Hoàn thiện thị trường KH&CN để nâng cao năng lực cạnh tranh

Thứ ba, 04/10/2022 13:22
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, trong đó hoàn thiện thị trường KH&CN là giải pháp trung tâm, có tính căn cơ lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ảnh minh họa. Nguồn: TL 

Thị trường KH&CN còn tồn tại nhiều rào cản

Báo cáo tại hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: Thị trường KH&CN là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Từ năm 2011 tới nay, bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KH&CN được hình thành và từng bước được kiện toàn từ trung ương đến địa phương cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành.

Nguồn cung hàng hóa KH&CN từ các viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học đã tăng đáng kể. Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao và cải thiện.

Các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN dần được hình thành, cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN; nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp được Bộ KH&CN hỗ trợ xây dựng và hiện đang hoạt động hiệu quả.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện tại cả nước có trên 800 tổ chức trung gian các loại đã được hình thành hoạt động trong thị trường KH&CN, trong đó có các sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương; cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN, nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp; nhiều trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp; các tổ chức thẩm định, giám định công nghệ; các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN…

Bên cạnh đó, từ khi triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844), tổ chức trung gian của thị trường KH&CN đã hình thành một số mô hình mới, không chỉ hỗ trợ đánh giá, định giá, xúc tiến chuyển giao công nghệ, mà còn gắn với tư vấn gọi vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, góp vốn đầu tư, thành lập doanh nghiệp bằng công nghệ.

Hiện nay nhu cầu phát triển sàn giao dịch vốn cho start-up gắn với sàn giao dịch công nghệ, hay nói cách khác là thị trường vốn đầu tư gắn với thị trường công nghệ đang phát triển ở một số thành phố lớn, theo xu hướng ở khu vực và trên thế giới.

Tính đến nay, cả nước có 79 cơ sở ươm tạo, 29 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 138 trường đại học/cao đẳng tổ chức về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường đại học thành lập vuờn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hỗ trợ hoạt động gọi vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã đi vào hoạt động tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Nhiều địa phương đã và đang hình thành các Trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của địa phương mình.

Tuy vậy, nhìn chung thị trường KH&CN ở nước ta vẫn còn đang ở dạng sơ khai, mới bước đầu hình thành và từng bước phát triển. Nguồn cung hàng hóa KH&CN trong nước còn hạn chế.

Các tổ chức trung gian, môi giới và cơ sở hạ tầng của thị trường KH&CN còn rời rạc, tự phát, chưa liên kết thành mạng lưới để hỗ trợ các dịch vụ trên thị trường.

Sự liên thông giữa thị trường KH&CN trong nước với thị trường KH&CN thế giới cũng như với với các thị trường khác ở trong nước còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay ngày càng tăng cao.

Số lượng và chất lượng nguồn cung công nghệ cũng như sự minh bạch thông tin về công nghệ và việc giảm thiểu các chi phí trong giao dịch mua bán công nghệ đang là đòi hỏi cấp bách nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có đủ năng lực để chủ động tìm kiếm và tiếp cận các thông tin về nguồn cung công nghệ cũng như chưa tích lũy đủ các nguồn lực để tiếp nhập công nghệ mới, công nghệ cao.

Với thực trạng của thị trường KH&CN như trên, nhìn tổng thể, thị trường KH&CN nước ta còn tồn tại nhiều rào cản, các vướng mắc cần tháo gỡ, cụ thể: Hành lang pháp lý cho sự vận hành của thị trường KH&CN còn thiếu và chưa đồng bộ với các pháp luật liên quan; thị trường KH&CN Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ các quốc gia đang phát triển, trình độ công nghệ ở mức trung bình thấp; nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng cao, nhưng khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng.

Hoàn thiện thị trường KH&CN là giải pháp trung tâm

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, trong đó hoàn thiện thị trường KH&CN là giải pháp trung tâm, có tính căn cơ lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để phát triển thị trường KH&CN, Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung phát triển các tổ chức trung gian có vai trò đầu mối trong mạng lưới, có khả năng cung cấp các dịch vụ công có tính hệ thống; các tổ chức trung gian tại các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học, nhất là tại các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học trọng điểm; tại các tổ chức KH&CN lớn, liên ngành hoặc đa ngành về kỹ thuật và công nghệ; và tại các hiệp hội ngành hàng.

Hình thành các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển; Hỗ trợ nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch có giá trị nền tảng; Ưu tiên hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đáp ứng nhu cầu cơ giới hoá, chế biến trong nông nghiệp, phục vụ yêu cầu phát triển vùng nông thôn, miền núi, hải đảo,

Hình thành và vận hành 3 sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại 3 miền của đất nước; kết nối với các sàn giao dịch công nghệ của các địa phương và các sàn giao dịch công nghệ trong khu vực và thế giới…

“Ngoài các giải pháp trên, chúng ta còn cần quan tâm đến thị trường KH&CN cho các kết quả nghiên cứu cơ bản và khoa học xã hội do bản chất công ích của các kết quả nghiên cứu trong những lĩnh vực này. Việc giao dịch trên thị trường các kết quả này sẽ khó tìm được người mua theo quy luật kinh tế thị trường, do đó, Nhà nước cần có những chính sách riêng để khuyến khích các dạng nghiên cứu này”, Bộ trưởng cho biết

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030 đã khẳng định vai trò của việc phát triển thị trường KH&CN.

“Với những chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, sự chung sức đồng lòng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, và với cú hích quan trọng từ sự kiện ngày hôm nay, thị trường KH&CN Việt Nam chắc chắn sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, để KHCN & đổi mới sáng thực sự là động lực quan trọng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Bộ trưởng khẳng định./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực