|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Giang Huy |
Ngày 23/9, tại Hà Nội đã diễn ra phiên chính thức của Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) với chủ đề “AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai”. AI4VN 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức, với sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Câu lạc bộ Các Khoa-Viện-Trường Công nghệ thông tin - Truyền thông (FISU).
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đã có sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ then chốt góp phần thay đổi và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia, ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Chiến lược đưa ra mục tiêu "đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4", góp phần phát triển kinh tế xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng cho biết, sau hơn một năm triển khai Chiến lược trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đã đạt một số kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo "Chỉ số sẵn sàng về Trí tuệ nhân tạo của chính phủ" do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, năm 2021, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 62 trong 160 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 14 bậc so với năm 2020.
Theo Bộ trưởng, AI4VN là sự kiện thường niên, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018. Sau 4 năm tổ chức, AI4VN đã trở thành một sự kiện khoa học tin cậy, thu hút quan tâm của đông đảo các cơ quan quản lý, các tập đoàn công nghệ, các đơn vị nghiên cứu cùng chung tay thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Năm 2022, AI4VN có chủ đề "AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai" được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm giải quyết những vấn đề thách thức trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ mới, giúp tối ưu hoá năng lực cạnh tranh.
Tại đây, những chủ đề liên quan tới việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực của cuộc sống sẽ được đưa ra thảo luận, nhằm gợi ý, đề xuất từ thực tế hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, của các tổ chức nghiên cứu; từ đó, các cơ quan quản lý sẽ có những định hướng và giải pháp để góp phần thúc đẩy việc hình thành và phát triển nhanh chóng một hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo bền vững tại Việt Nam.
"Chúng ta sẽ có cơ hội trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra những sáng kiến, kiến nghị để cùng nhau xây dựng và phát triển cộng đồng trí tuệ nhân tạo Việt Nam nói chung và hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo nói riêng, cũng như hướng đến việc góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.
|
Các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng AI.
Ảnh: Giang Huy |
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm 2022 có nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo không chỉ từ những doanh nghiệp lớn, uy tín mà còn cả các doanh nghiệp nhỏ hay những người làm AI cùng tham gia. Điều đó cho thấy công nghệ sẽ thay đổi nhiều cuộc sống của chúng ta.
“Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều trong quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống. Bởi nguồn nhân lực AI của Việt Nam còn thiếu, việc đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ trong nước và cả nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là công việc bất khả thi mà chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào tương lai”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng cho rằng, khi nói về AI, những bạn trẻ đi du học hay làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều dễ dàng hiểu nhưng không phải tất cả người Việt Nam đều hiểu về AI. Do đó, chúng ta cần lan tỏa khái niệm, sự hiểu biết về AI không chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học, công nghệ, công nghiệp... mà còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác.
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang có cái nhìn thực tiễn và khoa học. Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực AI mở rộng, nghĩa là không chỉ dành cho những nhân tài, người giỏi, người làm trong lĩnh vực AI, công nghệ thông tin... mà dành cho tất cả mọi người, ở mọi lĩnh vực khác.
Về cơ sở dữ liệu cho phát triển AI, Phó Thủ tướng cho hay: Chúng ta cũng cần gắn kết thêm dữ liệu ở nhiều lĩnh vực khác nhau để phục vụ mục đích chung. Dữ liệu là vô cùng quan trọng, trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng AI, cần chú ý tới các quy định, định hướng ngay từ ban đầu.
Theo Ban tổ chức, AI4VN 2022 hướng mục tiêu giúp cộng đồng hiểu hơn về việc công nghệ AI đã làm thay đổi cuộc sống. Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra các phiên thảo luận. Tại đây, các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp đã chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng AI từ doanh nghiệp; kinh nghiệm trong phát triển, ứng dụng AI cũng như những khó khăn đang gặp phải… Cùng với đó là chương trình Triển lãm trình diễn sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ AI trong cuộc sống và sản xuất của doanh nghiệp. Khách tham dự sẽ có cơ hội trải nghiệm sản phẩm ứng dụng AI, các đơn vị quảng bá và kết nối với các đối tác tiềm năng cũng như có cơ hội giới thiệu sản phẩm./.