|
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TL |
Chiều 9/10, tại Cao Bằng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhanh và bền vững”.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu; có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống gắn bó lâu dài với bản sắc văn hóa riêng, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường chống ngoại xâm; trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, căn cứ cách mạng nổi tiếng.
Tuy nhiên, đây cũng là vùng còn gặp nhiều khó khăn nhất cả nước; liên kết vùng yếu, chưa mang dấu ấn riêng, chưa phát huy hết tiềm năng của vùng và lợi thế kinh tế cửa khẩu với nước bạn Lào và Trung Quốc. Khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người của vùng so với bình quân của cả nước tiếp tục gia tăng làm ảnh hưởng đến kết quả phát triển KT-XH của cả vùng.
Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; tinh thần chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và sự nhất quán trong quan điểm chỉ đạo “không bàn lùi, chỉ bàn làm”, do đó kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được phục hồi tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra. Trong kết quả, thành tựu chung đó có sự đóng góp tích cực của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) tại các địa phương của cả vùng.
Với mục tiêu xây dựng vùng Trung du và miền núi phía Bắc vững mạnh, toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của các địa phương trong vùng, vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu trao đổi, từ đó đề ra các giải pháp thiết thực đối với từng địa phương, góp phần đưa Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ, Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đi vào cuộc sống, tận dụng được các cơ hội phát triển, vượt qua thách thức, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả Vùng.
Ứng dụng công nghệ trong dự báo thiên tai vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã tập trung chỉ đạo triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy ứng dụng KHCN và tiến bộ kỹ thuật vào quá trình phát triển KT - XH của tỉnh, góp phần nâng cao năng suất, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đến nay, tỉnh đã thực hiện 11 nhiệm vụ KHCN với tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng; phê duyệt mới 37 đề tài, nhiệm vụ, với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng; chuyển giao kết quả của 18 nhiệm vụ cho 61 đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tiếp tục áp dụng, nhân rộng kết quả vào đời sống và thực tiễn công tác.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, bên cạnh những điều kiện thuận lợi và kết quả đạt được, Cao Bằng và một số tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong 2 tháng qua, một số địa phương, trong đó có tỉnh Cao Bằng chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ và hoàn lưu bão số 3.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: BL |
Ông Hoàng Xuân Ánh đề nghị các cơ quan quản lý, nhà khoa học nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong khảo sát, dự báo tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, để từ đó đưa ra được các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế rủi ro thiên tai, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững của các địa phương.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH&CN), do địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn nên vùng Trung du và miền núi phía Bắc thường hay xảy ra các thiên tai như: Rét đậm, rét hại, sương muối, mưa đá, lốc tố, dông sét, mưa lớn, lũ quét, sạt lở bờ sông, trượt lở đất, cháy rừng, động đất, dịch bệnh... Điển hình như cơn bão Yagi vừa qua đã khiến các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc bị thiệt hại nặng nề về người và của.
Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng đề xuất các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; xây dựng một số chương trình phát triển KHCN mang tính chất đặc thù cho vùng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thăm dò, quản lý, khai thác tài nguyên thiên…
Trong chương trình công tác tại Cao Bằng, sáng 9/10, Đoàn công tác của Bộ KH&CN Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt làm Trưởng đoàn đã trao cho Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng phần quà và hỗ trợ 200 triệu đồng giúp tỉnh Cao Bằng khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời, mong muốn người dân trong tỉnh sớm vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả và ổn định đời sống.
Bộ trưởng chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà tỉnh Cao Bằng phải gánh chịu do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây ra; đồng thời, gửi lời động viên, chia buồn sâu sắc đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vũ Đình Quang cảm ơn tình cảm, sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực của Bộ KH&CN đến Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cùng Đoàn công tác dành cho tỉnh Cao Bằng. Đây là nguồn động viên lớn lao về tinh thần và vật chất, góp phần tạo động lực và điều kiện để nhân dân tỉnh Cao Bằng sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
Trước đó, ngay sau khi cơn bão số 3 ảnh hưởng tới Cao Bằng, Công đoàn Bộ KH&CN đã ủng hộ 4 tấn nhu yếu phẩm cho nhân dân tỉnh Cao Bằng; vận động hỗ trợ 3 căn nhà cho người dân bị thiệt hại do thiên tai tại các huyện: Hoà An, Hà Quảng, Bảo Lâm, trị giá 150 triệu đồng./.