|
Viện Hàn lâm KHCN đã khẳng định vị thế dẫn đầu trong công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Ảnh: TL |
Đơn vị dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế
Không chỉ là đơn vị đứng đầu cả nước trong công tác nghiên cứu cơ bản, trong những năm vừa qua Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) còn được quốc tế ghi nhận là một trong những đơn vị dẫn đầu về đổi mới sáng tạo tại Nam Á và Đông Nam Á.
Chia sẻ về kết quả trên GS.VS. Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm cho biết: “Để đổi mới sáng tạo thành công thì người lãnh đạo, quản lý cũng phải là người có tư duy đổi mới sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Chính vì vậy, trong những năm qua Viện Hàn lâm đã tạo điều kiện, động lực cho các nhà khoa học nghiên cứu, đổi mới. Kết quả của nhiệm vụ luôn phải gắn với sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa, nâng cao giá trị của công nghệ. Trong đó, về nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ giai đoạn 2015-2020, Viện đã có 209 bằng sở hữu trí tuệ, tăng hơn 4 lần so với giai đoạn trước”.
Nhờ đổi mới sáng tạo, đến nay Viện Hàn lâm đã đạt khoảng 2.000 công bố mỗi năm tăng trung bình 15% với số lượng công trình công bố đạt tiêu chuẩn ISI dẫn đầu cả nước. Nhiều công trình nhận giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm còn là đơn vị dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế và giải pháp hữu ích trong khối Viện nghiên cứu và Trường đại học tại Việt Nam và nhiều trong số đó đã được phát triển thành sản phẩm khoa học công nghệ uy tín trên thị trường.
“Thành công của đổi mới sáng tạo đó còn thể hiện qua một số kết quả nổi bật của Viện trong việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như: chế tạo và phóng thành công các vệ tinh nhỏ; xây dựng và vận hành Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần cùng mạng lưới quan trắc; hoàn thành việc nâng cấp, đưa vào hoạt động ổn định Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin… Đặc biệt, Viện đã chủ động triển khai nghiên cứu các công trình phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, tổng hợp thành công một số loại thuốc điều trị đang thử nghiệm lâm sàng”, GS.VS Châu Văn Minh chia sẻ
Đổi mới sáng tạo là cả một quá trình
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Đại hội đại biểu của Đảng bộ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ VIII - nhiệm kỳ 2021-2025, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 song được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự ủng hộ của các Bộ, Ngành Trung ương và địa phương, cùng với sự chủ động trong đổi mới sáng tạo, Viện đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ KHCN quan trọng do Thủ tướng, Chính phủ giao và các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.
Đổi mới sáng tạo là cả một quá trình, và quá trình đó đã mang lại những thành công và ghi nhận của xã hội, của đất nước và các tổ chức quốc tế khi mà trong năm 2021 các mặt hoạt động của Viện Hàn lâm đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ
Theo đó, năm 2021 Viện Hàn lâm đã công bố là 2.265 công trình khoa học, trong đó số công bố trên các tạp chí quốc tế là 1.607 công trình, tương đương với năm 2020. Số công trình trên các tạp chí có uy tín thuộc danh mục SCIE tăng nhẹ 3,4% so với năm 2020 (mặc dù năm 2020 đã tăng rất cao tới 44,3%). Về chất lượng của các công trình công bố tiếp tục được nâng cao, số lượng công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc càng nhiều.
Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm đã thực hiện thành công nhiều Chương trình KHCN cấp Quốc gia và cấp Viện Hàn lâm, trong đó đã hoàn thành tốt Chương trình Tây Nguyên và Chương trình KHCN Vũ trụ giai đoạn 2016-2020...
Ngoài ra, hai Trung tâm quốc tế dạng II dưới sự bảo trợ của UNESCO là Trung tâm Vật lý Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Quốc tế về Toán học (đi vào hoạt động từ năm 2018, chính thức được ra mắt ngày 29/10/2021) đã phát huy được những thế mạnh về nghiên cứu cơ bản của Viện trong lĩnh vực Toán học, Vật lý.
Công tác nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2021, Viện Hàn lâm đã được cấp 63 Bằng độc quyền phát minh sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, trong đó có 03 Bằng độc quyền sáng chế quốc tế. Nhiều kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng thiết thực và được chuyển giao cho địa phương, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp. Điển hình, năm 2021, các đơn vị trực thuộc đã thực hiện trên 1.633 hợp đồng KHCN tăng 36% so với năm 2020. Tổng số nhiệm vụ, đề tài các cấp được triển khai thực hiện trên toàn Viện hàn lâm là 629 nhiệm vụ.
Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Viện Hàn lâm vẫn duy trì kết nối trao đổi với các đối tác quốc tế triển khai các nhiệm vụ hợp tác song phương. Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Anh và CH Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ký Nghị định thư về hợp tác trong lĩnh vực vệ tinh quan sát Trái đất với Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) và Tập đoàn Airbus Defence and Space (Airbus SAS). Đồng thời, Viện tiếp tục phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Nga thực hiện chuyến khảo sát nghiên cứu vùng biển Việt Nam lần thứ 7 bằng tàu Viện sĩ Oparin.
Công tác đào tạo đại học, sau đại học đạt chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao và số lượng học sinh vào trường ngày càng tăng. Năm 2021, lần đầu tiên Viện Hàn lâm triển khai Chương trình thu hút các nhà khoa học trẻ vào công tác tại Viện và đã lựa chọn được 14 cán bộ trẻ chưa là biên chế tham gia Chương trình. Ngoài ra, Viện Hàn lâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hỗ trợ cán bộ trẻ nhằm thu hút cán bộ trẻ - giỏi và cán bộ có trình độ cao về công tác tại Viện. Trong năm 2021, Viện đã hỗ trợ 114 cán bộ trẻ gồm 62 tiến sĩ, 39 thạc sĩ và 13 kỹ sư và cử nhân…
Để thời gian tới hoạt động đổi mới sáng tạo phát huy được sức mạnh nội lực của các tổ chức, doanh nghiệp, theo PGS.TS Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, đổi mới sáng tạo có tính liên ngành do đó cần thành lập Hội đồng đổi mới sáng tạo Quốc gia do Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng. Nhà nước cần giao quyền sở hữu trí tuệ của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nghiên cứu để đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học; cần xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các spin-off tại các Viện nghiên cứu và Trường đại học lớn. Đặc biệt, cần thử nghiệm mô hình thương mại hóa công nghệ đặc thù với một cơ chế đặc biệt tại các trường đại học, viện nghiên cứu lớn…/.