|
Bản đồ tâm động đất chiều 5/10. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu |
Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) vừa phát đi thông báo về động đất. Theo đó, vào lúc 17h06'44'', tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, một trận động đất có độ lớn 4,1 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.895 độ vĩ Bắc, 108.191 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Ngay sau đó, lúc 17h07'23'', một trận động đất có độ lớn 3,5 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.890 độ vĩ Bắc, 108.197 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Trận động đất thứ 3 xảy ra vào lúc 17h32'01'', có độ lớn 3,3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.882 độ vĩ Bắc, 108.182 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Cả 3 trận động đất đều có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Theo Viện Vật lý địa cầu, những trận động đất xảy ra ở Kon Tum là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy sâu trong lòng đất.
TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn. Điều này liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện.
Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất.
Theo thống kê của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, trong tháng 9, huyện Kon Plông xảy ra 35 trận động đất. Tính từ đầu năm đến nay, khu vực này ghi nhận hơn 300 trận động đất.
Trong đó, trận động đất có độ lớn 5,0 xảy ra vào lúc 11h35' ngày 28/7 được xác định là trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này, tạo dư chấn diện rộng, khắp khu vực Bắc Tây Nguyên và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đều cảm nhận được sự rung lắc.
Viện Vật lý Địa cầu vẫn thường xuyên thông báo về động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này; đồng thời cử cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Dự báo động đất kích thích tại Kon Plông kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm sau đó mới ổn định, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ.
Ngày nay, thang đo độ lớn mô-men được dùng làm tiêu chuẩn để đo lường các trận động đất. Động đất được phân thành các loại: Vi động đất (M<2,0), động đất yếu (2,0≤M≤3,9), động đất nhẹ (4,0≤M≤4,9), động đất trung bình (5,0≤M≤5,9), động đất mạnh (6,0≤M≤6,9), động đất rất mạnh (7,0≤M≤7,9) và động đất hủy diệt (M≥8,0)./.