|
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ ra thị trường
Theo các chuyên gia, thị trường khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam được hình thành, từng bước hoàn thiện một số kết quả nhất định. Tuy nhiên để thúc đẩy nghiên cứu và tạo ra sản phẩm, chuyển giao công nghệ ra thị trường thì vai trò của các bên cần được rõ ràng và đầy đủ. Cụ thể, Nhà nước cần tạo ra chính sách và hành lang pháp lý dẫn dắt các trường đại học và các bên liên quan, doanh nghiệp tham gia vào quá trình hình thành ý tưởng, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm.
Phát biểu tại Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập"do Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức mới đây, đại diện UBND tỉnh Sơn La cho biết: Là một trong 3 tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với 14.109 km2, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp, Sơn La là địa phương đang đứng thứ 2 toàn quốc về diện tích cây ăn quả.
Trong phát triển cây ăn quả chủ yếu tập trung vào cây ăn quả dài ngày như: Nhãn, xoài và các cây ăn quả khác. Sản lượng đạt được xung quanh 450 nghìn tấn. Sơn La đã có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; có 241 mã số vùng trồng; đã có 17 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường các nước và khu vực.
Về tiến bộ khoa học kỹ thuật, Sơn La triển khai các mô hình có trị giá khoảng 200 triệu đồng mỗi ha như: Xoài, nhãn chín muộn, bơ, thanh long… hoặc trị giá tới 300-400 triệu mỗi ha như quả na và dâu tây. Tuy nhiên, các sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu thô, chưa chế biến sâu.
Về thị trường khoa học công nghệ, ngoài các điều kiện thuận lợi, Sơn La có 2 điểm khó khăn chính là toàn tỉnh chỉ có 12 doanh nghiệp khoa học công nghệ nhưng quy mô nhỏ, hàm lượng khoa học công nghệ và tính cạnh tranh thấp. Hoạt động giao dịch, mua bán sản phẩm khoa học công nghệ chưa diễn ra trên địa bàn.
Để thương mại hóa các sản phẩm, phát triển thị trường, tỉnh Sơn La đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét hỗ trợ, hướng dẫn thành lập các tổ chức trung gian như sàn giao dịch công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ…; hỗ trợ kết nối cung - cầu với các trường đại học, viện nghiên cứu.
Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, với ngành nông nghiệp, theo ý kiến của các chuyên gia thì KHCN đã đóng góp khoảng 30% giá trị nói chung trong ngành nông nghiệp và 40% giá trị trong lĩnh vực giống, cây trồng. Nhưng rõ ràng, so với những kỳ vọng về việc gia tăng hàm lượng giá trị bằng KHCN thì con số này còn thấp.
Theo Bộ trưởng chia sẻ: “Chúng ta nói đến thị trường KHCN và kinh tế thị trường phải trả lời được 3 câu hỏi: Sản xuất cái gì? Sản xuất cho ai? Sản xuất như thế nào? Tôi coi nghiên cứu khoa học cũng là một sản phẩm thì chúng ta phải "bán cái thị trường cần, không phải là bán cái chúng ta có".
Bộ trưởng cho rằng, cần hình thành những trung tâm chuyển giao của Nhà nước thực sự hoạt động theo thị trường. Bộ trưởng đề nghị 2 vấn đề: Một là cần có cơ chế để cho phép sai.
Hai là phải tổ chức hoàn chỉnh thị trường. “Ví như thị trường bất động sản còn cần nhà phân phối nữa, do đó thị trường KHCN cũng cần có sự kết nối từ đầu cung đến cầu cho sản phẩm”, Bộ trưởng cho hay.
Đại diện cho các chuyên gia nước ngoài, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng, Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong phát triển khoa học công nghệ. Việt Nam cũng đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế lớn với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, trung bình 7,8%/năm; có nhiều tiến triển trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên có nhiều biến động về kinh tế, chính trị, người dân trên khắp thế giới đang chịu ảnh hưởng do những vấn đề như nóng lên toàn cầu, những ảnh hưởng của khí quyển…
Theo đó, khoa học công nghệ có thể có phương án giải quyết vấn đề này như giảm chi phí, đưa mô hình tuần hoàn vào sản xuất và tiêu dùng, công nghệ về nông nghiệp có thể giúp chúng ta sản xuất thực phẩm rẻ hơn và ít ảnh hưởng của môi trường…
Xây dựng được môi trường pháp lý có thể hỗ trợ và khuyến khích đổi mới sáng tạo đang là thách thức lớn dù ở Việt Nam hay bất kỳ nước nào khác. Để đạt được chính sách nhất quán, có rất nhiều cơ quan đang tham gia xây dựng chính sách khoa học công nghệ, tuy nhiên đôi khi quy định còn chồng lấn. Những thách thức này có thể cản trở đổi mới sáng tạo để đưa ra sáng kiến mới cho thị trường.
“Vì vậy, chúng ta có thể thí điểm một số chính sách song song với quy định hiện hành. Ví dụ UNDP đã thí điểm áp dụng tại Đà Nẵng trong xây dựng Chính phủ điện tử. Chúng ta có thể áp dụng mô hình tương tự trong phát triển thị trường khoa học công nghệ”, bà Ramla Khalidi cho biết.
Thực hiện đúng quy luật, thị trường KH&CN sẽ phát triển
Khẳng định khoa học công nghệ có vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển của một quốc gia, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết: Việt Nam đã có rất nhiều chủ trương phát triển đất nước bằng khoa học công nghệ.
Đưa ra giải pháp phát triển thị trường KHCN, ông Phan Xuân Dũng cho hay: Trước hết, chúng ta phải hiểu rõ về bản chất của thị trường khoa học công nghệ có 3 vế: Cung - Cầu và công cụ kết nối giữa Cung và Cầu là Môi trường.
Về phía cung, lịch sử đã khẳng định người Việt Nam đủ sức làm và làm tốt trong việc tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm cho thị trường. Tức là nguồn cung sản phẩm khoa học công nghệ là rất lớn. Nhưng việc chuyển giao công nghệ phải hiểu rộng hơn, bao gồm cả ý tưởng công nghệ và sản phẩm đi cùng công nghệ.
Về phía cầu, nhu cầu sản phẩm khoa học công nghệ rất lớn. Đảng ta đã xác định phát triển dựa vào khoa học và công nghệ. “Các vế Cung - Cầu và Môi trường đều có. Vậy câu hỏi đặt ra tại sao thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển? Tôi cho rằng phải thực hiện đúng quy luật thì thị trường sẽ phát triển”, ông Phan Xuân Dũng nêu rõ.
Do đó, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật khẳng định phải có chính sách phù hợp để thúc đẩy cung sản phẩm khoa học công nghệ, điều này đòi hỏi người làm chính sách phải hiểu cặn kẽ về công nghệ.
Thứ hai, phải có nguồn nhân lực, đồng thời chúng ta phải tin tưởng đội ngũ khoa học công nghệ, có hình thức tôn vinh phù hợp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài rất quan trọng, nhưng để phát triển thị trường khoa học công nghệ, phải quan tâm phát triển các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp dân tộc bởi các doanh nghiệp trong nước đóng góp rất lớn về mọi mặt, kể cả về ngân sách.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cần cho phép xây dựng, triển khai triển khai đề án thí điểm chính sách đủ mạnh và xuyên suốt trong giai đoạn trung hạn nhằm tháo dỡ các rào cản, vướng mắc đang ghi nhận trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay. Từ đó, tiến tới khai thông chính sách nhà nước nhằm tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ trường đại học mạnh mẽ hơn nữa.
Cuối cùng, cần thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ để tạo được động lực tăng mạnh giao dịch và giá trị hàng hoá khoa học và công nghệ, đặc biệt là giao dịch tài sản trí tuệ, giao dịch công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển. Do đó, cần có nền tảng quan trọng là cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, đấu giá tài sản trí tuệ nhằm đẩy nhanh ra thị trường, chia sẻ hợp tác khai thác tài sản trí tuệ./.