Hiệu quả từ sử dụng các giống lúa đạt tiêu chuẩn

Thứ ba, 09/05/2017 16:41
Nông dân tỉnh Phú Yên đang sử dụng ít nhất 15 loại giống lúa đạt tiêu chuẩn như giống nguyên chủng, xác nhận 1, xác nhận 2, lúa lai... cho năng suất và giá trị kinh tế cao để thay thế các loại giống thoái hóa.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình
trồng lúa lai. Ảnh: TTXVN


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, trong số 26.400 ha lúa vụ Đông Xuân 2016 - 2017, tỷ lệ sử dụng các loại giống đạt tiêu chuẩn nói trên chiếm trên 33,5% diện tích. Trong khi đó, cách đây 5 năm, hơn 90% diện tích nông dân sử dụng giống đã thoái hóa, nhất là giống ML 94.

Hiện diện tích lúa vụ Đông Xuân 2016 - 2017 chưa hoàn thành thu hoạch do ảnh hưởng bất thường của thời tiết. Nhiều cánh đồng phải sạ lại từ 2 - 4 nhưng bình quân năng suất ước đạt 68,9 tạ/ha; tăng 0,7 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước.

Tại Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Thắng 2 (huyện Phú Hòa), trong vụ Đông Xuân 2016-2017 lần đầu tiên có 51 hộ nông dân tham gia mô hình sạ giống lúa nguyên chủng TBR 225 trên diện tích 8 ha đã đạt năng suất 8,5 tấn/ha trở lên.

Ông Trần Văn Hải là nông dân tham gia mô hình này cho biết, “ruộng nhà tôi đạt năng suất 470 kg/sào (tương đương 9,4 tấn/ha), tăng hơn ruộng đối chứng 50 kg/sào”.

Đáng chú ý, ở các huyện miền núi do diện tích lúa nước ít nên nông dân được Trung tâm khuyến nông tỉnh Phú Yên chú trọng phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống đưa vào trồng các loại giống mới, nhất là lúa lai chiếm tỷ lệ gần 44% diện tích.

Chẳng hạn như huyện Đồng Xuân có 1.540 ha, chiếm 52% diện tích; huyện Sông Hinh có 1.106 ha, chiếm 34,4% và huyện Sơn Hòa có 770 ha, chiếm 46,9% diện tích. Ngoài ra, nông dân bước đầu mạnh dạn áp dụng lượng giống gieo sạ chỉ từ 50-120 kg/ha, thay vì thường sạ dày với 200 kg/ha như trước đây.

Nhiều mô hình sử dụng giống lúa lai đang được nông dân tham gia. Cụ thể, tại xã Suối Trai thuộc huyện miền núi Sơn Hòa, vụ Đông Xuân 2016 - 2017 có 37 hộ đồng bào dân tộc thiểu số lần đầu trồng 10 ha lúa lai TH 3-5.

Những hộ này được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, gieo sạ chỉ 50 kg giống/ha, giảm 150 kg giống so với sạ thường đã đạt năng suất 76,2 tạ/ha, tăng 13,5 tạ/ha so với ruộng đại trà.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, lúa lai có khả năng thích nghi rộng và chống chịu sâu bệnh tốt. Năng suất cao hơn lúa thuần từ 15% - 30%, thâm canh tốt có thể đạt 8 tấn - 12 tấn/ha.

Bên cạnh đó, một số hợp tác xã nông nghiệp có chính sách hỗ trợ để xã viên sản xuất lúa chất lượng cao. Theo đó, những hộ nông dân sản xuất lúa giống được HTX hỗ trợ khoảng 10% chi phí. Đến mùa thu hoạch được hợp tác xã mua lại với giá cao hơn 2.000 đồng/kg so với lúa thịt hoặc trao đổi ngang giá theo tỉ lệ cứ 1 kg lúa giống tương đương với 1,2 kg lúa thịt.

Hợp tác xã nông nghiệp Nam An Nghiệp (huyện Tuy An) là đơn vị khá nhất tỉnh Phú Yên trong khâu sản xuất lúa giống trong 6 năm gần đây. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp cho biết, ban đầu chỉ có 30 ha chuyên sản xuất lúa giống, đến vụ Đông Xuân năm nay hợp tác xã đã mở rộng diện tích lên 60 ha. Lượng lúa giống không chỉ đủ cung cấp cho sản xuất trong địa phương mà còn liên kết bán cho các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mỗi năm từ 300 - 400 tấn.

Tỉnh Phú Yên có diện tích trồng lúa nước tập trung với diện tích hàng năm 57.000 ha và thường đạt năng suất cao nhất trong khu vực Nam Trung bộ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, đến nay nông dân đã thực hiện cơ giới hóa 98% diện tích ở khâu làm đất và 97% diện tích ở khâu thu hoạch. Do vậy, việc mở rộng diện tích sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn vào sản xuất đại trà là một trong những biện pháp thâm canh rất cần thiết để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu năm 2017, tỷ lệ sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn chiếm ít nhất 50% diện tích./.

Thế Lập/TTXVN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực