|
Ngày Bắc Âu: Tiến tới mục tiêu xanh tập trung vào các chủ đề quan trọng. (Ảnh: Minh Anh) |
Ngày 22/10, Đại sứ quán các nước Bắc Âu tại Việt Nam - Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2024: Ngày Bắc Âu – Tiến tới Mục tiêu Xanh.
Theo đó, ngày Bắc Âu - Tiến tới mục tiêu xanh tập trung vào các chủ đề quan trọng là chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, hệ thống thực phẩm bền vững và sự tham gia của thanh niên về biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tham dự được nghe những diễn giả xuất sắc từ Việt Nam và các nước Bắc Âu chia sẻ kiến thức về việc làm thế nào để có được một tương lai xanh hơn. Sự kiện cũng có một triển lãm tương tác trưng bày các thành tựu sáng tạo xanh của các nước Bắc Âu và các phiên thảo luận là cơ hội trao đổi với các chuyên gia và cơ quan có thẩm quyền.
Đây cũng là cơ hội để đại biểu tham dự kết nối với các lãnh đạo ngành, các nhà hoạch định chính sách, và các tổ chức ủng hộ cho tăng trưởng xanh, tham gia các phiên hỏi đáp với các Đại sứ Bắc Âu, và các cuộc thi đố vui có giải thưởng dành cho người chiến thắng.
Tại sự kiện, ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch chia sẻ: “Chuyển đổi năng lượng xanh là điều kiện tiên quyết cho việc chuyển đổi xanh ở các lĩnh vực khác, như: vận tải và công nghiệp. Chuyển đổi năng lượng xanh đồng thời cũng đóng vai trò then chốt để phát triển kinh tế phát thải carbon thấp. Đây không chỉ là một mệnh lệnh về khí hậu; mà còn là một cơ hội kinh tế. Khi hành động cùng nhau, chúng ta có thể tối ưu hóa các nguồn tài nguyên đang có, giảm lượng khí thải và nêu gương trong việc phát triển các giải pháp năng lượng xanh. Với sự kiện hôm nay, chúng tôi mong muốn có thể truyền cảm hứng và thúc đẩy sự thay đổi. Thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là tầm nhìn, chính sách và các mô hình thúc đẩy, chúng tôi mong muốn tìm hiểu những lĩnh vực mà các nước Bắc Âu có thể hỗ trợ Việt Nam trong hành trình hướng tới thịnh vượng và trung hòa khí hậu.”
Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy cho rằng: “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa quan vô cùng quan trọng cho sự bền vững. Phương pháp tiếp cận của khu vực Bắc Âu chú trọng tới việc tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu chất thải, và tăng cường tiêu dùng bền vững. Chúng tôi hợp tác thông qua Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Bắc Âu để xây dựng các văn bản hướng dẫn, chia sẻ tri thức, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các khía cạnh chính bao gồm kéo dài vòng đời sản phẩm thông qua tái chế, tái sử dụng, và sửa chữa, cùng với các sáng kiến hiệu quả như cơ chế đặt cọc hoàn trả và tái chế rác thải điện tử. Chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể xây dựng các chiến lược tương tự để giảm thiểu việc phụ thuộc vào nguyên liệu thô, nâng cao hiệu quả quản lý rác thải, và giảm tác động tới môi trường.”
Ông Johan Ndisi, Đại sứ Thụy Điển thông tin: “Khu vực Bắc Âu đã đặt mục tiêu trở thành khu vực hội nhập và bền vững nhất trên thế giới vào năm 2030. Khu vực này được coi là hình mẫu về hành động vì môi trường và khí hậu. Động lực chính dẫn đến thành công của chúng tôi là sự hợp tác chặt chẽ của cả khối. Đó là lý do tôi cùng các đồng nghiệp Bắc Âu rất vui khi có cơ hội tham gia và thảo luận những vấn đề quan trọng liên quan tới cách thức chúng tôi có thể tiếp tục dẫn đầu về tính bền vững.”
Ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan cho hay: "Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khó lường, gây ảnh hưởng đến mọi cá nhân và trên mọi lĩnh vực. Nhu cầu cấp thiết hiện này là có các chính sách và các hoạt động mạnh mẽ, góp phần định hình các chiến lược thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chúng ta cần thúc đẩy một tương lai bền vững và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng. Khu vực Bắc Âu đang đi đầu trong việc khuyến khích sự tham gia của giới trẻ vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định, đảm bảo tiếng nói của họ được lắng nghe và phản ánh trong các chính sách định hình tương lai của chính họ. Thông qua sự kiện Ngày Bắc Âu, chúng tôi rất vui mừng khi có cơ hội tham gia đối thoại với những người trẻ tuổi tại Việt Nam, và chia sẻ câu chuyện Bắc Âu về việc xây dựng văn hóa tham gia của thanh niên, đặc biệt xoay quanh vấn đề biến đổi khí hậu."
Ngày Bắc Âu: Tiến tới Mục tiêu Xanh kể những câu chuyện về hành trình chuyển đổi xanh của khu vực Bắc Âu. Mục đích của sự kiện là khuyến khích đối thoại và chia sẻ những ví dụ truyền cảm hứng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế liên tục và bền vững về môi trường.
Tại COP26, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Sự kiện nêu bật các các phương thực hợp tác giữa các nước Bắc Âu và Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn và hệ thống thực phẩm bền vững để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của mình./.