Thúc đẩy khoa học công nghệ, phát huy thế mạnh tỉnh Quảng Bình

Thứ sáu, 08/11/2024 11:12
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, cần có các giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm khơi thông được nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và của vùng trên các lĩnh vực.
 Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TL).

Ngày 08/11, tại Quảng Bình, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ năm 2024.

Thúc đẩy KHCN&ĐMST phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết: Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030: “Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực…”.

Đồng thời, Nghị quyết 26 đã nêu các quan điểm về phát triển Vùng, trong đó chú trọng: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện thực tế của vùng; Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…”.

Trong gần 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị cho thấy, ngành KH&CN cơ bản đã và đang triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) tại Nghị quyết 26, đã được cụ thể hóa tại Chương trình hành động tại Nghị quyết 168 của Chính phủ.

Theo Thứ trưởng, KHCN&ĐMST vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (BTBDHTB) trong 02 năm vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Vùng.

Thông qua việc công bố Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) năm 2023 đã phản ảnh được nội hàm, điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương, trong đó Đà Nẵng là một trong 05 địa phương có điểm số dẫn đầu cả nước (điều này khẳng định vai trò vị trí của trung tâm vùng); hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo có nhiều khởi sắc, có sự gắn kết, hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp trong vùng; hệ thống các điểm không gian khởi nghiệp sáng tạo, các điểm kết nối cung - cầu công nghệ được phát huy vai trò, góp phần thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, kinh doanh được tăng cường đã góp phần nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, tạo lập và phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của từng địa phương trong vùng; các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề KH&CN cấp thiết, phát sinh ở địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được chú trọng; các chương trình KH&CN cấp quốc gia về nghiên cứu ứng dụng KH&CN tại các địa phương thuộc Vùng được thúc đẩy triển khai; công tác hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đổi mới công nghệ quốc gia, phát triển tài sản trí tuệ, phát triển công nghệ cao được các địa phương trong vùng tích cực triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả…

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: TL)

Tuy nhiên theo Thứ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, KHCN&ĐMST vùng BTBDHTB còn nhiều khó khăn, thách thức như: Tiềm lực KH&CN của nhiều địa phương trong vùng còn hạn chế; nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ còn thiếu; hoạt động ứng dụng công nghệ tuy có nhiều kết quả nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ, ở phạm vi xây dựng mô hình và còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi nhân rộng, phát triển; thiếu nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng quy mô lớn, có tính liên ngành, liên vùng để tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng lớn, tác động mạnh đến phát triển KT-XH của địa phương và vùng.

Thứ trưởng nêu rõ: “Để tiếp tục triển khai tích cực và hiệu quả hơn nữa hoạt động KHCN&ĐMST trong vùng BTBDHTB, tham gia phục vụ đắc lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và Vùng theo định hướng tại Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, Quy hoạch vùng BTBDHTB thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của từng địa phương…,chúng ta cùng nhìn nhận, rà soát, đánh giá những việc đã làm được; những việc chưa làm được, những khó khăn, vướng mắc; cùng trao đổi, thảo luận, tháo gỡ khó khăn và đề ra giải pháp để tiếp tục thúc đẩy, phát triển KHCN&ĐMST trong vùng và tại các địa phương trong vùng là thực sự cần thiết”.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thống nhất trong hành động, triển khai nhằm phát triển KHCN&ĐMST phục vụ hiệu quả cho các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng và từng địa phương trong giai đoạn tới; góp phần thực hiện hiệu quả các định hướng, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển KHCN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. “Nhất là các giải pháp về KHCN&ĐMST nhằm khơi thông được nguồn lực, phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và của vùng trên các lĩnh vực…”, Thứ trưởng cho biết.

KH&CN tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Quảng Bình

Theo đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ với 14 tỉnh, thành phố, là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Quảng Bình là tỉnh thứ 9 trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó trọng tâm là 4 trụ cột kinh tế, 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị và 3 hành lang kinh tế. Du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển là 4 trụ cột phát triển của tỉnh có tính chiến lược cần ưu tiên nguồn lực để phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

Đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TL)

Thời gian qua, nằm trong sự phát triển chung của vùng, của tỉnh, ngành khoa học và công nghệ Quảng Bình cũng đã đạt nhiều kết quả rõ nét, tích cực và tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong tỉnh, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh đã tập trung các nguồn lực để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ; Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; hình thành chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc phục vụ tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu… Đồng thời, tỉnh đã tập trung triển khai các chương trình, đề án thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực, đặc thù, có lợi thế của địa phương; đổi mới cơ chế chính sách quản lý KH&CN và cơ chế quản lý tài chính; kết quả nghiên cứu dần trở thành hàng hóa được các doanh nghiệp đón nhận; nhu cầu, năng lực tiếp nhận, hấp thụ và làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện; công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh.

“Tỉnh Quảng Bình mong muốn được phối hợp với các tỉnh bạn về lĩnh vực khoa học và công nghệ nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của vùng, góp phần phát triển sự nghiệp khoa học và công nghệ, phát triển nền kinh tế đất nước”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày báo cáo tham luận về kết quả hoạt động KHCN&ĐMST vùng, hoạt động quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST các địa phương; đề xuất các kiến, nghị giải pháp từ các địa phương để thực hiện hiệu quả các định hướng, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển KHCN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực