Nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy tại Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: BT)
Khu vực ĐBSCL nằm ở cuối lưu vực sông Mê Kông, có tổng diện tích tự nhiên vào khoảng 4 triệu ha. Địa hình của vùng tương đối thấp và bằng phẳng; hệ thống sông, kênh, rạch trong khu vực được đan xen chằng chịt. Trong đó, riêng hệ thống kênh trục đến cấp II có tổng chiều dài khoảng 37.000km.
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), các hệ thống công trình thủy lợi vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: công trình bị xuống cấp, sạt lở hệ thống đê, bờ bao, bồi lắng lòng dẫn, ô nhiễm nguồn nước. Trong đó, hai vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trên diện rộng là hạn hán, xâm nhập mặn và ngập lũ.
Cụ thể, một số năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và khai thác nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông, dòng chảy mùa kiệt về ĐBSCL ngày càng suy giảm, dẫn đến xâm nhập mặn gia tăng và biến đổi khác quy luật trước đây. Xâm nhập mặn xuất hiện nhiều hơn và khác quy luật dẫn đến nguồn nước cung cấp cho sản xuất bị thiếu hụt, thời điểm xuất hiện đỉnh mặn trùng với thời gian lúa trỗ nên càng gia tăng mức độ thiệt hại. Xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2015 - 2016 đã ảnh hưởng đến 11/13 địa phương trong khu vực; tổng cộng diện tích bị ảnh hưởng xâm nhập mặn 4 g/lít khoảng 2.056.192ha, chiếm 52,7% so với diện tích tự nhiên của vùng.
Trong năm 2017, nhìn chung, xâm nhập mặn ít có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh; tuy nhiên, cần đề phòng xâm nhập mặn bất thường xảy ra. Với ngập lũ, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ĐBSCL do hệ thống đê, bờ bao chưa đồng bộ và khép kín, nhiều nơi đã bị xuống cấp sau thời gian dài sử dụng, không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời nên khả năng chống lũ của công trình không cao.
Theo Tổng cục Thủy lợi, để đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, giải pháp trước mắt cần tăng cường công tác chỉ đạo. Khi có nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lũ, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần có các văn bản chỉ đạo kịp thời; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả. Theo dõi diễn biến thời tiết và dự báo diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lũ. Các thông tin dự báo sớm là yếu tố quan trọng giúp cho việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống.
Theo dõi diễn biến dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông. Việc theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông là cơ sở để đánh giá ảnh hưởng đến ĐBSCL, làm cơ sở dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước, ngập lũ. Thực tế, trong mùa khô năm 2016, thông tin các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn tăng cường phát điện đã được nắm bắt sớm, thời gian nguồn nước bổ sung về tới ĐBSCL được dự báo chính xác và thông báo kịp thời cho các địa phương chủ động vận hành hệ thống công trình thủy lợi lấy nước.
Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền. Việc đưa tin dự báo, cảnh báo tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lũ,… trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ giúp truyền tải nhanh, cung cấp thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân; hỗ trợ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lũ và sử dụng nước tiết kiệm, có hiệu quả. Bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý và sử dụng giống phù hợp. Mùa, vụ gieo trồng cần bố trí hợp lý để bảo đảm tránh thời kỳ lúa trỗ trùng thời gian xâm nhập mặn cao (có thể thiếu nước tưới), đồng thời tránh lũ chính vụ để giảm nguy cơ ngập úng.
Thực hiện các giải pháp dẫn nước, trữ nước, củng cố bờ bao. Để chủ động lấy nước, trữ nước, đề phòng nguồn nước thiếu hụt do xâm nhập mặn, cần tăng cường đắp đập tạm ngăn mặn tại các nhánh sông chưa có công trình điều tiết ngăn mặn, nạo vét kênh mương để dẫn nước, lắp đặt trạm dã chiến, tổ chức bơm chuyền để tận dụng nguồn nước. Thực tiễn đã chứng tỏ ở một số nơi trong khu vực ĐBSCL, các giải pháp này đã bảo đảm được nguồn nước tưới cho cả mùa khô. Hệ thống bờ bao cần được kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để bảo đảm chống lũ.
Về lâu dài, cần tăng cường năng lực giám sát, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn, ngập lũ, đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát tự động để kịp thời thông tin; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể của các ngành, nhất là quy hoạch sử dụng đất, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi, cấp nước. Xác định rõ thế mạnh của các ngành, phù hợp với biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Chủ động điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội.
Cùng với đó, có chính sách cụ thể khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp, công nghệ tiên tiến sử dụng nước tiết kiệm nước; có các biện pháp hành chính, kinh tế nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm đối với các tổ chức, cá nhân. Rà soát, đề nghị ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn, phòng lũ./.