Giám sát biến đổi tài nguyên nước bằng công nghệ đo cao vệ tinh

Thứ sáu, 14/05/2021 11:18
(ĐCSVN) - Nhằm nghiên cứu khả năng ứng dụng dữ liệu đo cao vệ tinh phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là điều tra giám sát nước ngoài biên giới, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu viễn thám, Cục Viễn thám quốc gia đã chủ trì, thực hiện và được nghiệm thu Đề tài sản xuất thử nghiệm: “Giám sát biến đổi mực nước sông Hồng và sông Mê Công bằng công nghệ đo cao vệ tinh”.
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: MH 

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, với tổng lượng nước khoảng 830 - 840 tỷ m3, tài nguyên nước mặt ở Việt Nam được dùng để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như: trong nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện, dân dụng, giải trí và môi trường. Tuy vậy, việc quản lý nguồn tài nguyên nước ở nước ta lại ẩn chứa nhiều yếu tố kém bền vững với nhiều thách thức.

Dựa trên các nghiên cứu và thực nghiệm, Dự án đã đáp ứng được mục tiêu là đưa những kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học trước đó vào thực tiễn sản xuất, hoàn thiện quy trình xử lý xác định mực nước sông, hồ bằng số liệu đo cao vệ tinh cũng như tính toán các chuỗi biến đổi mực nước của một số trạm “ảo” trên lưu vực sông Hồng và sông Mê Công.

Sau thời gian triển khai nghiên cứu, nhóm thực hiện Đề tài đã có nhiều kết luận quan trọng. Trong đó, đã đánh giá khả năng của các dữ liệu đo cao vệ tinh mới tại một số vị trí đại diện cho các khu vực thượng lưu, hạ lưu, đồi núi, đồng bằng cũng như phạm vi liên quốc gia. Cùng với đó, việc giám sát biến đổi mực nước sẽ cho phép loại trừ các sai số hệ thống.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Sau 3 năm thực hiện, công nghệ đo cao vệ tinh thực sự là một công cụ hữu ích và có tính khả thi cao trong theo dõi giám sát sự biến đổi mực nước hàng năm hoặc theo mùa. Nguồn dữ liệu đo cao vệ tinh có thể kết hợp với dữ liệu ảnh viễn thám để ước tính lưu lượng nước và trữ lượng nước. Các nguồn dữ liệu này hiện đang được cung cấp miễn phí cho cộng đồng người sử dụng phục vụ cho công tác nghiên cứu, giám sát tài nguyên nước và các hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thông qua kết quả dự án, Cục Viễn thám quốc gia kiến nghị Bộ TN&MT cần sớm có các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ đo cao vệ tinh để thực hiện công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước xuyên biên giới, từ đó, có những quyết sách và quy hoạch nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh nguồn tài nguyên nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nước ta nằm ở hạ lưu của các con sông lớn như sông Hồng, sông Mê Công. Các con sông liên quốc gia này cung cấp đến 61,5% trữ lượng nước trong khi phần sinh ra trên đất Việt Nam chỉ chiếm 38,5%. Chất lượng và trữ lượng của nước mặt cũng do đó mà phụ thuộc vào việc sử dụng nước ở các quốc gia vùng thượng lưu.

Bên cạnh đó, thì việc theo dõi, giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước ngoài biên giới hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu thông tin dữ liệu thủy văn thượng nguồn. Chính vì vậy, việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong giám sát mực nước từ phía thượng nguồn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng hiện nay. Đặc biệt việc Đề tài sản xuất thử nghiệm: “Giám sát biến đổi mực nước sông Hồng và sông Mê Công bằng công nghệ đo cao vệ tinh” được nghiệm thu và đi vào triển khai sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc theo dõi giám sát sự biến đổi mực nước hàng năm hoặc theo mùa, phục vụ cho công tác nghiên cứu, giám sát tài nguyên nước và các hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực