Đồng Tháp lựa chọn 3 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu thực hiện chuyển đổi số
Thứ ba, 11/10/2022 09:27 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Tiến trình chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp sẽ song hành cùng nhịp bước của quốc gia. Để cụ thể hóa quyết tâm ấy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này đồng thời xác định nông nghiệp, giáo dục, y tế là 3 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu để tập trung thực hiện chuyển đổi số.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Nhựt An - TTXVN |
Chiều 10/10, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị công bố Ngày Chuyển đổi số và Đề án Chuyển đổi số của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên ngày 10/10 được chọn là Ngày Chuyển đổi số Quốc gia. Đồng Tháp cũng quyết định chọn ngày 10/10 là Ngày Chuyển đổi số hằng năm của tỉnh với mong muốn tiến trình chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp sẽ song hành cùng nhịp bước của quốc gia. Để cụ thể hóa quyết tâm ấy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này đồng thời xác định nông nghiệp, giáo dục, y tế là 3 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu để tập trung thực hiện chuyển đổi số.
Về Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, có tầm nhìn đến năm 2030 là chuyển đổi số căn bản, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực trên cơ sở kế thừa, phát huy kinh tế, văn hoá, xã hội để đưa tỉnh phát triển thịnh vượng, ổn định và bền vững. Đến năm 2025, Đồng Tháp nằm trong top 25 và đến năm 2030, Đồng Tháp nằm trong top 20 tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển đổi số tốt nhất của cả nước và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đề án đặt ra nhiều chỉ tiêu liên quan chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 như: 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức 4; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần; 100% dịch vụ công trực tuyến có chức năng định danh, xác thực một lần, hợp nhất trên tất cả các hệ thống; trên 55% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên những sàn giao dịch thương mại điện tử…
Để đạt được các chỉ tiêu trên, Đề án đã đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể.
Được biết, Đề án có tổng kinh phí thực hiện là 3.081 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn xã hội hóa chiếm 69%, còn lại là nguồn vốn chi thường xuyên, phát triển sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển.
V.Lê