Ngày 10/9, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến 21h ngày 09/9, bão số 3 đã gây ảnh hưởng và làm thiệt hại một số cơ sở hạ tầng viễn thông, cụ thể như sau: Đứt 7 tuyến cáp quang liên tỉnh, 12 tuyến truyền dẫn nội tỉnh; gẫy đổ 27 cột trong đó: VNPT 23 cột; Vietnamobile 4 cột (Hải Phòng 3 cột, Quảng Ninh 1 cột).
Mất liên lạc tại 15 tỉnh/thành phố với 6.285 trạm thu phát sóng di động do xảy ra mất điện, cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về người.
|
Các nhà mạng phối hợp triển khai dịch vụ chuyển vùng di động (roaming) miễn phí, khắc phục hậu quả bão số 3. |
Về công tác chỉ đạo khắc phục, ngay sau khi bão đi qua, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ban hành Công điện số 3999/CĐ-CVT ngày 08/9/2024 để chỉ đạo các đơn vị tập trung khắc phục hậu quả, khôi phuc thông tin liên lạc.
Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục cơ sở hạ tầng, Cục Viễn thông đã ban hành Văn bản số 4000/CVT-PTHT ngày 08/9/2024 chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp làm việc với Sở Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam để có thông tin, kế hoạch khôi phục điện lưới nhằm chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai khôi phục mạng lưới thông tin liên lạc.
Về kết quả khắc phục thiệt hại, tính đến thời điểm cuối ngày 09/9/2029, các doanh nghiệp đã khôi phục xong các tuyến truyền dẫn trục và liên tỉnh bị đứt. Một số tuyến cáp quang nhánh chưa khắc phục được do khu vực vẫn còn bị cô lập, nước chưa rút.
Trong 2 ngày 08 - 09/9/2024, các doanh nghiệp đã triển khai khôi phục được 3.010 trạm phát sóng di động, chủ yếu là chạy máy phát điện, để cung cấp cho trạm, nên vẫn cần khôi phục điện lưới để khôi phục hoàn toàn mạng viễn thông.
Hiện vẫn còn 3.275 trạm thu phát sóng di động chưa khôi phục được thông tin liên lạc, chủ yếu tập trung ở các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai các biện pháp khắc phục tiếp theo.
Trong những ngày tới, các đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các tổ đội tiếp cận hiện trường, xác định các điểm bị sự cố và ưu tiên khôi phục thông tin liên lạc tại các cơ sở hạ tầng quan trọng, trọng điểm. Ưu tiên khắc phục sự cố tại các cột thu phát sóng di động hướng ra biển (cột cao phủ sóng biển đảo) để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Đồng thời, điều động nguồn lực hỗ trợ khẩn cấp từ các tỉnh, thành phố về hỗ trợ các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão để xử lý, khôi phục thông tin liên lạc, đặc biệt là các thuê bao băng rộng cố định chịu ảnh hưởng lớn nhất từ sự cố mạng ngoại vi.
Tiếp tục triển khai chạy máy phát điện tại các khu vực bị mất điện lưới. Điều động vật tư, trang thiết bị, máy phát điện, xăng dầu từ các tỉnh ít chịu ảnh hưởng chi viện cho các tỉnh đang còn nhiều hạ tầng chưa được khôi phục.
Ngoài ra, triển khai các xe phát sóng lưu động để đảm bảo thông tin liên lạc tại các khu vực gãy đổ cột anten; tiếp tục thực hiện chuyển vùng di động (roaming) giữa các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại các khu vực có nhà mạng bị mất liên lạc trong thời gian nhà mạng đó khắc phục sự cố.
Các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với nhau, chia sẻ hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật để nhanh chóng khôi phục các hệ thống thông tin liên lạc tại những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3.
Các nhà mạng phối hợp, hỗ trợ nhau khắc phục hậu quả của bão tại các tỉnh, thành có cơ sở hạ tầng viễn thông bị hư hại nặng, các điểm chưa khôi phục được thông tin liên lạc. Ưu tiên tối đa nguồn lực và phương tiện kỹ thuật nhằm sớm khôi phục hoàn toàn mạng lưới thông tin liên lạc.
Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm khôi phục điện lưới tại các khu vực cắt điện, các khu vực bị mất điện do sự cố cung cấp điện cho các trạm BTS để khôi phục thông tin liên lạc.
UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ lực lượng ứng cứu thông tin tiếp cận những khu vực bị cô lập, chia cắt để xử lý sự cố, khôi phục thông tin liên lạc./.