Toàn cảnh phiên chất vấn lãnh đạo Sở NN&PTNT Nghệ An về vấn đề đầu ra
cho nông sản. Ảnh: Báo Dân trí
Đơn cử, cây chanh leo, trước đây do được giá, lại tiêu thụ dễ nên một số địa phương đã phát động phong trào trồng, coi đó là cây quan trọng để giải quyết việc làm, thu nhập; tuy nhiên, vụ thu hoạch năm 2017 giá chanh leo xuống thấp (khoảng 4.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái), nông dân trồng ra không tiêu thụ được.
Tỉnh Nghệ An đã hoàn thành quy hoạch một số loại cây trồng chính trong nông nghiệp, gắn với đó là việc có kế hoạch đầu tư về giống, vốn, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật mới vào phát triển. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ biến động, không ổn định nên có những loại cây trồng dù thu hoạch được mùa, năng suất cao, nhưng tiêu thụ khó khăn, giá cả xuống thấp, nông dân chịu thiệt hại.
Không chỉ có cây chanh leo, tại Nghệ An, đã có nhiều bài học về cây dứa, hành tăm, nghệ, dưa hấu... Có những vụ do được mùa, được giá nên nông dân phát triển ồ ạt, có những thời điểm phá vỡ cả quy hoạch diện tích, chuyển đổi cả những cây trồng khác sang trồng các loại cây trồng này, tuy nhiên do thị trường không ổn định, đầu ra bế tắc, giá cả xuống thấp, thiệt thòi nông dân gánh chịu.
Khắc phục tình trạng trên, tỉnh Nghệ An sẽ quản lý chặt quy hoạch phát triển cây trồng, không để nông dân phát triển ồ ạt và phá vỡ quy hoạch cây trồng, gắn với đó là định hướng, cung cấp thông tin thị trường một cách sát, đúng cho nông dân.
Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp, liên kết với nông dân, với chính quyền địa phương, với ngành nông nghiệp để phát triển hiệu quả các mô hình trong nông nghiệp, trong đó có các mô hình phát triển cây trồng, gắn với bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Hiện tỉnh đang phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện một số dự án quan trọng trong phát triển cây trồng gắn với bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, trong đó có dự án đầu tư và phát triển cao su; dự án trồng và chế biến chè chất lượng cao; dự án chế biến tinh bột sắn; dự án trồng dược liệu và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao.../.