|
TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: BL |
Ngày 29/11, tại Hà Nội, Viện Dân tộc học (Viện Hàm lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup tổ chức Hội thảo Dân tộc học quốc gia thường niên năm 2023 với chủ đề: “Một số vấn đề mới về dân tộc học ở nước ta hiện nay”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Trong lịch sử phát triển của đất nước ta, các dân tộc và vấn đề dân tộc luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán nguyên tắc: “Đoàn kết toàn dân tộc là chiến lược của cách mạng Việt Nam; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Nguyên tắc này được thể hiện xuyên suốt trong các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với chính sách cụ thể ở một số tộc người, địa phương và trên cả nước qua các thời kỳ lịch sử; thể hiện ý nghĩa to lớn, sâu sắc trong giải quyết các vấn đề về dân tộc, phát huy nguồn lực của các dân tộc, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình đổi mới đất nước, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta và ở vùng dân tộc thiểu số có nhiều bước phát triển, chính trị xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững; quyền và lợi ích chính đáng của người dân các dân tộc được đảm bảo; đời sống văn hóa, xã hội của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ đói nghèo giảm, chất lượng giáo dục, đời sống được nâng lên; công tác nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, chính sách dân tộc nói riêng từng bước được hoàn thiện.
Theo TS Phan Chí Hiếu, trên thế giới, từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, vấn đề dân tộc, tôn giáo trở thành “điểm nóng” ở nhiều nơi, nhất là những quốc gia, vùng lãnh thổ có đặc điểm đa dân tộc, đa tôn giáo, đa biên giới; mâu thuẫn và xung đột tộc người, phong trào tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tư tưởng tự trị, ly khai nổi lên với xu hướng lan rộng dưới nhiều hình thức, cách thức khác nhau. Cùng với đó, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, phức tạp; các thế lực thù địch ra sức chống phá trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo;... Các yếu tố này đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến các tộc người và vấn đề dân tộc ở nước ta.
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, nhận diện những vấn đề mới về dân tộc của nước ta hiện nay, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, biên giới, ven biển và hải đảo; đánh giá ảnh hưởng của các vấn đề mới về dân tộc đến phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng ở vùng dân tộc thiểu số, của quốc gia. Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung phân tích và làm rõ các nguyên nhân tác động, dự báo xu hướng mới, qua đó cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách dân tộc, giải quyết tốt hơn các vấn đề dân tộc ở nước ta, góp phần phát triển bền vững các tộc người, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Tám, Viện Dân tộc học cho hay, trong những năm qua, diện mạo cuộc sống của người Brâu đã có những thay đổi đáng kể, song nhìn chung cuộc sống của họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những chính sách quan tâm đặc biệt của Nhà nước dành cho tộc người này một mặt giúp người dân được cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng, được tiếp cận với những nguồn lực sinh kế mới; con em Brâu được học tập đầy đủ hơn;
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: BL |
TS Nguyễn Thị Tám đề nghị cần chú trọng hơn vào các chính sách đầu tư phát triển giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực ở chính cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người, bồi dưỡng cho họ cả về trí lực và tâm lực để phục vụ địa phương, bởi đây là đội ngũ có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng. Điều này được minh chứng qua trường hợp Nàng Xô Vi - người phụ nữ dân tộc Brâu đầu tiên trở thành Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Kon Tum.
Cần có sự tham gia của tất cả các bên trong những giai đoạn phát triển, từ khâu lập kế hoạch, triển khai thực hiện, phân tích và đánh giá, trên cơ sở thừa nhận sự khác biệt và đa dạng văn hóa, coi vốn văn hóa của người dân như là một nguồn lực của sự phát triển, dựa vào quan điểm bên trong của cộng đồng thay vì áp đặt cái nhìn từ bên ngoài. Do vậy, cần tìm hiểu những kinh nghiệm, tri thức đầy đủ của người dân để từ đó tìm giải pháp cho các vấn đề sử dụng và quản lý đất đai, phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa và sử dụng vốn văn hóa của chính họ vào các chương trình, dự án phát triển để đạt được hiệu quả cao nhất./.