Triển khai các chương trình KH&CN quốc gia bảo đảm chất lượng, đúng quy định

Thứ sáu, 28/10/2022 09:51
(ĐCSVN) - Các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 cần được cơ cấu lại theo hướng các mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả, tiêu chí đánh giá phải được lượng hoá ngày càng rõ ràng, chi tiết; có sự phổi hợp với các chương trình, nhiệm vụ KH&CN các cấp, bám sát Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.

KH&CN đóng góp rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội

Chương trình khoa học và công nghệ Quốc gia (KHCNQG) được quy định trong Luật KH&CN năm 2013, hình thành trên cơ sở các định hướng phát triển KH&CN trọng tâm được nêu trong Chiến lược phát triển KH&CN nhằm triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn của đất nước. Giai đoạn 2016-2020 đã có tổng số 39 Chương trình KHCNQG được cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện. Việc triển khai các Chương trình KHCNQG nói chung, đặc biệt là các Chương trình KHCNQG trong giai đoạn 2016-2020 đã góp phần giúp hoạt động KH&CN có những đóng góp quan trọng và toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% (giai đoạn 2011-2015) lên 45,2% (giai đoạn 2016-2020). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015). Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia.

Các đại biểu tham dự Hội nghị  

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển. Hiện nay có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao (đạt xấp xỉ 1 tỉ USD liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017), đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo. Số lượng bài báo công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như: Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. 

Khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động KH&CN chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước (chiếm khoảng 70-80% tổng đầu tư cho KH&CN). Đến nay, đầu tư cho KH&CN từ Ngân sách Nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỉ lệ tương ứng là 52% và 48%. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tiên phong trong đầu tư, ứng dụng KH&CN. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích của người nộp đơn có quốc tịch Việt Nam là 3.882 đơn, gấp 1,2 lần giai đoạn 2011-2015.

Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đã luôn nỗ lực và bền bỉ phát triển hệ thống lý luận mới về vai trò của văn hóa, lịch sử, con người và các nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững, tác động vào quá trình thay đổi nhận thức và hành vi, bồi đắp trí tuệ của con người Việt Nam trong xã hội hiện đại, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa của dân tộc. Nghiên cứu khoa học tự nhiên đã có tiến bộ vượt bậc về lượng và chất trong những năm gần đây. Các nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng đã tạo ra nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực hóa học, cơ học, khoa học thông tin và máy tính, sinh học nông nghiệp, y sinh dược học. Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ đã phát triển lên một tầm cao mới về năng lực và trình độ nghiên cứu, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng sâu rộng hơn trong các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Bộ KH&CN đã cơ cấu lại các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 16 chương trình KH&CN quốc gia, bao gồm 2 chương trình thực hiện dưới hình thức nhiệm vụ KH&CN đặc biệt. Đồng thời, Bộ đã phê duyệt 17 Chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030. Các chương trình được hình thành theo định hướng phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia và gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực. Các Chương trình KHCNQG không trùng lặp về nội dung nghiên cứu và phân bổ nguồn lực, có sự kết nối, liên thông giữa các chương trình; các nhiệm vụ KH&CN phải có tính ứng dụng cao đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, trong phạm vi cả nước, giải quyết các vấn đề KH&CN liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng.

Bộ KH&CN cũng đang phối hợp với các bộ, ban, ngành hoàn thành việc nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý nhiệm vụ, chương trình, các văn bản quản lý chương trình, đặc biệt là các văn bản quy định về cơ chế quản lý tài chính, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN. Đồng thời, nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia.

 Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị  

Với đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn nhận được sự chia sẻ ngày càng rộng rãi hơn của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà quản lý KH&CN, nhà khoa học với quan điểm tôn trọng tính rủi ro, độ trễ của hoạt động nghiên cứu khoa học.

Đẩy mạnh liên kết giữa các chương trình KH&CN

Tại hội nghị triển khai các Chương trình KH&CN cấp Quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây, quan điểm tôn trọng tính rủi ro, độ trễ của hoạt động nghiên cứu khoa học đã được nhiều nhà khoa học đồng tình và nhấn mạnh khi thảo luận. Các đại biểu đều đánh giá cao ý tưởng, chương trình, kế hoạch triển khai các chương trình KH&CN quốc gia được báo cáo tại hội nghị. GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, nếu thực hiện được tất cả các ý tưởng, kế hoạch đã đặt ra thì có thể coi là đột phá, cuộc cách mạng trong quản lý hoạt động KH&CN.

GS.TS Trần Đình Hoà - Giám đốc Viện Khoa học Thuỷ lợi, Chủ nhiệm Chương trình KC.08/21-30 bày tỏ quan điểm đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt liên quan đến tôn trọng tính rủi ro, độ trễ của hoạt động nghiên cứu khoa học. Đồng thời kiến nghị, trong quá trình triển khai tổ chức, Bộ KH&CN nên tổ chức giao ban, liên kết giữa các chương trình để trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt là giữa các chương trình có liên quan với nhau để phát huy hiệu quả.

GS.TS Hoàng Văn Phong – Chủ nhiệm Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 nhấn mạnh một trong những mục tiêu của việc triển khai các chương trình KH&CN quốc gia là nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Để KH&CN có đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, một chân lý là phải xuất phát từ thực tiễn. Nhìn lại lịch sử, KH&CN đã được xã hội đánh giá ngày càng cao hầu hết đều xuất phát từ những kết quả nghiên cứu các vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra. GS.TS Hoàng Văn Phong dẫn chứng từ việc nghiên cứu, chế tạo thành công súng bazooka và nhiều loại vũ khí của GS. Trần Đại Nghĩa cùng các đồng đội trong điều kiện hết sức khó khăn; GS Đặng Văn Ngữ nghiên cứu, bào chế dung dịch penicillin chữa vết thương cho thương bệnh binh; đường dây 500kV Bắc – Nam nối liền hệ thống điện trong cả nước; hệ thống thuỷ lợi đưa Tứ giác Long Xuyên từ hoang hoá, nhiễm phèn nặng thành vùng sản xuất trù phú, trọng điểm sản xuất lúa gạo; hay việc áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn giúp Thuỷ điện Sơn La về đích sớm 3 năm; làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo giàn khoan tự nâng; xuất khẩu sản phẩm nông sản và nhiều thành tựu khác… Những thành tựu đó đều có đóng góp của các nhà khoa học cùng các doanh nghiệp. Công tác truyền thông về những thành tựu, kết quả đó cần mạnh mẽ hơn nữa.

GS.TS Hoàng Văn Phong cũng đã chia sẻ một số hướng đề xuất nghiên cứu của Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia như nghiên cứu dùng năng lượng mặt trời để chuyển hoá nước biển thành nước ngọt; nghiên cứu, chế tạo các linh kiện, thiết bị cho máy bay không người lái, chip điện tử…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, trong giai đoạn 2016-2020, ngành KH&CN, trong đó có các chương trình KH&CN quốc gia, đã đóng góp quan trọng vào chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn nhiều so với kỳ trước, tỉ trọng sản phẩm công nghệ cao trong xuất khẩu; đạt được những bước tiến đáng ghi nhận về chỉ số đổi mới sáng tạo, công bố nghiên cứu khoa học quốc tế, sở hữu trí tuệ, tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tương đối đều khắp,…

Ngành KH&CN đã triển khai một số chương trình lớn về khoa học xã hội, chính trị, quản lý. Ngoài đóng góp về văn kiện Đại hội Đảng, đã có một số đề án lớn, tạo được nền tảng, đồ sộ về tầm vóc tri thức và ảnh hưởng được thực hiện như Bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử), Bộ Địa chí quốc gia Việt Nam (Quốc chí), Bách khoa toàn thư Việt Nam…

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu một số hạn chế, bất cập ngành KH&CN cần nhìn nhận thẳng thắn, đầy đủ. Trước hết, nguồn lực dành cho các chương trình KH&CN quốc gia lớn nhưng vẫn thiếu mối liên kết có tính định hướng, hướng dẫn, bổ trợ, đỡ đầu đối với các chương trình, nhiệm vụ KH&CN các cấp bên dưới; cần chú ý hơn nữa đến cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, công nghệ. Bộ KH&CN đã có nhiều nỗ lực cải tiến nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để những bất cập, hạn chế, vướng mắc về cơ chế quản lý, tài chính trong khoa học, chưa sẵn sàng chấp nhận rủi ro...

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN khẩn trương hơn nữa trong triển khai các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025, bảo đảm chất lượng, đúng quy định; đồng thời lưu ý một số điểm. Các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 cần được cơ cấu lại theo hướng các mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả, tiêu chí đánh giá phải được lượng hoá ngày càng rõ ràng, chi tiết; có sự phổi hợp với các chương trình, nhiệm vụ KH&CN các cấp, bám sát Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.

Cơ chế đánh giá thường xuyên, định kỳ các chương trình KH&CN quốc gia cần tiếp tục được hoàn thiện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Bộ KH&CN cần tổ chức các nhóm nghiên cứu mạnh trong một số chương trình KH&CN, từng bước tháo gỡ cơ chế quản lý, tài chính trong khoa học; có các cơ chế để doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào các chương trình KH&CN quốc gia, kết hợp với các cơ sở nghiên cứu của Nhà nước.

Đồng chí Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị 

Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Phó Thủ tướng lưu ý kết quả các chương trình KH&CN quốc gia cần đưa ra những kiến nghị thật cụ thể, tổ chức phương thức để lan toả kết quả nghiên cứu, tạo xung lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn trong phát triển đất nước; triển khai nghiên cứu, đề xuất cụ thể về cơ chế quản lý tài chính trong KH&CN; đẩy mạnh nghiên cứu về văn hoá.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vai trò của KH&CN càng ngày càng thấy rõ hơn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cần lan toả mạnh mẽ hơn nữa. Theo Phó thủ tướng, KH&CN không phải là độc quyền của Nhà nước hay của viện này, viện kia mà cởi mở cho toàn giới khoa học. Các kết quả, đề tài nghiên cứu cần được minh bạch, công khai và gắn với trách nhiệm giải trình của các nhà khoa học. Bộ KH&CN cần kiên trì, thuyết phục trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý, tài chính trong khoa học./.

Thảo Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực