Nuôi cá lồng bè tại Tuyên Quang (Ảnh: SN)
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, các tỉnh, thành phố phía Bắc có tiềm năng, lợi thế quan trọng để phát triển nuôi trồng thủy sản, có thể phát triển nhiều loại hình sản xuất; đối tượng phát triển đa dạng, có nhiều thủy đặc sản có giá trị kinh tế. Thị trường tiêu thụ thuận lợi, gần các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác. Đặc biệt, người dân các tỉnh, thành phố phía Bắc rất cần cù, sáng tạo, có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng và khai thác thủy sản.
Tuy nhiên, hiện nay, các tỉnh phía Bắc mới quan tâm đến nuôi trồng thủy sản trong ao, đầm, lồng bè ở quy mô nhỏ, phân tán, chưa quan tâm đúng mức tới tiềm năng thủy vực tự nhiên của các con sông, suối, hồ, đầm phá; chưa làm tốt công tác bảo tồn, bảo vệ và thả bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản để tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt là những hộ dân di dời để xây dựng các hồ thủy điện và sinh sống gần các thủy vực, ven sông lớn. Bên cạnh đó, còn thiếu sự liên kết giữa các cơ quan đào tạo, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ; chưa có chương trình tổng thể về khoa học công nghệ để phát triển nuôi trồng, bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Nhằm phát huy tiềm năng, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Bắc cần phát triển trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng lựa chọn những đối tượng thủy đặc sản, đặc hữu của từng địa phương, từng vùng để khuyến khích đầu tư nuôi trồng thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ trong nước là chủ yếu. Đồng thời, dựa vào cộng đồng để bảo vệ, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm tạo sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân cư.
Thứ trưởng giao Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương rà soát tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách phù hợp để phát triển thủy sản các tỉnh phía Bắc. Các địa phương tiếp tục nghiên cứu và đề xuất kiến nghị các chính sách phù hợp để Bộ NN&PTNT nghiên cứu, tiếp thu.
Giao các Viện, trường cùng các địa phương đề xuất, xây dựng các chương trình nghiên cứu chọn tạo, khôi phục các giống bản địa có lợi thế cạnh tranh và giá trị kinh tế cao để tạo nguồn giống gốc phục vụ chuyển giao để tổ chức sản xuất và nhân rộng. Bộ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cùng các đơn vị liên quan để nghiên cứu giải quyết con giống phục vụ sản xuất. Các địa phương phổ biến kỹ thuật bảo quản thủy sản tươi sống và tổ chức, hướng dẫn nông, ngư dân vận chuyển, cung cấp cho các thị trường. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất để giảm các khâu trung gian nhằm ổn định, hạ giá thành sản phẩm./.