Một số mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ hiệu quả ở Việt Nam hiện nay

Thứ năm, 13/11/2014 14:34

(ĐCSVN) - Hoạt động khuyến lâm đang hướng tới phát triển lâm sản ngoài gỗ (LSNG). Đây cũng chính là một trong những nội dung mà Trung tâm khuyến nông quốc gia đang tiến hành nhằm góp phần thực hiện đề án 2007 – 2012 và tầm nhìn 2020 về phát triển và bảo tồn cây LSNG của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).

Thời gian qua, Trung tâm khuyến nông quốc gia đã triển khai một số dự án phát triển cây LSNG nhằm nâng cao nhận thức người dân về giá trị LSNG đối với phát triển kinh tế hộ gia đình và bảo tồn tài nguyên rừng; giúp nông dân phát triển và sử dụng bền vững nguồn LSNG và giảm sức ép đến rừng.

Dự án “Xây dựng mô hình Trồng mây K83”

 

 Ảnh: K.N


Đây là mô hình nằm trong Dự án trồng mây K83 tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, giai đoạn 2013 – 2015 của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhằm tạo cơ hội mở mang nghề mới, tận dụng đất đồi rừng để trồng, cung ứng nguyên liệu tại chỗ cho nghề mây - tre đan.

Cây mây K83 sinh trưởng và phát triển tốt, thích nghi với nhiều điều kiện lập địa, dễ trồng, năng suất cao gấp 3 lần mây nếp truyền thống, tuy mới thực hiện dự án được 2 năm, hiện nay chiều cao của cây trung bình đạt từ 70-85cm, đường kính gốc đạt từ 1,5-2,0cm tỷ lệ sống trung bình đạt 92%.

Cây mây K83 trồng 1 lần cho thu hoạch thời gian từ 30-40 năm sau, sợi mây K83 bóng trắng tự nhiên, dẻo bền, mịn thớ vì vậy giá thành cao hơn nhiều so với mây nếp thông thường. sau 4-5 năm có thể thu hoạch được 3-4 tấn/ha với đơn giá thu mua hiện tại là 3.500.000 đồng/tấn thì 1 ha có thể thu từ 10-14 triệu. đồng.

Việc đưa giống mây K83 mới và các biện pháp trồng rừng thâm canh trong quá trình triển khai dự án nhằm tạo ra vùng nguyên liệu hàng hóa để cung cấp cho các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân vùng miền núi. Ngoài tác động về mặt kinh tế dự án còn có tác động về xã hội và môi trường như tạo việc làm đúng với phong tục tập quán, góp phần phủ xanh đất trống, hạn chế xói mòn.

Xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Mắc ca tại Tây Bắc và Tây Nguyên

Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2012, với tổng số 190 ha được triển khai tại 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Kếtt quả ban đầu cho thấy cây sinh trưởng phát triển tốt, chiều cao cây bình quân từ 1,5 - 2,5 m, đạt tỷ lệ sống trên 95%, đường kính gốc đạt từ 1.2 - 3 cm, nhìn chung cây không có sâu bệnh.

Sản phẩm chính của cây mắc ca là hạt. Hạt mắc ca có hương vị thơm ngon nhất trong các loại hạt dùng để ăn và được mệnh danh là Hoàng hậu quả khô. Theo kết quả phân tích thì thành phần dinh dưỡng trong nhân hạt mắc ca như sau:

Chất béo 78,2%, các hợp chất đường 10%, các hợp chất đạm (protein) 9,2%, hàm lượng nước 1,5-2,5 %, Kali 0,37%, Phôt-pho 0,17%, Ma-nhê 0,12%.

Cây mắc ca ghép sau khi trồng 5-6 năm đã cho thu hoạch. Một ha mắc ca trồng thuần ở mật độ 330 cây/ha (5x6m), từ năm thứ 8 trở đi có thể cho thu hoạch với năng suất vào khoảng 3-5 tấn hạt/ha/năm, với giá bán 60.000 đồng/kg hạt thì giá trị thu được từ 180 triệu đến 300 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận ước tính vào khoảng 150 đến 250 triệu đồng/ha/năm.

Phát triển cây mắc ca không chỉ đem lại thu nhập cao cho nông dân mà còn có ý nghĩa về mặt môi trường, làm cây bóng mát ngoài ra còn tạo việc làm ổn định cho người nông dân, giảm sức ép đến xã hội.

Dự án “Trồng cây LSNG dược liệu”

 

 Ảnh: K.N


Dự án thực hiện tại Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Giang triển khai từ năm 2012. Tỷ lệ sống đạt của các loài cây lâm sản ngoài gỗ như Ba kích, kim tiền thảo và sa nhân đều đạt trên 85%, cây sinh trưởng và phát triển tốt không có sâu bệnh hại. Cụ thể như Ba kích sau năm đầu cây đã bắt đầu bám giá thể, sang năm thứ 2, 100% số cây đã leo giàn. Hiện nay 100% số cây trong mô hình đã có củ, đào thử củ đã to, cá biệt có củ đạt đường kính 1cm, tuy nhiên chưa cho thu hoạch vì để đạt năng suất và tính dược liệu tốt nhất thì sau 5 năm mới tiến hành thu hoạch.

Qua 3 năm thực hiện với 180 ha cây dược liệu được trồng trên địa bàn 3 tỉnh đã khẳng định được giá trị của cây dược liệu mang lại đối với kinh tế, môi trường và xã hội. Với 1 ha cây ba kích sau 5 năm trồng người dân sẽ thu được lợi nhuận là 228.300.000 đồng chưa tính công lao động, mô hình sa nhân thu được lợi là 4.080.000 đồng sau 3 năm trồng, còn mô hình trồng kim tiền thảo tại Bắc Giang, Thái Nguyên và Hà Giang cho thu hoạch với kết quả đạt được trung bình 78.875.000 đ/ 1ha.

Đối với mô hình kim tiền thảo đã giúp cho bà con nâng cao được thu nhập vì diện tích kim tiền thảo được trồng chủ yếu dưới đồi vải hoặc trong các diện tích trồng cây ăn quả hoặc vườn nhà, nếu không trồng kim tiền thảo thì hầu hết các hộ đều bỏ không phần diện tích dưới tán này. Việc đưa cây kim tiền thảo về trồng trên địa bàn vừa giúp cho người dân xóa đói giảm nghèo vừa giúp cho người dân có thêm định hướng về cây trồng mới. Ngoài ra, cây kim tiền thảo còn có khả năng hạn chế cỏ dại, tái tạo lại đất, bổ sung thêm N cho đất.

Mô hình của dự án sẽ góp phần làm tăng thêm đa dạng sinh học cho rừng; tận dụng nâng cao được hướng đất dốc vùng đồi núi và tạo được vùng đệm an toàn cho việc bảo tồn thiên nhiên.

Các mô hình của dự án sử dụng rất nhiều lao động, như mô hình kim tiền thảo lao động chiếm 75% chi phí sản xuất. Đây chính là cơ hội giải quyết việc làm cho người dân, giúp giảm tình trạng thất nghiệp, dư thừa lao động giảm sức ép tới xã hội, giảm thiểu tệ nạn xã hội và tình trạng di dân từ nông thôn ra thành thị.

Dự án “Trồng cây LSNG làm thực phẩm”

Mô hình trồng thâm canh cây thảo quả dưới tán rừng và thâm canh cây tre măng bát độ tại Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái sau thời gian triển khai nhìn chung có tỷ lệ sống cao, trung bình đạt 88%, cây sinh trưởng phát triển tốt, thân khí sinh to, mập, mỗi khóm có trung bình từ 4-5 cây, chiều cao trung bình 2,8m, đường kính gốc bình quân 2,5 cm, cây không bị sâu bệnh hại, đã có quả bói năng suất bình quân đạt 50 kg quả khô/ha. Dự kiến sau 5 năm trồng năng suất đạt 150 kg quả khô/ha x 120.000 đ/kg = 18.000.000 đồng

Với mô hình trồng thâm canh cây tre măng bát độ, tỷ lệ cây sống đạt 86%, mỗi khóm có 2-3 cây tre, chiều cao bình quân đạt 4,5m, đường kính gốc 3 cm. Đã có 1 số hộ gia đình cho thu hoạch măng bói năng suất bình quân đạt 250kg/ha. Dự kiến sau 5 năm thu hoạch 70-80 tấn/ha x 4.000 đồng/kg = 28.000.000 đồng.

Dự án góp phần nâng cao nhận thức của người dân về giá trị cây lâm sản thực phẩm và bảo vệ tài nguyên rừng bền vững; nhận thức và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm tăng thu nhập, giảm sức ép vào tài nguyên rừng.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực