ra sự tin cậy và ổn định cho hệ thống điện.

 Trong bối cảnh trên, điện hạt nhân là nguồn điện hầu như không phát thải CO2 (phát thải tương đương thủy điện và điện gió), sẽ là nguồn điện quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước thời gian tới.

 Việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam được thể hiện trong bối cảnh các chính sách phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và cam kết giảm phát thải carbon, đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

 Theo ông Minh, điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh. Như vậy, bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo, điện hạt nhân có thể giúp cân bằng nguồn cung năng lượng, đảm bảo ổn định cho nền kinh tế - xã hội trong dài hạn. “Để phát triển điện hạt nhân, việc ứng dụng các công nghệ hạt nhân tiên tiến và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cao nhất rất quan trọng”, ông Minh cho biết.

Ông Minh cũng cho biết, phát triển điện hạt nhân sẽ tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước; cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đặc biệt là thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp và tài nguyên môi trường lên tầm cao mới; thúc đẩy các ngành công nghiệp nền tảng để phát triển đất nước (cơ khí chế tạo, đo lường, tự động điều khiển, công nghệ hóa học, vật liệu thép luyện kim...).

 "Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thấy rằng, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay", ông Phạm Quang Minh nói./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực