Giải pháp phát triển nhanh ngành công nghiệp điện tử

Chủ nhật, 18/12/2022 15:02
(ĐCSVN) - Tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 (VFTE 2022), do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây tại Hà Nội, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đã chia sẻ những giải pháp nhằm phát triển nhanh ngành công nghiệp điện tử.
 Nhân lực chất lượng cao được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam (Ảnh: Hoàng Mẫn)

Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã hình thành và trải qua một thời kỳ phát triển dài hơn 40 năm nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ lắp ráp thiết bị với linh kiện và các vi mạch chính đều được mua của nước ngoài, hay thương mại các sản phẩm được thiết kế từ nước ngoài. Phương thức hoạt động này làm cho các sản phẩm điện tử ở Việt Nam có giá trị gia tăng rất thấp, khó cạnh tranh với các sản phẩm điện tử được sản xuất ở nước ngoài và nền công nghiệp điện tử đã phát triển rất chậm, chưa thể hiện được vai trò chủ lực trong sự phát triển kinh tế đất nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào hoạt động gia công để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho rằng, một trong những chiến lược giúp phát triển ngành công nghiệp điện tử là gia tăng kết nối cung cầu ở trong lẫn ngoài nước. Để kết nối thành công, cần hai yếu tố thị trường và nguồn nhân lực.

Từ việc lấy dẫn chứng trong thời điểm dịch COVID-19 Ngành Y tế mua sắm nhiều trang thiết bị y tế trong khi doanh nghiệp Việt có thể sản xuất được; bên cạnh đó thực tế là doanh nghiệp Việt không nắm được lộ trình mua hệ thống thiết bị y tế như máy thở tại các bệnh viện, vì vậy mà cơ hội này đã thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

 Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long. (Ảnh: Đình Tùng/VNE)

Từ đó, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, xét về yếu tố thị trường, muốn doanh nghiệp vào cuộc, nhà nước phải công bố lộ trình, để doanh nghiệp thấy và tham gia cùng.

Bên cạnh đó, ông Long cũng cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng nữa đó chính là vấn đề phát triển nguồn nhân lực. Nhân lực mạnh thì ngành công nghiệp điện tử mới có thể phát triển tốt.

Ở góc độ của mình, ông Peter Huỳnh, CEO Sun Electronics Group cho rằng,  giải pháp phát triển nhanh ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam cần phải xây dựng nền tảng cho đội ngũ kỹ sư; đào tạo kiến thức về thiết kế, sản xuất sản phẩm điện tử và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo ông Peter Huỳnh kỹ sư điện tử Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào, thậm chí nhiều người đang làm ở tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Facebook, Google... với vị trí quan trọng.

 Ông Peter Huỳnh, CEO Sun Electronics Group nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác đào tạo trong nước và quốc tế (Ảnh: Đinh Tùng/VNE)

Để xây dựng nền tảng cho đội ngũ kỹ sư trong nước, Việt Nam nên kết nối, đẩy mạnh hợp tác giữa kỹ sư trong nước với kỹ sư Việt ở nước ngoài thông qua các hình thức như: Cử kỹ sư đi thực tế, đến trực tiếp các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất ở nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm thực tế, tiếp thu kỹ thuật hiện đại với các kỹ sư Việt Nam đang làm việc tại đó. Trên cơ sở đó hợp tác thiết kế những sản phẩm chất lượng cao, đúng luật, đúng tiêu chuẩn. Sau đó chuyển giao công nghệ, sản phẩm đã hoàn thiện về cơ sở tại Việt Nam để tiếp tục sản xuất.

"Đây là một cách chuyển giao công nghệ thực tế và thiết thực nhất", ông Peter Huỳnh nói.

Một trong những yếu tố khác theo ông Peter Huỳnh đó là việc được đào tạo bài bản kiến thức và thiết kế sản phẩm. Điều này đòi hỏi sự chủ động của người học thông qua việc lựa chọn các trung tâm đào tạo điện tử uy tín…

Cùng với đó, để ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam phát triển thì đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải được trang bị đúng luật cho từng khâu, theo tiêu chuẩn quốc tế.

"Phát triển nền công nghiệp điện tử phục vụ cho giai đoạn chuyển đổi công nghệ số là việc làm cấp thiết hiện nay để có thể nâng tầm giá trị Việt; nhờ đó chúng ta mới có thể cạnh tranh với Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Đây cũng là giai đoạn vàng khi các quốc gia châu Âu đang dần chuyển dịch nền kinh tế sản xuất hầu hết các ngành nghề từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á", CEO Sun Electronics Group cho biết thêm.

  Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là chương trình thường niên do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Ở năm thứ tư, VFTE 2022 hướng tới thúc đẩy quá trình triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu kép: phát triển đồng bộ ba trụ cột - Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

 

 

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực