Ngày 28/11, Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Sáng chế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và công nghệ Việt Nam, Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tổ chức Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh năm 2022.
Đây là hoạt động thiết thực tổ chức để chào mừng thành công của Đại hội đại biểu Đoàn Khối các cơ quan Trung ương lần thứ IV và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027.
|
Ban Tổ chức trao giải Nhất tặng tác giả Dự án Nanosalt - Muối dược liệu Việt Nam. |
Hòa chung với không khí khởi nghiệp nở rộ khắp cả nước, cuộc thi được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy phát triển các ý tưởng, dự án, sản phẩm đổi mới sáng tạo, sáng chế để tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống, nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước; xây dựng, hình thành và phát triển văn hóa sở hữu trí tuệ; gắn quyền sở hữu trí tuệ với các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Sau hơn 03 tháng phát động, tổ chức Vòng Sơ loại và Vòng Bán kết trực tuyến trên Nền tảng Cuộc thi và Bình chọn VitanContest, Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh năm 2022 đã nhận được gần 100 bài dự thi của các đội thi đến từ nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Đồng thời, Cuộc thi cũng thu hút sự quan tâm, tham gia bình chọn cho các dự án từ cộng đồng với gần 5000 lượt bình chọn.
Tại vòng chung kết Cuộc thi, 9 đội thi xuất sắc nhất đã có tối đa 5 phút trình bày bài dự thi và Ban giám khảo có 10 phút để đặt câu hỏi và góp ý với các dự án, ý tưởng.
Trải qua các phần thi ấn tượng và phần đánh giá công tâm của Ban giám khảo và xuất sắc vượt qua 8 dự án tại vòng chung kết, Dự án Nanosalt - Muối dược liệu Việt Nam được Ban Giám khảo lựa chọn trao giải nhất cuộc thi.
2 giải Nhì thuộc về các dự án: Dự án Hệ thống tủ điện thông minh PFE và Dự án Sạc nhanh - Ngân hàng năng lượng.
3 dự án đoạt đạt giải ba gồm: Dự án Làng Tôi - Ứng dụng đặc tính và công dụng độc đáo của thảo dược Việt Nam trong sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên, dự án Horus - Biến camera thông thường thành Camera Al, dự án Mắt kính thông minh cho người khiếm thị.
3 giải Khuyến khích được trao cho các dự án: Dự án Giải pháp kết nối trực tiếp nhà sản xuất OCOP tới siêu thị thông minh, tạp hóa; dự án Phần mềm giám định thử XML 4210, hạn chế xuất toán bảo hiểm xã hội tại cơ sở khám, chữa bệnh; dự án Weshare - Nền tảng gây quỹ từ các đơn hàng online.
Ban Tổ chức đã trao giấy khen và tiền thưởng cho các dự án đoạt giải. Ngoài phần thưởng, các đội đoạt giải tại cuộc thi còn được tham gia khóa đào tạo 3 tháng về quản trị tài sản trí tuệ cho các startup, khóa đào tạo 1 tháng về chuyển đổi số và ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản, khóa đào tạo 12 ngày về digital marketing cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá cao ý nghĩa cuộc thi, giá trị ý tưởng của các đội thi mang lại, Thứ trưởng Trần Văn Tùng kỳ vọng trong tương lai những mô hình ở cuộc thi sẽ được hiện thực hóa, mang lại giá trị cho cuộc sống, góp phần thay đổi đời sống nhân dân.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ, trước tốc độ phát triển chóng mặt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng khoa học, kĩ thuật, công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nên được đặt lên hàng đầu. Bản thân các nhà kinh doanh, start-up trẻ phải luôn đề cao tinh thần học hỏi, tham khảo những mô hình tiên tiến ở các nước đi đầu về ngành kĩ thuật, cũng như một số start-up đã có chỗ đứng trong nước, từ đó ứng dụng trực tiếp vào sản phẩm của mình…/.